Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội đến từ nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ hội đến từ nông nghiệp

Quỳnh Đan

(TBKTSG) – Xu hướng và cơ hội kinh doanh do nông nghiệp đem lại trong một thế giới cần ăn nhiều hơn và ăn ngon hơn.

Bốn mươi năm tới dân số thế giới sẽ tăng thêm một phần ba. Để đủ nuôi sống khoảng 9 tỉ người trên trái đất vào năm 2050, các báo cáo của Liên hiệp quốc dự tính sản lượng nông nghiệp cần phải tăng gấp đôi và các sản phẩm lương thực phải tăng khoảng 70%.

Nhu cầu về lương thực sẽ tăng, trong khi quỹ đất nông nghiệp có thể khai thác thêm trên trái đất gần như đã cạn. Tệ hại hơn, diện tích các vùng trồng trọt đang bị thu hẹp theo thời gian vì xói mòn, nhiễm mặn, ô nhiễm bởi công nghiệp.

Khi tốc độ đô thị hóa nông thôn đang diễn ra nhanh hơn ở các quốc gia đang phát triển, ngày càng có nhiều người nông dân muốn trở thành thị dân.

Cùng với những vấn nạn vừa nêu, thảm cảnh con người đang phải gánh chịu một hậu quả tai hại do chính mình gây ra ngày một gần: biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính. Với đà này, “hành tinh xanh” của chúng ta sẽ như thế nào?

Trong lúc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có vẻ đã chạm đáy và kinh tế thế giới dường như đang bước vào giai đoạn phục hồi, toàn thể nhân loại lại phải gánh một nỗi âu lo khác.

Viễn cảnh của thế giới được vẽ ra như trên cùng với câu hỏi “cái ăn của con người sẽ được giải quyết như thế nào trong tương lai?” lại được đặt ra tại một cuộc gặp gỡ nhằm thảo luận về các xu hướng lớn trong tương lai giữa Công ty DuPont với các nhà báo Đông Nam Á tổ chức gần đây tại Indonesia.

Cơ hội đến từ một nền nông nghiệp có năng suất cao hơn

Nhiều nghiên cứu cho thấy ngành nông nghiệp và “người bà con gần” của nó, ngành sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng, sẽ là một trong những xu thế phát triển mạnh trong tương lai.

Nhiều tập đoàn đã rất chú ý đến lĩnh vực này trong chiến lược kinh doanh của họ. Tập đoàn 200 năm tuổi DuPont là một ví dụ. Ông Carl J. Lukach, Chủ tịch DuPont Đông Á, cho biết trong tổng ngân sách 1,4 tỉ đô la mà DuPont toàn cầu chi cho nghiên cứu và phát triển, khoản tiền đầu tư cho các nghiên cứu nhằm gia tăng sản lượng lương thực chiếm đến phân nửa.

Thêm nhân khẩu, nhu cầu thực phẩm sẽ kéo theo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, từ các công ty kinh doanh hóa chất nông nghiệp, buôn bán hạt giống cho đến các công ty chế biến thực phẩm.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, nếu năm 1960, một héc ta đất chỉ cần nuôi hai người, thì đến năm 2025 cùng diện tích đó phải nuôi đến năm người. Con người ở thế hệ sau có xu hướng ăn nhiều hơn ông bà của họ.

Trong thập niên 60 của thế kỷ 20, một người châu Á mỗi năm tiêu thụ khoảng 75 ki lô gam gạo. Ngày nay, con cháu họ phải cần đến 85 ki lô gam gạo, nghĩa là nhiều hơn 13%.

Để tăng sản lượng nông sản, người ta sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp. Trong bối cảnh không thể mở rộng thêm diện tích đất trồng trọt, không thể tăng thêm nguồn thủy lợi nông nghiệp, nhà nông sẽ phải phụ thuộc vào kỹ thuật. Kỹ thuật ở đây có thể là phương thức mới hiệu quả hơn để tăng sản lượng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hạt giống. Sản xuất các hạt giống hoa màu cho năng suất cao, các loại giống rau, quả, ngũ cốc biến đổi gen chịu được hạn, kháng được sâu bệnh sẽ là lĩnh vực kinh doanh màu mỡ của các công ty trong lĩnh vực này.

Nhưng cho bữa ăn hàng ngày người ta không chỉ cần có cơm hay các sản phẩm từ lúa mì, bắp, mà còn cần thịt, sữa, trứng, rau, quả… Đầu tư cho chăn nuôi, sản xuất thực phẩm từ chất đạm động vật cũng là ngành có nhiều cơ hội.

Các số liệu thống kê cho thấy chỉ trong vòng một thập niên qua, cùng với tốc độ gia tăng dân số thế giới khoảng 13%, thu nhập toàn cầu tăng 29% thì mức tiêu thụ thịt đã tăng gần 20%.

Thị trường các nước mới nổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể là lãnh địa kinh doanh đầy tiềm năng cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi.

Trong 20 năm qua, cùng với sự xuất hiện ngày càng đông của tầng lớp trung lưu ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, khối lượng thịt tiêu thụ ở các nước này đã tăng gấp đôi. Liên hiệp quốc cũng dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt trên thế giới sẽ tăng hai lần vào năm 2050.

Song hành với nhu cầu tiêu thụ chất đạm động vật gia tăng, xu hướng ăn uống lành mạnh hơn cũng đã phát triển đáng kể. Chất đạm từ đậu nành cũng đã được chú ý nhiều. Trong khoảng thời gian từ năm 1999-2009, mức tiêu thụ đậu nành trên thế giới đã tăng khoảng 45%. Hiện nay đậu nành chiếm khoảng 2% chất đạm mà cư dân toàn cầu tiêu thụ. Đây cũng là một xu hướng cần được chú ý.

Nhiều cơ hội khác từ chuyện ăn, mặc.

Để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của con người, có không biết bao nhiêu là ngành sản xuất, công nghệ được cải tiến nhằm cung cấp cho thị trường các loại lương thực ngon hơn, tiện lợi hơn.

Nhưng câu chuyện thêm nhân khẩu không phải chỉ là thêm miệng ăn. Kéo theo đó sẽ là hàng loạt nhu cầu tăng thêm về điện, nước, phương tiện di chuyển, hạ tầng, hàng hóa, nhiên liệu… Điều này chắc chắn sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Nếu như chúng ta đặt câu hỏi rằng tăng dân số sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh nào, câu trả lời có thể là vô tận.

Chẳng hạn, khi chúng ta khoanh vùng ba nhu cầu cơ bản của con người, ngoài nhu cầu thực phẩm, người ta còn cần nước và không khí. Nhưng trong thực tế lượng nước và không khí bị ô nhiễm đang ngày càng tăng trong khi tiêu chuẩn sinh hoạt của con người ngày càng cao hơn. Những công ty cung ứng các giải pháp về công nghệ nước sạch một cách kinh tế chắc chắn sẽ có thị trường trong tương lai.

Hay trong xu thế các tổ chức quốc tế ngày càng ban hành các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn, thì nhu cầu về nguồn nhiên liệu sạch, các công nghệ xử lý khí thải, các công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường có thể có khả năng tăng trưởng lớn.

Giả sử chúng ta lại mở rộng ra thêm một khía cạnh khác, đã nói chuyện ăn thì phải đề cập đến chuyện mặc. Xu hướng sẽ là gì nếu không phải là những loại quần áo sử dụng nguyên liệu dễ giặt, dễ ủi, ít nhăn và có thể cũng là loại nguyên liệu mặc vào sao cho thật dễ chịu!

Điều đọng lại của câu chuyện này là trước những dự báo gia tăng dân số trong một môi trường có quá nhiều thay đổi và biến động như thế, doanh nghiệp có thể tìm ra được khoảng trống nào trên thị trường để chen chân vào đó.

Trở lại trường hợp Việt Nam, nơi có đến 70% dân số sống ở nông thôn. Tuy nông thôn vẫn là “vùng trũng” về nghèo đói và người nông dân vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong mặt bằng chung của xã hội, sản phẩm của họ đang làm cho thế giới biết đến Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một “thế lực” trên một vài thị trường xuất khẩu nông sản của thế giới, như gạo hay cà phê chẳng hạn. Để cảm nhận điều này, chúng ta cần nhớ lại, thị trường thế giới đã phản ứng như thế nào khi hồi đầu năm ngoái Việt Nam công bố tạm ngưng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực cho mình.

Cuộc khủng hoảng giá lương thực vừa qua có thể là một bài học cho chúng ta. Việt Nam cần tận dụng được lợi thế về mặt nông nghiệp của mình để khai thác một cách tối ưu các cơ hội đem lại từ các xu hướng đã nêu trong bài viết này. Đây là một vấn đề mà trong đó các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò quyết định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới