Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội khai thác du lịch tàu biển Việt Nam 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ hội khai thác du lịch tàu biển Việt Nam 

Ông Chui Mun Yew Daniel, Giám đốc điều hành V.Ships – Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG Online) – Vào tháng 2-2008, Công ty V.Ships (Asia Pacific) Pte Ltd, nhà điều hành tàu du lịch Jupiter sẽ đưa tàu này đến TPHCM nhằm khai thác tuyến du lịch đường biển đầu tiên từ phía nam Việt Nam đến các nước lân cận.

Các tuyến du lịch này không chỉ phục vụ khách quốc tế mà còn phục vụ khách Việt Nam. TBKTSG Online đã trò chuyện với giám đốc điều hành của V.Ships, ông Chui Mun Yew Daniel về kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam – vốn được xem có tiềm năng phát triển du lịch đường biển với bờ biển dài hơn 3.260km.

TBKTSG Online: Ông từng nói rằng đã có 15 năm kinh nghiệm về du lịch tàu biển tại châu Á nhưng lại thiếu thông tin về thị trường tàu biển Việt Nam. Vậy tại sao ông vẫn quyết định đưa tàu vào khai thác thị trường này?

Ông Chui Mun Yew Daniel: Bởi vì tôi không thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh lớn ở đây. Việt Nam nằm ở một vị trí chiến lược giữa Nam và Bắc khu vực châu Á, gần hai trung tâm du lịch tàu biển lớn của khu vực là Singapore và Hongkong. Theo đánh giá của tôi, sắp tới ngành này sẽ phát triển mạnh ở các nước như Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ.

Tôi đã từng thiếu thông tin về ngành dịch vụ này tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau 6 tháng ở tại Việt Nam để nghiên cứu về thị trường nhằm phát triển dự án tôi đã có khá nhiều thông tin. Chúng tôi cũng đã thực hiện khảo sát về chi tiêu của khách hàng trước khi quyết định đem tàu Jupiter đến. Khảo sát đã chỉ ra rằng, khách Việt Nam có thể chi tiền cho loại hình du lịch này.

Việt Nam cũng có những tài nguyên tuyệt vời cho ngành du lịch biển. Đó là những giá trị về văn hóa, lịch sử cho khách tham quan, là trên 3.000km bờ biển tạo nên một tiềm năng lớn về hàng hải, tài nguyên du lịch…

Việt Nam có dân số lớn. Đây cũng là điểm mạnh vì để bất cứ ngành du lịch tàu biển nào phát triển bền vững thì những nhà khai thác không thể không để ý đến tiềm năng thị trường nội địa.

Tàu Jupiter dài 175m, rộng 23m có thể chở 800 hành khách trên 400 cabin. Thủy thủ đoàn trên tàu vào khoảng 350 người. Tàu có nhiều dịch vụ cho khách du lịch như ba nhà hàng, câu lạc bộ sức khỏe, khu giải trí, vũ trường, khu vực miễn thuế và cả casino.

Công ty V.Ships (Asia Pacific) Pte Ltd, là một công ty quản lý tàu hiện đang quản lý 900 tàu thương mại, khoảng 100 tàu du lịch, phà và thuyền buồm trên thế giới.

Một số chuyên gia cho rằng, du lịch tàu biển đang tăng trưởng mạnh ở châu Á có thể là do khách quá quen thuộc với những điểm đến ở Nam Caribbean hay Nam Mỹ, trong khi đó dịch vụ này ở châu Âu lại khá đắt đỏ. Có thể khách sẽ đến Việt Nam là một lựa chọn kế tiếp. Ông có nghĩ rằng công ty ông đang bước vào một cuộc đua mạo hiểm để khai thác thị trường này?

Nếu nhiều du khách đang xem du lịch đến Việt Nam là sự lựa chọn kế tiếp thì đây là cơ hội lớn cho ngành du lịch để quảng bá, mời khách đến. Sau đó chúng tôi sẽ làm mới lại hình ảnh, dịch vụ để mời khách quay trở lại nhằm khám phá những cái mới. Điều này tốt cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

15 năm trước, Singapore hay Hongkong cũng bắt đầu ngành du lịch tàu biển với con số không. Tuy nhiên, khi một đơn vị quyết tâm đưa tàu vào, họ khởi đầu bằng một tàu, một năm sau họ đã có hai tàu, sau hai năm có bốn tàu… Đến nay, họ đã trở thành những trung tâm du lịch tàu biển của khu vực. Star Cruises, hãng tàu hàng đầu của châu Á cũng khởi đầu tương tự.

Chúng tôi là hãng tàu quốc tế đầu tiên khai thác tuyến du lịch này tại Việt Nam. Chúng tôi khởi đầu bằng một tàu nhưng kỳ vọng sẽ tăng lên hai hoặc ba tàu trong vòng ba năm tới. Việt Nam chỉ mới bắt đầu cho ngành du lịch tàu biển cho nên chúng tôi có cơ hội tốt để kinh doanh tại đây.

Ông đã kỳ vọng khách Việt Nam sẽ chiếm khoảng 40% trong thời gian đầu, kế đó sẽ tăng lên 50%. Tuy nhiên, nhiều người Việt chưa quen và còn xem du lịch tàu biển là loại hình dành cho người nhiều tiền và lớn tuổi. Ông sẽ làm gì để khách Việt Nam quen với kiểu du lịch này?

Chúng tôi định sẽ chi khá nhiều tiền cho việc quảng bá dịch vụ, giúp khách Việt Nam làm quen với phong cách du lịch tàu biển. Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều chương trình quảng bá với những cách thức khác nhau chẳng hạn như tài trợ cho phim ảnh, thực hiện các hoạt động cộng đồng nhằm giới thiệu hình ảnh đến công chúng…

Vào giữa tháng tới, khi tàu Jupiter cập cảng Sài Gòn, tàu sẽ ở đây trong khoảng ba đến năm ngày cho các du khách, doanh nghiệp lữ hành… dùng thử dịch vụ trên tàu.

V.Ships và một đối tác trong nưóc đã thành lập công ty mới gọi là Vina Travel để phát triển dịch vụ này. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với các công lữ hành trong nước để phát triển hệ thống đại lý bán vé.

Thị trường nội địa rất quan trọng với chúng tôi. Trong sáu tháng đầu, lượng khách chính sẽ đến từ Singapore, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc nhưng sau đó lượng khách Việt Nam sẽ ngang ngửa với khách quốc tế. Với khảo sát về thị trường, chúng tôi cũng đã biết những điều khách Việt Nam thích và không thích để phục vụ họ một cách tốt nhất.

Ông đã có lịch trình và giá vé cụ thể cho tàu Jupiter?

Tàu sẽ đi từ TPHCM, đến Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc, Campuchia, Thái Lan và Singapore. Jupiter sẽ rời bến lúc 8 giờ tối tại mỗi điểm đến và cũng sẽ neo đậu khoảng tám giờ tại mỗi điểm đến cho khách tham quan. Thời gian neo đậu có thể thay đổi tùy thuộc vào yêu cầu của khách. Đến cuối tháng này thì tôi mới có thể đưa ra lịch trình chi tiết vì đang chờ các cơ quan quản lý thông qua lịch trình này. 

Tàu sẽ có nhiều chương trình cho khách như chương trình hai ngày, ba ngày, năm ngày hoặc dài hơn. Giá vé thấp nhất sẽ là 100 đô la Mỹ/khách/đêm, bao gồm cả ăn uống… Trong sáu tháng đầu, trẻ em dưới 12 tuổi sẽ được giảm 50%.

Tôi được biết vào năm ngoái, khi đang thực hiện thủ tục để đưa tàu vào Việt Nam thì ông không biết đến kế hoạch tương tự của Vinashin, một tập đoàn trong nước cũng đang chuẩn bị đưa tàu Hoa Sen vào khai thác. Nếu biết kế hoạch này, ông có thay đổi kế hoạch kinh doanh?

Không. Tàu của chúng tôi, Jupiter không cạnh tranh với tàu Hoa Sen vì đây là hai loại hình khác nhau. Hoa Sen là kiểu vừa là phà chuyên chở vừa có dịch vụ du lịch còn Jupiter là tàu du lịch thuần túy.

Mặt khác, tàu Hoa Sen là tàu nội địa, chỉ chạy từ Bắc đến Nam rồi quay về, trong khi đó Jupiter là tàu quốc tế, đưa khách đi từ phía Nam của Việt Nam đến các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, ông cũng đã lên kế hoạch đưa tàu đến phía Bắc sau khi tuyến này chạy ổn định. Khi đó, ông sẽ cạnh tranh như thế nào?

Chúng tôi sẽ chạy tuyến phía Bắc trong thời gian sớm nhất có thể. Khi đó, chúng tôi sẽ đưa thêm tàu vào. Ngoài ra, cũng đến lúc đó, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm để khai thác thị trường Việt Nam và một hệ thống đại lý vé rộng khắp.

Vào tháng trước, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã kêu gọi các hãng tàu xây dựng cảng du lịch tàu biển tại Việt Nam. Ông có ý định tham gia không?

Có, chúng tôi cũng đang suy tính về khả năng này. Chúng tôi muốn phát triển ngành công nghiệp du lịch tàu biển lâu dài tại đây và cũng biết Việt Nam đang thiếu cảng du lịch cho các tàu lớn để phát triển ngành này. Chúng tôi đang nghĩ đến việc đầu tư theo kiểu BOT khi xây dựng các cảng du lịch.

ĐÀO LOAN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới