Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội nào từ việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ hội nào từ việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá?

Phạm Quang Diệu

(TBKTSG) – Báo chí nước ngoài mới đây dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) từ tháng 6-2010. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh tỷ giá sẽ theo lộ trình chứ không đột ngột hay như mong muốn của Mỹ là trong khoảng 25-40%.

Trong quá khứ, từ tháng 7-2005 đến 7-2008, Trung Quốc cũng đã để tỷ giá NDT tăng 21%. Như vậy, quá trình điều chỉnh tỷ giá sắp tới có thể kéo dài trong 1-2 năm với mức tương đương như thời kỳ trước.

Việc Trung Quốc tăng giá đồng NDT sẽ có lợi cho Việt Nam trong việc cạnh tranh và cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để nắm bắt cơ hội này?

Nông sản Việt Nam sẽ hưởng lợi!

Trong những năm qua, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng trưởng khá mạnh. Nếu như năm 2006, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ mới đạt trên 10,4 tỉ đô la Mỹ thì năm 2009 đã lên đến hơn 21,3 tỉ đô la (chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam). Cùng với sự gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc cũng ngày càng tăng.

Theo số liệu thống kê, nhập siêu từ Trung Quốc năm 2007 là trên 9,1 tỉ đô la Mỹ, năm 2008 lên đến 12,6 tỉ đô la, năm 2009 nhập siêu từ Trung Quốc đạt 11,5 tỉ đô la. Việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá có thể tạo ra nhiều cơ hội mới cho việc tăng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cũng như cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hiện Trung Quốc là đối tác rất quan trọng về thương mại nông sản của Việt Nam. Năm 2009, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam trên 2 tỉ đô la hàng nông sản, chỉ đứng sau Mỹ, và là quốc gia duy nhất tăng nhập khẩu nông sản của Việt Nam (tăng 10,1%, khoảng 187,9 triệu đô la so với năm 2008).

Như vậy, việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp cho hàng hóa Việt Nam dễ thâm nhập hơn vào thị trường quan trọng này, đặc biệt với các ngành hàng mà Việt Nam có truyền thống xuất khẩu sang Trung Quốc như cao su, hạt điều, gỗ, hoặc các ngành hàng tiềm năng như sắn, cà phê, thủy sản.

Tuy nhiên, cần lưu ý là nhu cầu tiêu thụ nông sản của Trung Quốc đang chuyển mạnh sang các mặt hàng chế biến có thương hiệu thông qua các kênh phân phối hiện đại. Xu hướng này cũng hàm ý cho một chiến lược xuất khẩu dài hạn đối với Việt Nam: chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu nhắm vào các phân khúc thị trường có giá trị cao và thâm nhập kênh phân phối hiệu quả.

Ở góc độ khác, việc điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ làm cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. Giá cả một số mặt hàng ở thị trường nội địa của Việt Nam và nhập khẩu từ Trung Quốc có mối tương quan khá chặt chẽ như trường hợp của phân bón hay thức ăn chăn nuôi. Hiện nay kim ngạch nhập khẩu vật tư, nguyên liệu của Việt Nam rất lớn và phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như thức ăn chăn nuôi (khoảng 10% tổng nhập khẩu mặt hàng này), phân bón (chiếm trên 43%), thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ (chiếm trên 47%).

Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?

Việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ cấu thương mại, và trong một chừng mực nào đó có thể ảnh hưởng đa chiều đến ngành nông nghiệp Việt Nam ở cả đầu ra lẫn đầu vào. Đồng NDT tăng giá sẽ tạo ra những lợi thế nhất định để nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc với giá rẻ hơn cũng như cạnh tranh với hàng Trung Quốc tốt hơn trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, xu hướng này lại gây ra áp lực tăng chi phí đối với các loại vật tư, nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc. Điều này phần nào sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam, bao gồm cả các ngành hàng chiến lược như lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản.

Đồng NDT tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp xuất nhập khẩu mà cả các chủ thể khác trong chuỗi giá trị, những người cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu hoặc tiêu thụ sản phẩm từ doanh nghiệp nhập khẩu. Để nắm bắt được các cơ hội kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần phải theo sát tình hình, có những dự báo và điều chỉnh kịp thời chiến lược kinh doanh về thị trường, thời điểm mua bán, tạm trữ hàng hóa cũng như nắm giữ ngoại tệ.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đây sẽ là cơ hội để tăng doanh thu từ thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường đang cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ là nhất thời, nên cần nhất là phải chuyển đổi sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tạo dựng thương hiệu, thâm nhập vào kênh phân phối hiện đại ở đô thị để đáp ứng cho tầng lớp thị dân của Trung Quốc vốn có mức tiêu thụ đang tăng mạnh.

Cần lưu ý, thay đổi tỷ giá đồng NDT không đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc suy giảm do khả năng tự điều chỉnh của các doanh nghiệp Trung Quốc rất lớn. Điều này đã từng diễn ra khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đối với các nhà nhập khẩu, giá cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên sẽ làm cho doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh với các nguồn hàng từ các thị trường khác. Vì thế, cần có kế hoạch tìm kiếm các nguồn hàng và đối tác thương mại mới, đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá cũng có thể tạo ra cơ hội kinh doanh cho hoạt động đầu tư chế biến ở Việt Nam đối với những ngành hàng mà lâu nay ta phụ thuộc vào Trung Quốc như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi… Triển vọng này là khá rõ ràng khi các ngành vật tư đầu vào sẽ hỗ trợ các ngành hàng nông sản của Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế và giúp cho Việt Nam tránh bị phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới