Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19, TPHCM tăng thêm 1.500 giường điều trị

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19, TPHCM tăng thêm 1.500 giường điều trị

Minh Duy

(KTSG Online) – Số bệnh nhân mắc Covid-19 tại TPHCM đã vượt 2.000 người, Sở Y tế TPHCM đã quyết định tăng thêm 1.500 giường điều trị bằng việc tạm chuyển đổi công năng của Bệnh viện huyện Bình Chánh và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức thành bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.

Thành phố cũng huy động hệ thống cấp cứu của ngành y tế tham gia chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Có hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19, TPHCM tăng thêm 1.500 giường điều trị
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại TPHCM. Ảnh: Đào Loan

Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, tính đến ngày 23-6, số bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố đã hơn 2.000, dịch vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngành y tế chủ động tăng số giường điều trị dành cho bệnh nhân Covid-19 từ 3.500 giường lên 5.000 giường theo kế hoạch.

Ngoài 9 bệnh viện, với 3.500 giường đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 hiện nay, thành phố tiếp tục tạm chuyển đổi công năng của Bệnh viện huyện Bình Chánh và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.

Cụ thể, Bệnh viện huyện Bình Chánh sẽ tạm ngừng hoạt động khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ bệnh viện trở thành “Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh”.

Dự kiến, bệnh viện với chức năng mới sẽ đi vào hoạt động từ ngày mai (25-6), với 500 giường, gồm giường điều trị cho trẻ em cùng 20 giường hồi sức.

Sở Y tế phân công Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới hỗ trợ nhân lực chuyên khoa Nhiễm và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ nhân lực chuyên khoa Hồi sức cấp cứu cho bệnh viện này.

Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh ngoại trú nhưng tạm ngừng toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh nội trú để chuyển đổi công năng của toàn bộ khu vực điều trị nội trú của bệnh viện để trở thành “Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức” theo mô hình “tách đôi bệnh viện”.

Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức có 1.000 giường, gồm giường cho trẻ em cùng 25 giường hồi sức. Dự kiến, bệnh viện theo mô hình sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 28-6 tới.

Sở Y tế phân công Bệnh viện Lê Văn Việt tạm thời tiếp nhận bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tiếp nhận bệnh nhân đang điều trị tại khoa Hồi sức của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức.

Thêm vào đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới hỗ trợ nhân lực chuyên khoa Nhiễm và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố hỗ trợ nhân lực chuyên khoa để can thiệp điều trị tại chỗ trong trường hợp cần thiết.

Cùng với 2 bệnh viện trên, TPHCM có 11 bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 tại TPHCM, bao gồm Bệnh viện Dã chiến Củ Chi 300 giường, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi 500 giường, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ 600 giường, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Bình Chánh 500 giường.

Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức 1.000 giường, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Phạm Ngọc Thạch 500 giường,  Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương 1.000 giường, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố 100 giường, Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 60 giường, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới 400 giường và Bệnh viện Chợ Rẫy có 40 giường hồi sức.

Liên quan đến chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, Sở Y tế TPHCM cũng quyết định huy động hệ thống cấp cứu của thành phố tham gia nhằm đảm bảo an toàn trong xử trí các tình huống cấp cứu do các phản ứng sau tiêm.

Theo đó, Trung tâm cấp cứu 115 cùng toàn bộ các bệnh viện trên địa bàn thành phố tổ chức các kíp cấp cứu cùng phương tiện, xe cứu thương phụ trách tất cả các điểm tiêm chủng tại cộng đồng.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ triển khai 22 kíp cấp cứu, mỗi kíp gồm 1 bác sĩ, 1 đến 2 điều dưỡng và 1 tài xế cùng xe cứu thương thường trực tại điểm tiêm để phối hợp với bác sĩ tổ tiêm chủng phụ trách theo dõi phản ứng sau tiêm sau khi xử trí tại chỗ, nếu cần hỗ trợ chuyển viện an toàn.

Sở Y tế yêu cầu triển khai 21 tổ chuyên gia thường trực tại điểm tiêm để chỉ huy chuyên môn cấp cứu tại chỗ, hỗ trợ xử trí cấp cứu nâng cao và chuyển viện.

Ở các điểm tiêm chủng quận huyện, sở đã bố trí lực lượng tại 96 điểm tiêm chủng cộng đồng để đảm bảo có lực lượng tại chỗ xử trí ban đầu khi có sự cố.

Thêm vào đó, quy trình báo động đỏ của các bệnh viện luôn sẵn sàng khi nhận được tín hiệu. Sở Y tế giao Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm điều phối toàn bộ hoạt động cấp cứu cho chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Theo Bộ Y tế, sáng nay (24-6), TPHCM vẫn là nơi có nhiều ca nhiễm Covid-19. Trong tổng số 37 ca ghi nhận trong nước, có đến 26 ca tại thành phố. Số còn lại là ở Thái Bình 3 ca , Bắc Giang 3, Tây Ninh 2, Long An 2 và Khánh Hòa có 1 ca.

Mời đọc thêm:

Yêu cầu TPHCM và 9 tỉnh thành đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19

500.000 liều vaccine Covid-19 của Trung Quốc về tới Việt Nam

TPHCM khởi động chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới