Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có khả năng lại chạy đua lãi suất  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có khả năng lại chạy đua lãi suất  

Các ngân hàng có khả năng sẽ lại chạy đua lãi suất. Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Quy định về lãi suất trần có nhiều khả năng sẽ bị hủy bỏ sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước không duy trì quy định lãi suất trần.  

Trước đó, ngày 7-4-2008, Văn phòng chính phủ đã có văn bản số 91/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong buổi họp nghe báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp kềm chế lạm phát ngày 4-4-2008. Văn bản ghi Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước “trước mắt, không duy trì việc quy định lãi suất huy động trần; từng bước hướng tới thực hiện chính sách lãi suất thực dương theo cơ chế thị trường”.  

Như vậy, nếu căn cứ theo chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản nói trên, quy định về trần lãi suất huy động 12% áp dụng cho các ngân hàng thương mại được nêu trong công điện 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hồi cuối tháng 2 sắp tới sẽ phải bị hủy bỏ. 

Tuy nhiên, cho đến trưa ngày 15-4, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào từ phía NHNN về việc hủy bỏ quy định trần lãi suất 12% đối với các ngân hàng thương mại. Mặc dù vậy, trao đổi với báo chí, ông Hạnh cũng nói thêm là có khả năng sẽ bỏ quy định về trần lãi suất.

Trong khi đó, với việc bỏ quy định trần lãi suất, có khả năng các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục nâng lãi suất huy động lên, và cuộc chạy đua tăng lãi suất có thể sẽ lại xảy ra như hồi tháng 2. Thực tế, một số ngân hàng đang có những động thái tăng lãi suất, đặc biệt là những ngân hàng gặp vấn đề về thanh khoản.

Gây chú ý trong thời gian gần đây là việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo sẽ phát hành kỳ phiếu để huy động 3.000 tỉ đồng với lãi suất 1%/tháng và những người tham gia sẽ được tham gia quay số dự thưởng. Cộng cả lãi suất và khuyến mãi thì lãi suất mà một người tham gia mua kỳ phiếu có thể được hưởng lên đến 13%, phá bỏ quy định lãi suất trần 12% của NHNN.  

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết thanh tra NHNN đã xuống lập biên bản trường hợp này và đã báo cáo sự việc lên NHNN chờ xử lý. 

Thế nhưng, ông Phạm Anh Dũng, Tổng giám đốc SCB, cho biết ngân hàng không hề vi phạm quy định nào của Nhà nước vì trước khi đưa ra chương trình phát hành kỳ phiếu có khuyến mãi này, SCB đã thông báo trước với Vụ chính sách tiền tệ NHNN và Bộ Công Thương. “SCB đã thông báo với NHNN từ ngày 5-3 và đến ngày 7-4 mới chính thức thực hiện chương trình. Tại sao NHNN không phản ứng trước đó để rồi lại cho rằng SCB vi phạm luật sau khi ngân hàng thực hiện chương trình”, ông Dũng nói.  

Trả lời vì sao SCB lại huy động vốn với mức lãi suất cao như vậy, ông Dũng nói lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng là 16%, đồng vốn không sử dụng gì phải trả lãi 16%, trong khi ngân hàng huy động vốn kỳ hạn 9-12 tháng với lãi suất 13% qua việc phát hành kỳ phiếu. “Vậy lãi suất nào là cao, là tốt cho ngân hàng khi ngân hàng cũng là một doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận?”, ông Dũng đặt câu hỏi ngược lại.  

Theo báo cáo nhanh của NHNN chi nhánh Hà Nội và TPHCM, ngày 10-4-2008, lãi suất qua đêm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dao động từ 10%-14%/năm; 1 tuần từ 14 – 15%/năm, 1 tháng từ 15 – 16%/năm.

Một số ngân hàng hiện cũng đang gặp khó khăn trong sau khi hạ lãi suất huy động xuống hồi đầu tháng này. Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết chỉ một tuần sau khi hạ lãi suất xuống 11% theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, khoảng 600 tỉ đồng đã bị rút khỏi ngân hàng để chuyển đến gửi tại các ngân hàng quốc doanh hoặc mua vàng.

Vị giám đốc này cũng cho biết mặc dù lãi suất huy động vàng của ngân hàng mình chỉ khoảng 3-4%, rất thấp so với lãi suất huy động tiền gửi bằng đồng Việt Nam, nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, huy động vàng tại ngân hàng vượt xa so với tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Ông nói thêm, các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đang trong tình trạng tương tự.  

Ông cũng cho biết các ngân hàng vẫn chưa thể hạ lãi suất cho vay nhiều khi mà lãi suất huy động trần là 12%. “Nếu ngân hàng huy động cao, cho vay cao để lọc ra những dự án có tiềm năng thu hồi nợ cũng như hạn chế những khách hàng có nguy cơ không trả nợ cao thì vẫn sẽ tốt và phù hợp với cơ chế thị trường”, ông nói.

Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết Sacombank không hề muốn tăng lãi suất huy động, tuy nhiên nếu các ngân hàng khác đồng loạt tăng lãi suất khiến gây ra sự dịch chuyển vốn từ Sacombank thì Sacombank buộc phải tăng lãi suất theo. Trong tình huống như vậy, lãi suất cho vay đương nhiên cũng sẽ tăng.     

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới