Thứ Sáu, 11/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Có khả năng sẽ có cả triệu người thất nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có khả năng sẽ có cả triệu người thất nghiệp

(TBKTSG) - Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, danh sách các doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngưng sản xuất trong năm 2008 gồm 31 doanh nghiệp. Trong số đó, hai ngành dệt may và da giày chiếm tỷ lệ 87% mà nhiều nhất là may mặc, chiếm 65%.

Trước mắt là chia sẻ khó khăn

Theo ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, phần lớn trong số doanh nghiệp này có từ 200-400 công nhân, một số có quy mô 500-600, và chỉ có một doanh nghiệp có trên 1.000 lao động.

Ông Cận cho biết trong tổng số hơn 8.300 lao động ở TPHCM bị mất việc từ 31 doanh nghiệp này có 65% hiện đã tìm được việc làm ở những doanh nghiệp khác cùng ngành đang thiếu lao động, 17% về quê làm ăn, trong đó có một số làm việc cho các cơ sở chi nhánh của công ty họ tại tỉnh nhà, 4% còn lại thuộc các trường hợp ốm đau, thai sản và chưa có việc.

Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp này phải đóng cửa là do tình hình đơn hàng bị cắt giảm, đặc biệt từ những thị trường lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu. Tuy chưa có số liệu thống kê chính xác cho toàn ngành dệt may nhưng nhiều doanh nghiệp trong tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết lượng đơn hàng xuất khẩu đã giảm 15-20% trong những tháng cuối năm 2008, trong khi doanh số xuất khẩu thường chiếm đến hai phần ba tổng doanh số của các doanh nghiệp này.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho biết sản xuất sụt giảm nghiêm trọng ở hai khu vực doanh nghiệp: (1) doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm sản xuất hàng cho công ty mẹ và xuất khẩu 100%, (2) các doanh nghiệp nhỏ chưa xác lập được mối quan hệ trực tiếp với những khách hàng lớn ở nước ngoài, chỉ chuyên gia công lại các đơn hàng xuất khẩu và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn đặt hàng này.

“Nếu chiếu theo tình hình sụt giảm hàng xuất khẩu như hiện nay, lẽ ra con số lao động nghỉ việc riêng trong ngành may mặc của cả nước ít nhất cũng phải trên 100.000 người. Nhưng trong thực tế, số lao động mất việc trong năm 2008 được ước tính chỉ vào khoảng 10.000 người”.

Theo ông Ân, tình hình hiện nay chưa đến mức nghiêm trọng vì vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động cần tuyển dụng thêm. Nhờ vậy, số lao động dôi dư do sản xuất bị co hẹp đã nhanh chóng được các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận, nhất là đối với lao động lành nghề.

Số tiếp tục bị thất nghiệp hầu hết thuộc vào loại tay nghề kém. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp tuy đã giảm sản lượng nhưng chưa sa thải lao động còn vì cái nghĩa cái tình. Bằng nhiều cách thức, họ đang cùng nhau chia sẻ khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện giãn ca - giảm thu nhập, giảm từ ba ca xuống còn hai ca một ngày, ít hơn thì giảm khoảng 10-25% giờ làm việc.

Hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp chấp nhận tung hết quỹ tài chính dự phòng để cầm cự thêm một thời gian nữa trước khi quyết định sa thải công nhân.

Nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng!

Các đơn hàng xuất khẩu đã và đang giảm thêm khiến các doanh nghiệp, dù đã có uy tín và thị trường ổn định lâu năm, cũng phải lo lắng cho năm 2009.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết mặc dù một số khách hàng của công ty vẫn hứa hẹn những đơn hàng trong quí 1 nhưng bên cạnh đó cũng đã có một số khách hàng thông báo nhiều khả năng sẽ giảm 20-30% số lượng hàng đặt.

Theo ông Nguyễn Đức Hoan, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, tỷ lệ này ở nhiều doanh nghiệp lên đến 50%! Ông Hoan cho biết vào giờ này những năm trước, các doanh nghiệp đã có thể yên tâm với những đơn hàng cho quí 1, thậm chí đến cả quí 3. Còn hiện nay, chưa ai dám xác nhận sẽ có đủ hàng làm trong quí 1.

Trả lời TBKTSG về việc doanh nghiệp tính toán thế nào cho năm tới, chủ tịch một công ty may tên tuổi ở TPHCM đã nói: “Chỉ còn biết đi chùa cầu khẩn!”.

Tại cuộc họp của Hội Dệt may Thêu đan TPHCM hồi tuần trước, nhiều doanh nghiệp đã thống nhất phương án tiếp tục thu hẹp sản xuất, cần thiết thì cắt giảm lao động từ từ để giữ doanh nghiệp tồn tại và hầu hết đều không đặt chỉ tiêu về lợi nhuận!

Ông Hoan nói rằng, nếu sức cầu trên thế giới tiếp tục suy giảm, thì tình hình sẽ rất xấu vào quí 2-2009 khi mà doanh nghiệp không còn cầm cự nổi, phải cắt giảm hàng loạt lao động. “Lợi nhuận ngành may chỉ có thể giữ khối lượng lớn công nhân tính trên đơn vị ngày, chứ không phải tháng. Và khi quỹ dự phòng đã hết, chỉ cần số lượng đơn hàng giảm 20% thôi, ngành may cả nước sẽ lập tức có khoảng 400.000 lao động thất nghiệp”, ông Hoan tính toán.

Và không chỉ riêng với ngành may, tình hình khó khăn đang diễn ra tương tự ở ngành da giày và chế biến gỗ. Thiết nghĩ rất cần phải lường trước khả năng số lao động thất nghiệp có thể lên đến cả triệu người trong năm tới!

Cần những giải pháp linh hoạt

Nhiều nhà doanh nghiệp cho rằng có một số cách có thể làm giãn lộ trình cắt giảm lao động nếu như doanh nghiệp được chia sẻ những gánh nặng về trách nhiệm đối với người lao động.

Giám đốc một công ty may nói: “Trong lúc này, Nhà nước có thể linh hoạt thay đổi một số quy định cũ, chẳng hạn như giảm lệ phí công đoàn, hỗ trợ doanh nghiệp một phần trách nhiệm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, miễn giảm thuế gia công lại đối với các doanh nghiệp gia công lại...”.

Một ví dụ khác được ông nêu ra như để nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế. Ông cho biết tình hình tài chính khó khăn khiến hầu hết khách hàng đều thanh toán chậm, do vậy, khối lượng hàng chậm xuất của doanh nghiệp gần đây thường chiếm tỷ lệ khá cao, 40-50%. “Thiết nghĩ Nhà nước có thể tạm nâng thời hạn chịu thuế hải quan về tạm nhập - tái xuất nguyên vật liệu lên 365 ngày (chẳng hạn) thay vì 275 ngày (theo quy định)”, ông nói.

Trong khi đó, cả ông Hoan và ông Hồng đều cho rằng lẽ ra, Chính phủ nên giãn lộ trình tăng lương cơ bản cũng như thời điểm áp dụng luật thuế thu nhập cá nhân mới. Theo các ông, những việc như tăng cường thu thuế và tăng bảo hiểm xã hội trên lương cơ bản trong lúc này có vẻ như không hợp với tình hình thực tế “dầu sôi lửa bỏng”, cũng không đồng bộ với gói kích cầu 6 tỉ đô la Mỹ mà mọi người đang bàn luận là nên giải ngân vào đâu. Có vẻ như cả nền kinh tế đang nhìn vào gói kích cầu này và những doanh nghiệp sản xuất, gia công cũng không ngoại lệ.

Cả Ban thường vụ Hội Dệt may Thêu đan TPHCM lẫn lãnh đạo Vinatex đều cho rằng những doanh nghiệp ngành may mặc đông lao động, đang có đơn hàng sản xuất là đối tượng xứng đáng được “dòm ngó” đến, và một phần của gói kích cầu này nên hướng thẳng đến những người lao động thu nhập thấp hoặc bị mất việc đang không có tiền chi tiêu trong mùa Tết Kỷ Sửu này.

Theo ông Lê Quốc Ân, việc trợ cấp thất nghiệp hay tặng tiền trực tiếp cho người lao động là việc làm thiết thực trong lúc này, vừa ổn định dân sinh, vừa kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp cho biết họ cũng cần được hỗ trợ gián tiếp dưới các hình thức như giảm thuế, hỗ trợ lãi vay ngân hàng... giúp họ tồn tại, duy trì sản xuất và giữ lại công nhân.

Lấy kinh nghiệm của năm 2008, ông Nguyễn Huy Cận cho rằng việc dự báo trước khả năng đóng cửa của doanh nghiệp và số lao động dôi dư từ đó là hết sức cần thiết để có kế hoạch điều chuyển lao động. Theo ông Cận, càng chủ động chuẩn bị thì tính ổn định xã hội sẽ càng cao một khi nạn thất nghiệp diễn ra.

Hiện tại, theo ông Lê Quốc Ân, các doanh nghiệp trong tập đoàn Dệt may đang chia sẻ việc làm với nhau bằng cách thực hiện những chuỗi liên kết sản xuất và điều chuyển lực lượng nhân công đáp ứng cho nhu cầu này. Chuỗi liên kết được hình thành giữa các doanh nghiệp lớn có nhiều đơn hàng với doanh nghiệp nhỏ và vừa có ít hoặc không có đơn hàng; giữa các doanh nghiệp có những dịch vụ bổ trợ cho nhau.

Ông Ân cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nhỏ nếu muốn tồn tại phải tích cực tìm kiếm và chủ động gia nhập vào một chuỗi liên kết.Đứng ở góc độ của các cấp quản lý nhà nước, có ý kiến cho rằng giải pháp ngắn hạn có thể là việc khôi phục và phát triển lại các làng nghề truyền thống ở các địa phương nhằm thu hút ngược lại số lao động di dân lên thành thị quay về sống và làm việc tại quê nhà. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngắn hạn cho xuất khẩu lao động và khuyến khích xuất khẩu lao động giản đơn.

THANH PHƯƠNG

Công nhân KCX-KCN tiếp tục mất việc

Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (Hepza) vừa cho biết hơn một tháng qua, có khoảng 20 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố đã cho 2.420 công nhân nghỉ việc.

Bà Đoàn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý lao động của Hepza, cho biết các doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc rơi vào các ngành sản xuất thiết bị điện từ, chế biến gỗ, dệt may...

Theo Hepza, hiện có khoảng 940 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố, thu hút khoảng 245.000 công nhân, trong đó 70% công nhân đến từ các địa phương khác.

Trong ảnh: anh Trần Bảo Trực, công nhân Công ty CXTech, doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng xe hơi tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM, đang sắp xếp hành lý để quay về Đồng Nai. Anh Trực cho biết đã làm việc tại công ty này gần một năm, do thu hẹp sản xuất nên công ty đã cho hơn 100 công nhân nghỉ việc vào sáng 29-12, trong đó có anh.

Văn Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới