Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có khủng hoảng lương thực hay không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có khủng hoảng lương thực hay không?

Thái Bình

(TBKTSG) – Hàng loạt thảm họa thiên nhiên mà nhiều người cho là liên quan tới sự biến đổi khí hậu đang đẩy giá lương thực lên cao, dẫn tới nỗi lo sợ rằng cuộc khủng hoảng lương thực gây bất ổn xã hội hai năm về trước sắp tái diễn. Tuy nhiên các chuyên gia nông nghiệp quốc tế khẳng định rằng nỗi lo ấy không có cơ sở.

Hai năm trước, giá gạo đã tăng vọt từ mức 300 đô la Mỹ/tấn lên 1.100 đô la Mỹ/tấn trong một thời gian ngắn, nhiều chính phủ từ Việt Nam đến Ai Cập hạn chế xuất khẩu gạo, gạo trở nên khan hiếm, bạo loạn do thiếu đói bùng lên ở nhiều nước và khiến chính quyền Haiti sụp đổ. Năm nay, hạn hán và cháy rừng ở Nga, lũ lụt ở Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc, cùng với thiên tai ở nhiều nơi khác không chỉ làm mùa màng thất bát mà còn khiến các chính phủ lo ngại tái diễn vụ khủng hoảng lương thực 2007-2008 và vội vã ban bố những biện pháp hạn chế xuất khẩu, đẩy giá lương thực lên cao khỏi tầm tay của người nghèo.

Mùa màng thất bát, giá tăng cao

Thời tiết khô hạn và nạn cháy rừng tràn lan có thể “thiêu trụi” một phần ba sản lượng nông nghiệp của Nga trong năm nay. Khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin quyết định ngừng xuất khẩu lúa mì Nga từ ngày 15-8 đến hết năm 2010, giá lúa mì trên thị trường quốc tế lập tức tăng mạnh. Trên thị trường nông sản quốc tế Chicago (CBT), giá lúa mì giao tháng 9 đã tăng từ mức 4,8 đô la Mỹ/bushel hồi đầu tháng 7 lên mức 8,4 đô la Mỹ/bushel đầu tháng 8 (1 bushel tương đương khoảng 36 lít). Giá lúa mì tăng đồng thời kéo giá các loại nông sản khác như bắp, đậu nành tăng theo.

Kết quả là các nước thường xuyên nhập khẩu lúa mì Nga như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Azerbaijan… đang lúng túng tìm nguồn hàng thay thế, nhưng không hề dễ dàng.

Theo số liệu của Hội đồng Ngũ cốc quốc tế, năm ngoái Nga là nước xuất khẩu nhiều lúa mì thứ ba thế giới, với khối lượng 18,3 triệu tấn; tiếp theo là Ukraine xếp thứ năm với lượng xuất khẩu 12,9 triệu tấn, Kazakhstan cũng xuất khẩu được 5,8 triệu tấn lúa mì – ba nước này hợp thành vựa lúa mì biển Đen nổi tiếng thế giới. Tuần trước Chính phủ Ukraine đã bắt đầu áp dụng hạn ngạch xuất khẩu lúa mì còn Kazakhstan – nước có liên minh hải quan với Nga – được biết cũng sẽ có biện pháp hạn chế xuất khẩu và chuyển loại lúa mì chất lượng cao sang thị trường Nga.

Không chỉ sản lượng lúa mì vùng biển Đen bị suy giảm. Theo báo New York Times, năm nay Canada dự báo do thời tiết khắc nghiệt sản lượng lúa mì của nước này bị giảm 20%; còn tại Úc, dịch châu chấu cũng có khả năng gây tác hại lớn cho vụ lúa mì. Thêm vào đó, lũ lụt tại Pakistan và Ấn Độ, hạn hán rồi lũ lụt ở miền Tây Nam Trung Quốc càng khiến cho nỗi lo thiếu lương thực thêm trầm trọng.

Ngay sau khi Nga công bố lệnh ngừng xuất khẩu lúa mì, một nhà phân tích thị trường thuộc Ngân hàng HSBC đã phát ra cảnh báo rằng biện pháp đó có thể kích hoạt cuộc leo thang giá cả và hàng loạt chính sách hạn chế thương mại như đã từng xảy ra hai năm trước.

Tăng giá chỉ là tạm thời?

Các chuyên gia nông nghiệp quốc tế thì không bi quan đến như vậy. Mặc dù thừa nhận có sự gia tăng đột biến giá lúa mì và bắp, và áp lực tăng giá lên mặt hàng gạo, các chuyên gia của Liên hiệp quốc đưa ra các dữ liệu cho thấy lượng lương thực dự trữ trên toàn cầu vẫn còn rất lớn, có khả năng bù đắp khoản thiếu hụt tại các vùng bị thiên tai. “Chúng ta không nên lo sợ, và chúng ta không nên nghĩ rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng lương thực nữa”, ông Manuel Hernandez, chuyên gia Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), cho biết. Theo ông này, năm nay nông dân Mỹ sẽ có một vụ mùa bội thu kỷ lục, và sản lượng của Mỹ – nước sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới – cộng với hơn 36 triệu tấn lúa mì tồn trữ trong kho, sẽ đủ bù đắp cho sự sút giảm của Nga, Canada và cả Úc nữa. Nhìn chung toàn cầu, theo phân tích của tập đoàn F.O Litch ở Đức, thời tiết khắc nghiệt chỉ khiến tổng sản lượng lúa mì năm 2010-2011 giảm khoảng 3%, vẫn còn 656 triệu tấn và không có khả năng gây xáo trộn lớn về giá cả.

Đối với mặt hàng gạo, khả năng thiếu hụt cũng không lớn. Theo dự tính của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), trong trận lũ lụt lịch sử hiện nay, có khoảng 1,8 triệu héc ta đất canh tác của Pakistan bị chìm dưới nước, nhiều kho chứa gạo tư nhân cũng bị ngập trong nước cho nên Pakistan sẽ gặp khó khăn về lương thực. Năm ngoái nước này xuất khẩu 4 triệu tấn lương thực song năm nay chắc sẽ phải nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ông Samarendu Mohanty, nhà kinh tế cao cấp của IRRI tại Philippines, khó khăn của Pakistan sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường gạo thế giới. Ông Mohanty cho biết, sau vụ khủng hoảng năm 2007-2008, nhiều nước đã gia tăng tích trữ lúa gạo và hiện nay thế giới đang tạm trữ khoảng 90 triệu tấn gạo, trong đó Trung Quốc có 40 triệu tấn, Ấn Độ có 20 triệu tấn và số còn lại rải rác ở nhiều nước khác, đủ để bù đắp cho mọi sự thiếu hụt về gạo từ nay đến vụ mùa năm sau. Ngay cả Philippines là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới, hiện cũng đã tạm trữ được 2,5 triệu tấn gạo, theo ông Mohanty.

Các chuyên gia của FAO cũng cho rằng, biên độ giá lương thực hiện nay chỉ là tạm thời và sẽ giảm xuống trong vài tuần lễ tới khi người ta lưu ý tới các số liệu lạc quan hơn về sản lượng và tồn trữ. Sau khi tăng đột ngột lên 8,4 đô la Mỹ, giá lúa mì giao tháng 9 đã giảm trở lại mức 7 đô la Mỹ/bushel hôm thứ Tư vừa qua và giới phân tích dự báo mức giá này sẽ còn giảm nữa.

Cảnh giác với đầu cơ tài chính

Có một tác động tiềm ẩn đối với giá lương thực nhưng ít được nói tới là hoạt động đầu cơ. Trong thực tế, có lương thực dự trữ trong kho là một chuyện, lương thực có ra được thị trường hay không, có bị nâng giá hay không là chuyện khác. Từ cuộc khủng hoảng lương thực hai năm trước, người ta phát hiện ra rằng các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc định giá lương thực. Trên thị trường tài chính, các hợp đồng mua bán ngũ cốc giao sau (futures) được “chứng khoán hóa”, trở thành một sản phẩm phái sinh (derivaties) có cái tên hoa mỹ là “nghĩa vụ hàng hóa được thế chấp” (collateralized commodities obligations – CCO) và được mua bán như loại chứng khoán thế chấp bằng bất động sản từng gây sụp đổ thị trường tài chính Mỹ trước đây.

Là chứng khoán, CCO không phải là hàng hóa thật, không liên can gì tới hạt lúa, bao cà phê… nhưng biến động theo biến động giá nông sản trên thị trường, giá nông sản càng cao, người sở hữu CCO càng có lợi. Trong một báo cáo công bố tháng 6 vừa qua, FAO cho biết, có tới 98% lượng nông sản thể hiện trong các hợp đồng giao sau là “hàng ảo”, được mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư tài chính không quan tâm tới hàng hóa mà chỉ cần lợi nhuận. Những nhà đầu tư này thường phân tích các sự cố trong sản xuất nông nghiệp thế giới, các chính sách lương thực, yếu tố địa chính trị, rồi đưa ra quyết định mua hay bán CCO, từ đó tác động tới giá cả hàng nông sản biểu hiện trong các hợp đồng giao sau. Theo báo Spiegel của Đức, năm ngoái, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã kiếm lợi khoảng 5 tỉ đô la Mỹ từ việc mua bán CCO, các tổ chức tài chính lớn khác như Bank of America, Citigroup, Deutsche Bank, Morgan Stanley và JP Morgan cũng không kém. Báo này cho rằng, khi cuộc khủng hoảng tài chính đã lùi vào quá khứ, hoạt động đầu cơ nông sản lại bùng phát mạnh mẽ và điều đó có nguy cơ đẩy giá lương thực lên một kỷ lục mới.

Ông Marcus Prior, phát ngôn viên của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) khu vực châu Á, nói rằng WFP luôn quan tâm tới việc giá tăng cũng như mọi biến động về nông sản vì chúng dẫn tới hoạt động đầu cơ tích trữ, song không cho biết WFP sẽ làm thế nào để ngăn chặn xu hướng đầu cơ cổ phiếu nông sản của các tổ chức tài chính hoặc ít ra là bảo đảm giá lương thực được duy trì ở mức mà người nghèo có thể mua được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới