Có nên giãn IPO?
![]() |
Đợt IPO của Vietcombank vào cuối năm ngoái thu hút rất đông nhà đầu tư tham gia – Ảnh: LÊ TOÀN |
(TBKTSG) – Tiến độ chậm trễ của chương trình sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước cùng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán đã làm cho việc cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) gặp trở ngại.
Thị trường tài chính Việt Nam đang băn khoăn với câu hỏi liệu có nên giãn IPO?
Có thể nói, từ đầu năm 2006 cho đến nay, tốc độ sắp xếp và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang chậm lại do nhiều nguyên nhân, từ việc chờ cơ chế chính sách đồng bộ cho đến việc giải quyết nợ đọng, giải quyết chế độ đối với người lao động, các thủ tục hành chính phức tạp và những vướng mắc phát sinh khi thực hiện (như định giá doanh nghiệp, chọn tư vấn, cổ đông chiến lược…). Diễn biến trên thị trường chứng khoán dường như cũng không thuận lợi cho việc cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) như năm ngoái.
Tháng 6-2007, Nghị định 109 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thay thế cho nghị định cũ, hướng tới sự đồng bộ với Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Chứng khoán 2006 đã đem lại những chuyển biến rõ rệt hơn để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao trong thời gian chậm nhất là bốn năm kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực (1-7-2006), tức là đến năm 2009, việc chuyển đổi các công ty nhà nước giữ 100% vốn điều lệ sang hình thức công ty TNHH và cổ phần đạt được hiệu quả như mong muốn. Thực chất, đây là việc chuyển đổi hình thức quản trị, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, có khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài những khó khăn nêu ở đầu bài, tốc độ cổ phần hóa chậm lại cũng có phần do những lo ngại về lạm phát và những diễn biến của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua, ví dụ như lo ngại về cung vượt cầu, về sự thất thu thặng dư vốn qua đấu giá… Phải chăng quá trình cổ phần hóa cần chờ đến khi thị trường chứng khoán sôi động trở lại?
Trong khi đó, Việt Nam đã có những cam kết trong nhiều lĩnh vực cụ thể và ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, phần lớn các cam kết đã, đang và sẽ được thực thi chậm nhất trong vòng năm năm kể từ khi gia nhập. Vậy mà trong các ngành tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng cao, thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài hay tại các doanh nghiệp có quy mô lớn… tốc độ cổ phần hóa lại rất chậm. Liệu sau gần bốn năm nữa, khi thị trường chứng khoán thực sự mở cửa thì quy mô của thị trường, chất lượng của hàng hóa có xứng tầm với kỳ vọng phát triển và với sự hội nhập sâu rộng, toàn diện.
Hiện nay, với hơn 280 công ty niêm yết và chứng chỉ quỹ ở cả hai sàn giao dịch chính thức Hà Nội và TPHCM, có thể nói quy mô của thị trường còn rất khiêm tốn, so với số lượng công ty cổ phần hiện hữu ở nước ta mới chiếm khoảng 2%. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường đạt khoảng 500.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 32 tỉ đô la, quy mô tương đối thấp so với thị trường của các nước trong khu vực và ở châu Á.
Như vậy, dù đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hẳn đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư quốc tế, do quy mô thị trường nhỏ, số lượng hàng hóa còn ít, lượng cổ phiếu chưa đủ lớn, và tính thanh khoản của các cổ phiếu chưa cao.
Vậy những quan điểm về giãn tiến độ IPO để cứu thị trường có thực sự là biện pháp tốt khi mà các thành viên WTO luôn quan tâm sát sao đến tiến trình cổ phần hóa, khi nhiều tổ chức và nhà đầu tư đang trông chờ việc IPO các doanh nghiệp lớn, và thị trường chứng khoán cần một quy mô lớn hơn để đủ hấp dẫn các nhà đầu tư? Giãn tiến độ IPO sẽ làm chậm tiến trình cổ phần hóa mà đây lại là thời cơ để cho các doanh nghiệp trong nước tận dụng được các lợi thế về kinh nghiệm và nguồn vốn để mở rộng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Như vậy, việc giãn tiến độ IPO sẽ không có lợi trong tầm nhìn dài hạn…
Hiện nay, những mục tiêu như kiềm chế lạm phát hay khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào tiến trình cải cách DNNN… quả thật có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Giải quyết được những khó khăn này, thị trường sẽ trở nên lành mạnh hơn, không phải chỉ đối với các mục tiêu phát triển kinh tế mà còn cho chính sự tăng trưởng của các doanh nghiệp.
Do đó, điều quan trọng là quyết tâm thực hiện lộ trình cổ phần hóa đã đặt ra. Việc IPO các doanh nghiệp lớn bước đầu có thể chỉ đụng đến một phần nhỏ số vốn của Nhà nước, ví dụ như khoảng 10%, số còn lại sẽ tiếp tục và được kiên quyết thực hiện theo các lộ trình cụ thể. Vấn đề đặt ra là kiên quyết không trì hoãn thêm nữa trong việc thực hiện. Có như vậy, mới đáp ứng được các yêu cầu đã đề ra, tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp và phục vụ tốt cho mục tiêu phát triển.
ĐẶNG HÀ