Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có nên hạn chế cho vay và huy động vàng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có nên hạn chế cho vay và huy động vàng?

Thanh Thương – Thủy Triều

Nên hay không nên cấm huy động và cho vay vàng. Ảnh: TT.

(TBKTSG Online) – Xung quanh thông tin tuần này Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư hạn chế huy động, cho vay vàng và quy định ngân hàng thương mại không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành tiền đồng để cho vay, nhiều chuyên gia đã nhận định đa chiều về thông tư này.

Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã có đề cập đến vấn đề nói trên với hiệp hội và dự định sẽ ban hành trong tuần này.

Ông Bảng cho rằng đây là một chủ trương đúng nhằm gián tiếp giảm dự trữ vàng trong dân vì người dân sẽ không thể gửi vàng nếu ngân hàng thương mại hạn chế huy động. Thay vào đó, việc gửi vàng được xem như một dịch vụ có tính phí, nếu nhà đầu tư muốn ngân hàng giữ vàng thì phải trả phí.

Ngoài ra, việc hạn chế cho vay vàng trong thông tư có quy định rõ là hạn chế đối với cá nhân hoặc tổ chức vay vàng để đầu tư, đầu cơ mà chỉ cho vay đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vàng để sản xuất, chế tác. Việc này sẽ giảm được hoạt động vay vàng của ngân hàng để bán ra, và đến khi giá lên thì lại phải mua vàng ngoài thị trường để tất toán, gây áp lực cho thị trường vàng khi nguồn cầu tăng đột biến.

Theo ý kiến của một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước, một trong những mục đích của Ngân hàng nhà nước khi đưa ra thông tư này, đó là nhằm tránh rủi ro cho thị trường vàng và việc tác động lên tỷ giá như trong thời gian vừa qua do hoạt động mua vàng cắt lỗ của nhà đầu tư trong khi người dân rất ít giao dịch.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A thì Việt Nam phải tách bạch rõ, xem vàng là hàng hóa, là công cụ tích trữ chứ không phải là một công cụ thanh toán. Vì hiện tại các ngân hàng vẫn xem vàng như một loại tiền tệ, như các ngoại tệ khác nên dùng vàng để buôn bán, để huy động và cho vay mà không quản lý rủi ro.

Quy định của Ngân hàng Nhà nước theo ông A là đúng đắn, tuy vậy ông cũng cho rằng nên dùng các biện pháp khác để quản lý hơn là cấm, ví dụ như đánh thuế cao cho các khoản gửi, vay đối với cả ngân hàng và người dân có nhu cầu để người dân thay đổi thói quen giữ vàng và chuyển sang giữ tiền đồng.

“Hoặc trong hoạt động mua bán nhà thì nhà nước cũng nên quy định thanh toán qua ngân hàng, và thanh toán bằng tiền mặt khi muốn làm “sổ đỏ” thì quy giá trị nhà ra tiền đồng; như vậy người dân sẽ quen với việc dùng tiền đồng hơn là vàng”, ông A nói thêm.

Còn về việc chuyển vàng huy động được thành tiền đồng cho vay thì ông A cho rằng điều này rất rủi ro cho hệ thống ngân hàng vì có nhiều thời điểm dù lãi suất huy động vàng chỉ 3%/năm trong khi lãi suất cho vay lên đến 12% thì khoảng chênh lệch vẫn không bằng với mức tăng giá của vàng.

Nói chung phần lớn các ý kiến đều ủng hộ quan điểm hạn chế huy động và cho vay vàng. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến khác đề nghị xem xét thêm những khía cạnh khác của quyết định này để có cái nhìn toàn cục.

Thạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng Ngân hàng Á Châu (ACB), phân tích nếu Ngân hàng Nhà nước không cho phép các ngân hàng huy động và cho vay vàng thì một khối lượng vàng khoảng 115 tấn, tương đương 95.000 tỉ đồng theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, đang nằm trong các ngân hàng sẽ đ ra khỏi hệ thống này. Số vàng này sẽ đi đâu, được sử dụng vào mục đích gì khi người dân không còn gửi tiết kiệm nữa. “Nhưng trước mắt việc một số lượng vốn lớn đi ra khỏi hệ thống ngân hàng sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước không có thông tin về nguồn vốn này trong dân”, ông Khanh nói.

Về quan điểm Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo quy định trên nhằm hạn chế việc các ngân hàng chuyển vốn vàng thành tiền đồng để cho vay và có thể chịu rủi ro khi giá vàng tăng mạnh như thời gian gần đây, ông Khanh cũng như nhiều ngân hàng có ý kiến cho rằng việc quản trị rủi ro các ngân hàng buộc phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Ngân hàng Nhà nước có thể cung cấp đủ công cụ để các ngân hàng tự bảo hiểm rủi ro cho mình cũng như đưa ra những quy định về quản trị rủi ro buộc các ngân hàng tuân theo.

Việc hạn chế ngân hàng cho vay vàng theo những nhà làm chính sách là nhằm tránh rủi ro người dân đầu cơ vàng thông qua công cụ tài chính do ngân hàng cung cấp, nhưng theo các ngân hàng, nếu ngân hàng không cung cấp công cụ này thì sẽ có những tổ chức bên ngoài đứng ra đáp ứng nhu cầu mà các cơ quan nhà nước khó lòng kiểm soát được. Điều này cũng giống việc cấm người dân mua bán, thanh toán bằng các loại ngoại tệ, nhưng sự thực là thị trường ngoại tệ tự do vẫn tồn tại.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước TPHCM, tính đến cuối tháng 9, tổng huy động vàng của các ngân hàng trên địa bàn đạt hơn 70 ngàn tỉ đồng, dư nợ cho vay vàng là hơn 40.500 tỉ đồng. Số vốn huy động bằng vàng chuyển đổi thành tiền chiếm 10,85% tổng huy động vàng của các ngân hàng trên địa bàn, trong đó huy động lẫn cho vay vàng của Ngân hàng Á Châu (ACB) chiếm tỷ trọng cao nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới