Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có nên miễn thuế giá trị gia tăng lúc này?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có nên miễn thuế giá trị gia tăng lúc này?

Trần Nguyễn Phước Thông (*)

(TBKTSG Online) – Hiện tại nhu cầu tiêu dùng, tích trữ hàng hóa thiết yếu đang tăng cao, kéo theo đó là tình trạng khó khăn về tài chính của người dân. Nếu thuế giá trị gia tăng (VAT) được miễn sẽ là sự hỗ trợ đắc lực từ Chính phủ trong công cuộc chống đại dịch Covid-19.

 

Có nên miễn thuế giá trị gia tăng lúc này?
Để giúp người dân đang gặp khó khăn, bên cạnh hỗ trợ bằng nhu yếu phẩm, Chính phủ có thể cân nhắc biện pháp miễn thuế VAT. Ảnh minh họa: Thành Hoa

Theo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 Chính phủ vừa ban hành thì hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31-12-2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 và được chi trả 1 lần.

Đồng thời, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Có nên hỗ trợ tầng lớp trung lưu?

Tuy nhiên, sự hỗ trợ này chỉ ở một mức độ nhất định vì Chính phủ dự kiến dành khoảng 62.000 tỉ đồng (cả nguồn trực tiếp và gián tiếp) để hỗ trợ khoảng 20 triệu đối tượng trong khi dân số Việt Nam là hơn 90 triệu người. Trong khi những người nghèo nhất và những người dân lao động thất nghiệp được hỗ trợ thì những người không quá nghèo và những cá nhân thuộc tầng lớp trung lưu thường phải tự lo cho chính mình trong thời điểm khủng hoảng này. Lẽ nào những đối tượng này lại không xứng đáng được hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này.

Theo Điều 1 Quyết định 59/2015/QĐ-TTg thì chuẩn nghèo và chuẩn cận nghèo sẽ dựa theo hai tiêu chí chính là thu nhập và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Các tiêu chí về thu nhập: Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị; Chuẩn cận nghèo: 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản:

Các dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ): y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số):

Tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Nếu chỉ tính riêng tiêu chí về thu nhập thì người nào có mức thu nhập chênh lệch một chút, ví dụ như 1.400.000 đồng, thì đã không còn thuộc chuẩn cận nghèo ở thành thị nữa. Dẫu cho có được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng theo cơ chế hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương của Nghị quyết cũng không thể đủ mức thu nhập để trang trải cuộc sống.

Một điều đáng lưu ý là tiêu chí chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo này đã được áp dụng trước khi xảy ra đại dịch toàn cầu Covid-19 – thời điểm mà nền kinh tế và mức giá các loại hàng hóa đang ở mức ổn định. Còn ở giai đoạn hiện nay, hàng ngàn nhân viên/công nhân bị giảm thu nhập, bị dập tắt hầu hết các cơ hội để kiếm thu nhập bổ sung từ việc làm bán thời gian (part-time) hay những công việc phi chính thức khác.

Ngoài ra, mọi người cũng đang chi tiêu tiền nhiều hơn cho các loại thực phẩm vì ở nhà thường mang lại cảm giác buồn chán và tâm lý thèm ăn thường xuyên hơn vì theo các chuyên gia tâm lý thì việc thèm ăn liên quan đến nhu cầu cảm xúc; đồng thời, tâm lý sợ sệt và tích trữ hàng hóa cũng khiến cho chi phí về nhu yếu phẩm tăng cao.

Thêm một yếu tố đáng quan tâm khác trong việc chi tiêu của người dân chính là quy định về việc mang khẩu trang khi ra đường và nhu cầu mua viên uống hỗ trợ bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch. Chi phí để mua các loại hàng hóa này cũng không phải là một con số nhỏ.

Do đó, tại thời điểm này, một số gia đình không đủ điều kiện nhận được hỗ trợ của Chính phủ vì không thuộc chuẩn nghèo hoặc chuẩn cận nghèo thì chắc chắn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo một số khảo sát thì một số hộ gia đình đang dùng đến các khoản vay với lãi suất cao hoặc dùng đến các khoản tiết kiệm nhỏ. Tuy nhiên, không phải hộ gia đình trung lưu nào cũng có tiền tiết kiệm để sử dụng trong giai đoạn này.

Miễn thuế VAT

Thuế VAT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế VAT điều tiết gián tiếp thông qua giá cả của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Hiểu một cách cụ thể hơn thì thuế VAT do người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT nộp cho Nhà nước. Nhưng người chịu thuế là người tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cuối cùng.

Theo Khoản 8 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% cho thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế. Ngoài ra, thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Như đã đề cập ở trên, nhu cầu về thực phẩm, thuốc và các mặt hàng cơ bản khác của người dân đã tăng cao trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh. Các sản phẩm như đồ hộp, mì ăn liền, nước đóng chai, bánh mì, sữa và những thứ tương tự luôn là những mặt hàng được nhiều người tích trữ trong giai đoạn khó khăn này.

Do đó, Chính phủ cần miễn thuế VAT cho những hàng hóa thiết yếu trong ít nhất sáu tháng để giúp đỡ người dân. Việc miễn giảm này chắc chắn sẽ là sự hỗ trợ ngắn hạn có hiệu quả ngay lập tức và giảm bớt sự căng thẳng về tài chính cho mọi người. Điều này sẽ có lợi cho cả các hộ nghèo, thu nhập thấp và thu nhập trung bình vì phần lớn các hộ gia đình này đều chi tiêu cho các loại hàng hóa đó.

Nhìn ra thế giới, gần đây, Phillipines là một ví dụ điển hình. Nước này đang có xu hướng ban hành một đạo luật sửa đổi nhanh chóng để miễn thuế VAT đối với thực phẩm, thuốc và các mặt hàng cơ bản khác. Thậm chí là để mở rộng các hàng hóa được miễn giảm thuế VAT, Phillipines đang bắt đầu “tích hợp” và chọn lọc các quy định từ các văn bản luật khác nhau như “Republic Act No. 9994”, “The Expanded Senior Citizens Act of 2010” và “The Bureau of Internal Revenue’s (BIR) Revenue Regulations (RR) No. 9-2019” để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nước họ trong việc mua sắm nhu yếu phẩm.

(*) Học viện Tư pháp (TPHCM)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới