Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có nên tạm trữ cà phê?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có nên tạm trữ cà phê?

Ngọc Hùng thực hiện

Có nên tạm trữ cà phê?
Bà Nguyễn Hoàng Mỹ Phương.

(TBKTSG Online) – Hiện Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng cần thực hiện chương trình tạm trữ cà phê để giá không tiếp tục đi xuống, qua đó hỗ trợ người trồng cà phê. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, việc tạm trữ này nếu không có một chiến lược tốt kèm theo sẽ là con dao hai lưỡi.

>>> Giá cà phê rớt… chưa có điểm dừng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mỹ Phương, người có những nghiên cứu sâu về những chính sách tạm trữ, kinh doanh cà phê của Việt Nam và thế giới trong thời gian qua.

TBKTSG Online: Vicofa cho rằng, lúc này cần phải tạm trữ cà phê để giúp người trồng cà phê không bán với giá thấp hơn giá thành, tức là tạm trữ để hỗ trợ nông dân. Là người có những nghiên cứu sâu về thị trường kinh doanh cà phê Việt Nam và thế giới, bà có nhận xét gì?

– Bà Nguyễn Hoàng Mỹ Phương: Đối với vấn đề tạm trữ cà phê, Việt Nam mới bắt đầu từ năm 2001 nhưng thế giới đã có hơn 100 năm nay. Theo tôi biết, Brazil, quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới đã thực hiện lần đầu vào năm 1906, tức là đã có từ 107 năm trước rồi.

Lúc Brazil cho tạm trữ cà phê thì giá cà phê trên thị trường tăng lên và đó là yếu tố khuyến khích các nước có điều kiện khí hậu thích hợp mở rộng diện tích trồng cà phê vì giá cà phê được đảm bảo ở mức có lãi cho người trồng cà phê. Sau đó, chính phủ Brazil nhận ra rằng, việc tạm trữ cà phê ngoài việc đứng ra nhận lấy phần thiệt cho nông dân trồng cà phê trong nước còn vô tình hỗ trợ cho nông dân trồng cà phê ở nước khác. Vì thế, sau một thời gian họ đã bỏ luôn chính sách tạm trữ cà phê.

Tuy nhiên, Việt Nam muốn có chương trình tạm trữ cà phê. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ phải bỏ ra một số tiền nhất định để hỗ trợ nông dân trồng cà phê trong nước thì cũng gián tiếp hỗ trợ nông dân nước khác vì giúp họ bán được cà phê trong khoảng trống thị trường mà Việt Nam vắng mặt.

Hiện có một số ý kiến cho rằng, ngoài việc hỗ trợ người trồng cà phê, chương trình tạm trữ cũng là một cách giúp Việt Nam có thể điều tiết giá cà phê trên thị trường thế giới. Thực tế có đúng như vậy không, thưa bà?

– Về lý thuyết, mua tạm trữ cà phê là một cách Chính phủ đứng ra nhận lấy thua lỗ cho người dân trồng cà phê. Tuy nhiên, số lượng cà phê nếu được cho tạm trữ mà Vicofa đang hướng tới chỉ chiếm khoảng gần 20% sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ này, tính ra đây là một con số không quá lớn để kỳ vọng giá cá phê trên thị trường không tiếp tục giảm thêm.

Hiện gần 98% hợp đồng giao dịch cà phê là hợp đồng bằng hàng ảo, chỉ 2% là giao dịch mua bán bằng hàng thật. Do đó, Việt Nam có giữ một lượng cà phê (hàng thật) sẽ không ảnh hưởng gì đến giao dịch cà phê tại các sàn giao dịch hàng hóa, nơi mà cả giới kinh doanh cà phê trên thế giới đều nhất trí xem đó là giá chuẩn cho giao dịch cà phê. Nghĩa là không có gì đảm bảo việc tạm trữ sẽ giúp giá cà phê sẽ tăng trở lại.

Sau khi bảo vệ luận văn thạc sĩ với đề tài Tín dụng và quản trị rủi ro giá cho ngành cà phê Việt Nam, bà Nguyễn Hoàng Mỹ Phương hiện đang giảng dạy tại Đại học Kỹ thuật TPHCM liên kết với Đại học Sunderland. Hiện bà Phương là tác giả cuốn sách Quản trị rủi ro giá nông sản- Nhìn từ thị trường cà phê Việt Nam. Cuốn sách cung cấp những vấn đề về kinh doanh mặt hàng cà phê trên sàn giao dịch hàng hóa, cách thức để quản trị rủi ro khi tham giao vào mặt hàng có lượng giao dịch chỉ xếp sau dầu mỏ hiện nay.

Nói thẳng ra, việc tạm trữ không giúp doanh nghiệp bán được cà phê với giá tốt cho các nhà nhập khẩu, tức là chẳng có gì đảm bảo doanh nghiệp không bị thua lỗ khi giao dịch trên thị trường.

Vậy có cách nào để giúp doanh nghiệp có thể giảm được mức thua lỗ thấp nhất có thể?

– Quay lại vấn đề của Brazil mà tôi đề cập ở trên, sau khi Chính phủ Brazil nhận thấy việc tạm trữ không mang lại những hiệu quả như mong đợi, họ đã chuyển sang một cách thức kinh doanh khác đó là tham gia vào thị trường phái sinh.

Thị trường phái sinh được hiểu là nơi mua bán các tài sản “phái sinh” (hay bắt nguồn) từ tài sản khác, ví dụ thay vì mua bán cà phê thực thì ở đây mua bán các “hợp đồng giấy” mà lợi nhuận của các “hợp đồng giấy” này dựa trên lợi nhuận của cà phê.

Trong trường hợp nếu Việt Nam ưu tiên mua tạm trữ để hỗ trợ nông dân thì các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ khi bán cà phê thông qua sàn giao dịch hoặc bán cho các hãng kinh doanh quốc tế, phải làm động tác bán “cà phê ảo” trên các sàn giao dịch hàng hóa hiện nay là London, New York. Có như vậy, mới giúp doanh nghiệp có thể giảm mức thua lỗ thấp nhất có thể có.

Xin cảm ơn bà!

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Vicofa cho biết, hiện giá cà phê tại Đắk Lắk ở mức 31.000 đồng/kg, thấp nhất trong 3 năm qua, và mức giá này đang ở ngưỡng dưới giá thành, và giá cà phê có thể sẽ còn tiếp tục đi xuống. Do đó, để giá cà phê không tiếp tục giảm, nông dân trồng cà phê không bán với giá thấp hơn giá thành vì ngay vào lúc này Việt Nam cần có một chương trình tạm trữ cà phê. Số lượng mua tạm trữ vào khoảng 300.000 tấn, tương đương 20% sản lượng cà phê của niên vụ 2013/2014.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới