Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân?

Nhà máy điện hạt nhân tại Tchernobyl sau vụ nổ năm 1986. (Ảnh tư liệu)

(TBKTSG) – Khi giá dầu mỏ tăng cao chót vót vào giữa năm ngoái, nhiều nước đã nghĩ tới điện hạt nhân như là lời giải cho bài toán năng lượng. Tuy vậy, điện hạt nhân không rẻ, lại tiềm ẩn nhiều tai họa; vì vậy có xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay không là vấn đề cần được thảo luận và cân nhắc.

Những tai nạn khủng khiếp

Một ngày cuối tháng 4-1986, lò số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl có công suất 6.000 Megawatt, nằm gần thành phố Pripyat, Ukraina bị một tai nạn khủng khiếp.

Tai nạn được xếp ở cấp 7, cấp thang cao nhất theo quy định của INES (International Nuclear Event Scale); sức nổ rất mạnh, phát tán phóng xạ ra nhiều vùng ở nước Nga, các nước Bắc Âu, sang tận miền nam nước Pháp. Liều phóng xạ quá lớn (đến gần 1.600 rems, trong khi liều bức xạ tối đa được chấp nhận cho người dân thường phải ít hơn 50 rems) nên 49.000 dân thành phố Pripyat và 135.000 người trong phạm vi 30 ki lô mét chung quanh nhà máy phải di tản lập tức.

Nguyên nhân chính gây ra tai nạn này là do thiết kế thiếu bảo đảm và lỗi của công nhân vận hành. Sau đó khoảng gần 5.000 tấn cát, đất sét, chì… được máy bay trực thăng đổ xuống để làm giảm chất phóng xạ, rồi người ta dùng thép và bê tông để che lấp nhà máy. Kinh phí ban đầu cho việc cứu chữa này là hơn 550 triệu đô la Mỹ. Nhưng công trình này tiếp tục bị rạn nứt. Người ta dự kiến sẽ làm công trình thứ hai, tốn kém hơn nhiều.

Lúc đầu, vì sợ dân chúng hoang mang và thế giới trách móc nên số chính xác thiệt hại về con người không được công bố. Nhưng đến nay đã có vài ngàn trẻ em bị mổ tuyến giáp trạng, mắc bệnh bạch huyết, ung thư và dị tật bẩm sinh; hậu quả tàn khốc của tai nạn Nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl sau gần 20 năm vẫn âm thầm tiếp diễn.

Một tài liệu được công bố gần dây của tổ chức Greenpeace cho biết, trong số 600.000 người lính đến Tchernobyl để quét dọn, làm sạch chất phóng xạ, rất nhiều người đã bị chết, con số chính xác không được công bố rõ ràng.

Tại Mỹ, tháng 3-1979 một sự cố lớn cũng đã xảy ra ở lò Three Mile Island cách không xa thành phố Harrisburg, bang Pennsylvania. Tim lò nhà máy điện hạt nhân (công suất 900 megawatt) bị thiệt hại, nhiệt độ tăng vọt lên hơn 1.800 độ C, làm phát tán phóng xạ. Nguyên nhân chính của tai nạn này là do lỗi của công nhân vận hành, không thực hiện đúng các quy cách hướng dẫn.

Một khảo cứu mới nhất của Viện Môi trường thành phố München, CHLB Đức, cho biết tại khu vực chung quanh các nhà máy điện hạt nhân còn hoạt động tại tiểu bang Bayern, người ta thống kê được nhiều trẻ em mắc bệnh ung thư hơn ở các vùng không có nhà máy điện hạt nhân. Số trẻ em sinh ra và lớn lên chung quanh ba nhà máy điện hạt nhân Grundremmingen, Isar và Grafenheinfeld (ba trong số mười chín nhà máy điện hạt nhân tại Đức còn được phép hoạt động cho đến hết năm 2020) bị mắc bệnh ung thư nhiều hơn 30% so với mức bình thường.

Cơ quan Liên bang Bảo vệ Phòng chống Nhiễm Phóng xạ của CHLB Đức nhận định nguyên nhân gây bệnh ung thư là do các trẻ em này bị nhiễm phóng xạ từ lúc sinh ra, đã sống và lớn lên ở gần các nhà máy điện hạt nhân.

Có nên xây nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam?

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của VN sẽ được xây dựng tại Ninh Phước – Bình Thuận. (chấm màu vàng). Ảnh: VTC.vn.

Báo chí trong nước dẫn lời tuyên bố của lãnh đạo Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta, nếu không có gì trở ngại, sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2017-2018. Nhà máy sẽ có 2 hoặc 3 lò với công suất của mỗi lò là 600 megawatt. Tổng kinh phí dự trù là từ 1,8-2 tỉ đô la Mỹ.

Nhưng theo đánh giá của chuyên gia trong ngành, với giá hiện tại ở châu Âu, kinh phí sẽ lên quá con số 3 tỉ đô la, vì lò công suất 600 megawatt tương đối nhỏ nên đơn giá đầu tư cho mỗi MW cao lên. Và với tình hình kinh tế thế giới hiện nay, chắc chắn con số này còn tăng vọt lên cao hơn nữa.

Về khía cạnh kinh tế, so với kinh phí đầu tư cho một nhà máy thủy điện như Sơn La (với công suất 2.400 MW, chi phí khoảng 2,5 tỉ đô la) thì giá thành một kWh điện của nhà máy điện hạt nhân này đã là không kinh tế! Ấy là chưa nói đến yếu tố tác hại đối với môi trường sinh sống của con người, lời giải cho bài toán xử lý chất thải; và nếu có biến cố, tai nạn xảy ra thì hậu quả không thể lường hết được!

Gần đây lại có hiện tượng động đất ở vùng Biển Đông và khu vực các tỉnh phía nam Việt Nam, với cường độ ghi nhận đến 5,5 – 6,0 độ Richter. Ai dám bảo đảm rằng tại khu vực Phú Yên, Ninh Thuận sau này sẽ hoàn toàn không có động đất?

Địa hình của đất nước ta nhiều núi cao và sông ngòi, thác ghềnh thì phát triển thủy điện là phương án tối ưu của chính sách năng lượng, ít nhất là cho vài thập niên tới.

Tại CHLB Đức, với sự đồng ý của hơn hai phần ba dân chúng, chính phủ đã quyết định đóng cửa các lò hạt nhân trước năm 2020 và bắt đầu từ ngày 1-7-2005 cấm gửi nhiên liệu, chất thải hạt nhân ra nước ngoài để xử lý. Một quốc gia với nền khoa học tiên tiến như Đức, tại sao chính quyền lại dám hy sinh cả một ngành công nghệ điện hạt nhân như vậy? Câu trả lời là: Chính phủ Đức đã làm cái việc thuận lòng dân, thỏa lòng người, đúng trào lưu tiến bộ của nhân loại  yêu thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ môi trường sống.

Điều quan trọng bên cạnh đó là chính quyền Đức đã chuẩn bị sẵn chương trình tài trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho giới kỹ nghệ và cả người dân tích cực khai thác nguồn năng lượng mới: năng lượng mặt trời  và năng lượng gió. Riêng về năng lượng gió, Đức đã đi đầu ở Âu châu, những năm qua cứ mỗi năm Đức lại tăng công suất năng lượng gió lên từ 6.000-8.000 megawatt. Lãnh đạo của tổ chức Greenpeace, ông Vande Putte, đã tự hào tuyên bố: “Chúng ta đã có một nền kỹ thuật trong lành để đi vào thế kỷ 21. Và chúng ta chẳng cần loại năng lượng hạt nhân nguy hiểm kia nữa”.

Ở nước ta cũng đã hình thành một vài dự án trong lĩnh vực này, Chính phủ cũng đã có kế hoạch xây dựng những Công viên Cánh Quạt Gió (Wind Park/Wind Farm). Nhà máy phong điện đầu tiên của Việt Nam có công suất 120 MW với 15 trụ cánh quạt gió loại 1,5 Megawatt ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đang đi vào giai đoạn hoàn tất.

Chỉ thuần về kinh tế, đã có những sự so sánh và khẳng định là giá thành của 1 kWh năng lượng của nhà máy điện hạt nhân đắt gấp đôi giá thành của năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than đá, gas… và đắt gần gấp ba  giá năng lượng từ những cánh quạt gió.

Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ của GS.TS. Nguyễn Khắc Nhẫn ở Viện Kinh tế, Chính sách Năng lượng Grenoble, Pháp – một chuyên gia đã từng có thời làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Pháp – trong bài nghiên cứu rất công phu với nhiều số liệu dẫn chứng rõ ràng “Tại sao Việt Nam nên thận trọng với điện hạt nhân”.  GS. Nhẫn đã nói lên suy nghĩ của rất nhiều người, trong đó có người viết bài này, “không có lý do gì cho phép chúng ta tặng món quà rác thải phóng xạ độc hại, nguy hiểm cho con cháu chúng ta và cho hàng chục thế hệ sau này”.

TS. KS. TRẦN VĂN BÌNH (CHLB Đức)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới