Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có nên xây thêm cảng biển ở Sóc Trăng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có nên xây thêm cảng biển ở Sóc Trăng?

Trung Chánh

Có nên xây thêm cảng biển ở Sóc Trăng?
Có nên xây dựng cảng biển ở Sóc Trăng? Trong ảnh là một tàu lớn vào sông Hậu. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tại một hội nghị hôm 22-8 đã đề xuất xây dựng một cảng lớn tại địa phương này nhằm giảm tải cho luồng Quan Chánh Bố. Nhưng liệu đây có phải là một đề xuất khả thi?

Trao đổi với TBKTSG Online về đề xuất nêu trên bên lề hội nghị chuyên đề “Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)" do Bộ GTVT phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hôm 22-8 tại Cần Thơ, ông Thể cho rằng luồng Quan Chánh Bố hiện nay đã vận hành thử, tàu lớn (10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn hạ tải) đã đi vào đoạn kênh này rồi “và cuối năm nay chúng ta chắc chắn sẽ thông luồng”, ông nói.

Theo ông Thể, khi luồng Quan Chánh Bố thông, tức tàu lớn sẽ vào được cảng Cái Cui (Cần Thơ) và hàng hóa có thể xuất trực tiếp ra một số nước có cự ly gần trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, theo ông, cảng Cái Cui chỉ giải quyết được giai đoạn đầu vì sắp tới công nghiệp phát triển, rồi các nhà máy nhiệt điện cũng phát triển nên nhu cầu đi vào/đi ra ĐBSCL sẽ tăng đột biến. “Do đó, chúng tôi có kiến nghị hình thành cảng lớn ở Sóc Trăng vì Sóc Trăng có lợi thế dọc Nam sông Hậu. Nếu làm được cảng này, các tỉnh phía Tây sông Hậu có thể sử dụng đường Nam sông Hậu để đưa hàng từ An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, thậm chí Cà Mau đi theo trục đường này về để xuất khẩu, sẽ giảm tải cho luồng Quan Chánh Bố, đáp ứng được yêu cầu phát triển của khu vực”, ông cho biết.

Ông Thể cho rằng qua tham khảo các nhà tư vấn, nếu làm cảng từ bờ ra phía biển 5 km, nơi có mực nước biển sâu 15 mét, và tàu 100.000 tấn có thể ra vào neo đậu, thì chi phí đầu tư chỉ cần 4.000 tỉ đồng. “Và nếu làm thêm cầu bên ngoài 2.000 tỉ đồng nữa là 6.000 tỉ đồng, thì tạo điều kiện hàng hóa nào cũng có thể xuất khẩu tốt, tàu lớn có thể vào được”, ông nói.

Nhưng câu hỏi đặt ra liệu đề xuất trên có phải là phương án mang tầm chiến lược cho cả vùng ĐBSCL hay chỉ vì xuất phát từ lợi ích của địa phương?

Trao đổi với TBKTSG Online về đề xuất trên, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, khẳng định: “Nói thẳng thắng một chút là không khả thi”.

Theo ông Dũng, câu chuyện cảng dưới Sóc Trăng không phải bây giờ, mà từ cả hơn chục năm trước khi bàn giải pháp kênh Quan Chánh Bố đã nói đến. “Vấn đề xây cảng như vậy, hàng hóa ở đâu? Chúng ta có bài học về sự cần thiết của sân bay Cần Thơ. Đúng là khi có sân bay, thì việc đi lại giữa nơi đây với Hà Nội nó rất có lợi ích, nhưng hiện nay nó hiệu quả chưa, rõ ràng là chưa. Dĩ nhiên, xây dựng sân bay lớn phải mất hàng chục năm mới có hiệu quả”, ông cho biết.

Vậy, với nguồn lực quốc gia có hạn như hiện nay, liệu có nên bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng xây cảng ở Sóc Trăng để cả chục, thậm chí 20 năm nữa mới có hiệu quả? Đó là chỉ mới tính đến việc xây một cái cảng, chỉ bỏ tiền vô thôi, rồi còn chuyện quản trị nó như thế nào, hàng hóa ở đâu, ông Dũng nói.

Người đứng đầu VCCI Cần Thơ cũng thông tin thêm rằng, dù có muốn hay không muốn, thì hàng hóa vẫn phải đi lên TPHCM, dù có cảng biển lớn ở ĐBSCL.

“Vậy nút thắt ở đây là cái gì?” ông Dũng đặt vấn đề và cho rằng cần phải có những nghiên cứu, những phản biện độc lập, xuất phát từ nhu cầu thật sự, từ phát hiện những điểm nghẽn để đề xuất, “chứ còn chúng ta tổ chức một cuộc họp đề nghe lãnh đạo các địa phương, thì địa phương nào cũng muốn có cảng cả”, ông Dũng nói.

Cảng cạn hoàn chỉnh, tại sao không?

Theo gợi ý của ông Dũng, xuất phát từ chỗ phát triển kinh tế của vùng và vấn đề đang gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay, thì nên đầu tư một cảng cạn với hệ thống logistics hoàn chỉnh cho vùng, hơn là cảng biển.

“Bao nhiêu năm nay chúng ta đổ dồn rất nhiều cho việc xây dựng cảng nước sâu, cảng biển, đã phát huy được gì? Vậy, nếu xây thêm một cảng ở Sóc Trăng hay ngoài Hòn Khoai (Cà Mau) nữa chẳng hạn vậy, thì sao?’ ông đặt vấn đề.

Theo ông Dũng, muốn phát triển cho vùng bắt buộc phải phát triển dịch vụ logistics để đảm nhận thực hiện việc thanh toán xuất/nhập khẩu. “Phải có khu vực logistics mới giúp cho vùng bắt đầu làm hàng xuất/nhập khẩu, như vậy, thanh toán mới tăng lên và công ty logistics hoạt động rộng hơn, tối ưu hóa cho các doanh nghiệp”, ông cho biết.

Đối với việc khai báo hải quan, “doanh nghiệp muốn khai báo hải quan, khai báo ở đâu?” ông Dũng đặt vấn đề và cho rắng nếu có 1-2 doanh nghiệp đóng hàng tại chỗ (ĐBSCL), đóng container, muốn niêm phong, thì mời hải quan, kiểm dịch…, đến, có thể bố trí được. “Nhưng, nếu hàng trăm, hàng ngàn công ty, thì hải quan người đâu mà đủ, kiểm dịch người đâu mà đủ. Như vậy, nếu công ty này phải chờ công ty kia, thì rất mất thời gian, trong khi đưa lên TPHCM thì đất đai ngày càng đắt đỏ, những cảng cạn cũng ngày càng chật chội. Thế thì, tại sao ở đây, vùng hàng hóa lớn, nhu cầu xây dựng sắp tới lớn, thì không làm cảng cạn ở đây, tập kết ở đây với bộ máy hải quan, kiểm dịch ở đây để làm khai báo sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian cho doanh nghiệp?” ông nói.

Theo ông Dũng, cảng cạn ở ĐBSCL sẽ đóng vai trò của một cái kho, vai trò của một nơi trung chuyển và cũng đóng luôn vai trò của một nơi khai báo hải quan.

Lý do phải đầu tư cảng cạn vì như đã nêu ở trên cảng biển ở ĐBSCL hoàn toàn không thể thay thế được cảng Cái Mép – Thị Vải, không thay thế được Tân Cảng Sài Gòn. “Những hải trình như vậy (hải trình của Cái Mép – Thị Vải và Tân Cảng Sài Gòn) đã định hình từ lâu rồi, tàu hàng trăm ngàn tấn đã đi đến nơi, cho nên, doanh nghiệp muốn tiết kiệm thời gian, thay vì người ta đến cảng ở đây (Sóc Trăng, Hòn Khoai), họ sẽ lên thẳng khu vực TPHCM sẽ tiết kiệm hơn”, ông cho biết.

Mời xem thêm:

– PTT Vương Đình Huệ: Đầu tư giao thông thủy ĐBSCL thiếu và yếu

– Cần hơn 125.000 tỉ đồng cho hạ tầng giao thông ĐBSCL

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới