Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có phân biệt đối xử trong việc trả lương?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có phân biệt đối xử trong việc trả lương?

(TBKTSG) – Theo quy định của Chính phủ thì lương tối thiểu của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động tại các quận thuộc thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, TPHCM cao hơn lương người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động tại các huyện của những thành phố trên và các tỉnh.

Tăng trưởng kinh tế trong những năm vừa qua đã kéo theo sự gia tăng bất bình đẳng giữa các vùng, miền. Sự gia tăng bất bình đẳng này, chủ yếu bởi sự gia tăng chênh lệch thu nhập giữa các vùng, và thậm chí là do sự đầu tư của Chính phủ vào nông thôn và thành thị chưa được cân đối.

Nhìn ở góc độ đầu tư công (các công trình y tế, giáo dục, giao thông, điện nước, vui chơi giải trí, truyền thông, phát thanh truyền hình…) thì mức độ đầu tư cho các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng biên giới, không bao giờ sánh được với mức độ đầu tư ở các thành phố lớn.

Hiện có khoảng 20% số xã ở khu vực miền núi thiếu đường nhựa, 20% thiếu đường liên huyện, 40% đường liên xã không thể sử dụng vào mùa mưa, kinh phí dành cho đầu tư vào giao thông nông thôn chỉ chiếm 5% trong tổng kinh phí đầu tư vào giao thông. Chỉ có khoảng 15% người dân nông thôn được hưởng nước sạch, trong đó chỉ có 10% người dân có nước máy trong khi trên 75% dân số sống ở vùng nông thôn.

Người lao động làm công hưởng lương tại các vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn hơn so với người lao động làm việc tại các thành phố lớn. Đặc biệt, con cháu người lao động ở các tỉnh xa đều phải về các thành phố lớn học đại học, bản thân họ muốn chữa trị các bệnh hiểm nghèo cũng phải đến các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TPHCM và phải trả viện phí như người ở thành phố dù họ sống ở những vùng có mức lương thấp.

Chính sự phân biệt đối xử trong trả lương, đã làm ảnh hưởng đến ý định về đầu tư làm ăn ở các vùng nông thôn của các nhà đầu tư. Bởi, nhiều lao động nông thôn đã chuyển về các thành phố có mức lương cao hơn, có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ công tốt hơn, có nhiều điều kiện cho con cháu họ học tập và sinh hoạt.

Người viết bài này chỉ mong muốn Nhà nước có chính sách lương như thế nào để thu hút được lao động nông thôn ở lại làm việc tại quê nhà để có thể thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, biến khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thành hiện thực.

NGUYỄN VĂN MỸ (Lâm Đồng)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới