Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phần hóa DNNN vẫn lúng túng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phần hóa DNNN vẫn lúng túng

Xi măng Phú Thọ là một trong những doanh nghiệp gặp khó trong đầu tư do những nguyên tắc trong quá trình cổ phần hóa – Ảnh: hanoimoi.com.vn

(TBKTSG Online) – Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhận định rằng do tình hình thị trường chứng khoán từ cuối năm 2007 đến nay suy giảm nên việc phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gặp khó khăn.

Tuy nhiên, tình hình thị trường chứng khoán mới chỉ là một vướng mắc mang tính thời điểm của DNNN trong quá trình cổ phần hóa. Còn nhiều yếu tố khác làm chậm quá trình này, đặc biệt là những vướng mắc hành chính.

Kéo dài thời gian, kéo theo hệ lụy  

Trong một cuộc hội thảo tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cách đây không lâu, các luật sư và chuyên gia kinh tế nhận định rằng những vướng mắc về thủ tục hành chính cũng là những bước cản lớn làm chậm quá trình cổ phần hóa ở DNNN.

Theo luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc công ty TNHH tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự, quá trình cổ phần hóa gặp khó do những nguyên nhân như quy trình, quy định phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà, sự can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước vào quá trình… Thời gian bình quân để thực hiện cổ phần hóa một doanh nghiệp mất hơn 1 năm, với tổng công ty, thời gian này mất gần 2 năm. Sự kéo dài thời gian khiến cho việc định giá doanh nghiệp đã được xác định khó còn chính xác.

Luật gia Cao Đăng Vinh, Vụ pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, quá trình cổ phần hóa bị kéo dài đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn khi phải xử lý những vấn đề phát sinh về tài chính từ khi xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm có đăng ký kinh doanh lần đầu. Giá trị doanh nghiệp này có thể tăng hoặc giảm vì tính theo thời điểm khác nhau khiến cho tiến trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp trở nên bế tắc khi các bên không thể thoả thuận chia sẻ lợi ích từ quá trình trên.

Luật sư Vũ Xuân Tiềm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam thì cho rằng rào cản lớn nhất của quá trình cổ phần hóa là khung pháp lý cho việc này không đủ mạnh, nên dẫn đến lúng túng là tất yếu. Theo ông, Luật Doanh nghiệp không điều chỉnh quá trình cổ phần hóa, chỉ điều chỉnh các doanh nghiệp sau khi đã chuyển sang công ty cổ phần. Như vậy các hoạt động diễn ra trong khoảng thời gian từ khi DNNN bắt đầu triển khai cổ phần hóa đến khi chuyển thành công ty cổ phần không có luật nào điều chỉnh, ngoài Nghị định của Chính phủ. Với một khung pháp lý như vậy, việc triển khai không nghiêm chương trình cổ phần hóa có thể đẩy nhanh hoặc làm chậm tiến độ.       

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước mới chỉ cổ phần hoá được 30 doanh nghiệp, nâng tổng số DNNN được cổ phần hóa tính đến nay là 3.786 doanh nghiệp.

Chính phủ vẫn tiếp tục xúc tiến việc cổ phần hóa các doanh nghiệp đã nằm trong lộ trình chuyển đổi hình thức quản lý năm 2008.

Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các DNNN trong diện này đang xúc tiến các bước để chuẩn bị cổ phần hóa như thành lập ban chỉ đạo, tiến hành kiểm kê, phân loại lao động, tài sản, vật tư, tiền vốn và công nợ để để nhanh hơn trong 6 tháng cuối năm.   

Lúng túng với nhiều mục đích

Trong cuộc gặp gỡ báo giới tuần trước, ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho biết là quá trình cổ phần hóa vẫn được đẩy mạnh và trong điều kiện thị trường khó khăn thì cổ phần hóa ở các doanh nghiệp vẫn đảm bảo nhà nước chiếm cổ phần chi phối.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Tiềm, do việc phải đồng thời đạt được những mục đích trái chiều nhau trong cổ phần hóa DNNN nên đã tạo nên rào cản quá trình này. Sự đa dạng hóa về sở hữu nhưng vẫn phải đảm bảo quyền chi phối của nhà nước dễ dẫn đến một số ảnh hưởng. Trong đó, việc nắm cổ phần chi phối của nhà nước khiến các nhà đầu tư e ngại vì họ cho rằng có thể chỉ là sự thay đổi về hình thức còn thực chất, ở doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa vẫn tồn tại cách điều hành theo kiểu DNNN, đặc biệt là người đứng đầu doanh nghiệp có thể do nhà nước cử sang để giữ phần vốn của mình.

Một khó khăn khác là nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp có thể không thực hiện được chỉ vì nguyên tắc: “Vốn nhà nước phải chiếm 51%”.

Ông Tiềm dẫn ra những gian nan của Công ty xi măng Phú Thọ.

Năm 2005, DNNN này được UBND tỉnh Phú Thọ ra quyết định phê duyệt phương án chuyển thành công ty cổ phần với nguyên tắc nhà nước phải chiếm 51% vốn điều lệ, tức là bằng 22,9 tỉ đồng trong tổng vốn điều lệ của công ty cổ phần là 45 tỉ đồng.

Để nâng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, công ty đã lập ra dự án đầu tư xây dựng một nhà máy xi măng lò quay với tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng. Ngân hàng thương mại chỉ cho vay vốn đầu tư với điều kiện vốn điều lệ của công ty phải đạt 20% tổng vốn đầu tư, tức là phải nâng vốn điều lệ từ 45 tỉ đồng lên 61 tỉ đồng.

Mâu thuẫn đã nảy sinh ở đây vì nếu giữ phần vốn nhà nước chiếm 51% thì ngân sách tỉnh phải cấp thêm gần 10 tỉ để đạt con số 32 tỉ. Nhưng tỉnh không có tiền và không có chủ trương nhưng vẫn phải giữ 51% vốn. Do vậy, việc cổ phần hóa công ty và việc đầu tư dự án nói trên phải kéo dài tới 2 năm.

Luật sư Tiềm gợi ý đã đến lúc đặt ra việc luật hóa những quy định về cổ phần hóa DNNN, trước mắt dưới dạng pháp lệnh về chuyển DNNN thành công ty cổ phần, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời gian phải hoàn thành việc cổ phần hóa cũng như có chế tài với việc hoãn. Có như vậy, việc cổ phần hóa DNNN sẽ trở nên minh bạch hơn.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới