Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phần hóa khó tìm người mua

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phần hóa khó tìm người mua

Minh Đức

Cổ phần hóa khó tìm người mua
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn chiều 14-6. Ảnh: TTXVN

(TBKTSG Online) – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 14-6 thừa nhận trước Quốc hội tiến trình thực hiện đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế đang diễn ra chậm. Ông nêu một trong những nguyên nhân là do thị trường, bán không ai mua.

“Chúng tôi muốn cổ phần hóa lắm nhưng mà nói thật với Quốc hội là ít người mua lắm”, ông Phúc bộc bạch khi trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về nguyên nhân của việc thực hiện chậm trễ đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế.

Phó Thủ tướng dẫn nguyên nhân tiếp theo là nguồn nhân lực. “Cả nhân lực lãnh đạo của tập đoàn doanh nghiệp, cả nhân lực lao động bình thường cũng không đạt chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu của tái cơ cấu”, ông nói.

Theo Phó Thủ tướng, đến nay đã có 69 tập đoàn được duyệt phương án tổ chức kinh doanh, điều lệ kinh doanh, 27 doanh nghiệp được tái cơ cấu lại, trong đó có 16 doanh nghiệp lớn đã được cổ phần hóa…

“Chúng tôi đồng ý là có những vấn đề chậm, thời gian tới phải đẩy mạnh hơn các giải pháp”, ông Phúc khẳng định.

Ông nêu một số giải pháp cụ thể như: ban hành thể chế để thực hiện tốt hơn tái đầu tư công, ban hành nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương; tăng cường các biện pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư công, những biện pháp giám sát chống lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản của trái phiếu Chính phủ, của vốn nhà nước…

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) sốt ruột về tiến trình tái cơ cấu Vinashin, Vinalines nói riêng và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước nói chung. Ông đề nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kết quả, đặc biệt là hiệu quả tái cơ cấu các doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là câu hỏi “lớn và khó”. Phó Thủ tướng thừa nhận, hiện tình hình Vinashin còn lỗ rất nặng, kết quả tái cơ cấu chậm, còn nhiều khó khăn, thách thức. Phương án tái cơ cấu đã được trình lên, đó là chỉ còn lại 8 doanh nghiệp nòng cốt đang hoạt động bình thường và phải chọn lại 8.000 lao động giỏi, có tay nghề cao để giữ lại.

Đối với 216 doanh nghiệp không giữ thì sẽ bán, cổ phần hóa, chuyển nhượng, 166 doanh nghiệp không còn vốn chủ sở hữu thì cho phá sản hoặc bán. Ông Phúc cho biết, phấn đấu đến năm 2022 bắt đầu trả nợ, nếu năm 2022 bắt đầu trả nợ thì đến năm 2016 thu phải cao hơn chi, đó là phương án tích cực, quyết tâm về tài chính.

Về Vinalines, Phó Thủ tướng cho biết tập đoàn này cũng đang tái cơ cấu rất mạnh mẽ, năm 2012 doanh thu là 2.120 tỉ đồng, nộp ngân sách đạt 674 tỉ đồng. Năm 2013 đã thoái vốn đầu tư tại 16 doanh nghiệp, hoàn thành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, đã hoàn thành phương án tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu nợ, đã bán được một số tàu cũ không hiệu quả, đã bố trí lại nhân sự, đặc biệt là đã trình Chính phủ ban hành được điều lệ hoạt động, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường kiểm soát nội bộ.

"Như vậy những công việc của Vinalines mạnh mẽ hơn, có xu hướng phục hồi nhanh hơn nhưng tất nhiên hiện nay vẫn còn lỗ, vẫn còn khó khăn về thị trường nhưng chúng tôi nghĩ rằng sẽ vượt qua", ông Phúc nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới