Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu BIDV: có hấp dẫn?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phiếu BIDV: có hấp dẫn?

Hồ Bá Tình

Cổ phiếu BIDV: có hấp dẫn?
Khách hàng rút tiền qua máy ATM của BIDV ở TPHCM. Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG) – Chỉ còn hai tuần nữa, BIDV sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Giá khởi điểm được ấn định là 18.500 đồng/cổ phiếu. Vấn đề quan tâm của nhiều nhà đầu tư hiện nay là liệu mức giá này có thực sự hấp dẫn?

Tiềm năng của BIDV qua các yếu tố cơ bản

Giá cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài yếu tố thị trường, thông thường các nhà đầu tư xác định giá trị cổ phiếu dựa vào giá trị nội tại như tỷ suất lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và mức độ rủi ro của cổ phiếu này… Dựa trên các tiêu chí đó ta thử đánh giá tiềm năng của BIDV.

Tốc độ tăng trưởng rất cao trong quá khứ

Theo số liệu báo cáo tài chính, tốc độ tăng trưởng tài sản trung bình mỗi năm của BIDV giai đoạn 2006-2010 đạt 24,74%, còn tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt 47,33%/năm. Đây là một tỷ lệ rất cao và đáng mơ ước của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng này không hoàn toàn dành cho chủ sở hữu hiện tại của doanh nghiệp vì trong thời gian đó BIDV liên tục tăng vốn từ sự góp sức của Nhà nước.

Về mặt lý thuyết, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dành cho cổ đông hiện hữu bằng ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) nhân với tỷ lệ lợi nhuận giữ lại. Điều này đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp giữ lại 100% lợi nhuận sau thuế thì tốc độ tăng trưởng tối đa sẽ bằng đúng ROE trung bình của doanh nghiệp. Theo công thức đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đối với vốn chủ sở hữu hiện tại chỉ là 16,58%.

Theo kế hoạch kinh doanh của BIDV tại Bản công bố thông tin thì tăng trưởng lợi nhuận hàng năm năm năm tới sẽ là 20-22%, tổng tài sản và tín dụng là 20%. Đây là một tỷ lệ khá khiêm tốn so với quá khứ nhưng khả năng đạt được cũng không dễ dàng.

Nguyên nhân là do, những năm gần đây tăng trưởng tín dụng của Việt Nam rất cao và hiện tại tỷ lệ tín dụng/GDP đã lớn hơn 120%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng gần như đến ngưỡng và Ngân hàng Nhà nước đang đặt mục tiêu hạ tăng trưởng tín dụng hàng năm xuống dưới 20%. Hơn nữa, xu hướng cạnh tranh khá gay gắt trong ngành ngân hàng và những ngân hàng nhỏ thường có tốc độ tăng nhanh hơn. Điều đó cho thấy, việc BIDV dự kiến tốc độ tăng trưởng 20% trong những năm tới là một kế hoạch khá lạc quan.

Hiệu quả sử dụng vốn không cao

Từ năm 2002 đến nay, ROE của BIDV luôn ở mức dưới 20%. Năm 2010 lợi nhuận tăng rất mạnh nhưng ROE cũng chỉ đạt 18%, còn trong chín tháng đầu năm 2011 mới chỉ đạt 10,3% và dự tính đạt 12,8% trong năm 2011, còn năm 2012 là 15,5%. Theo kế hoạch của BIDV, ROE trong năm năm tới cũng chỉ ở mức 15-18%.

So với các ngân hàng khác, tỷ lệ này ở mức trung bình, còn nếu so với các doanh nghiệp sản xuất thì con số này khá khiêm tốn. Ngoài ra, ROE của BIDV cũng thường thấp hơn nhiều ngân hàng khác như VCB, ACB hay Techcombank… Hơn nữa, với một ngân hàng có quy mô lớn như BIDV cũng rất khó kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng đột biến.

Rủi ro thanh khoản và nợ xấu

Những rủi ro cần lưu ý của BIDV là nợ xấu và cho vay theo chỉ định. Theo báo cáo tài chính quí 3-2011, trong chín tháng đầu năm nay BIDV đã phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 2.958 tỉ đồng, tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, khẳng định rằng “không nên quá lo lắng”. Ông còn cho biết năm 2012 BIDV sẽ thu hồi 500 tỉ đồng dư nợ bất động sản trong tổng nợ 1.300 tỉ đồng của Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Còn nợ của Vinashin tổng cộng là 6.600 tỉ đồng, sau khi tái cơ cấu còn lại khoảng 5.000 tỉ đồng. Dự kiến trong năm 2011, BIDV trích dự phòng rủi ro cho khoản nợ Vinashin là 1.500 tỉ đồng, và trong sáu tháng đầu năm 2012 dự kiến là 3.000 tỉ đồng.

Như vậy, vấn đề nợ của HAG và Vinashin được xem là khá minh bạch. Tuy nhiên, việc BIDV dự kiến dành ra đến 4.500 tỉ đồng để trích lập dự phòng nợ xấu đối với Vinashin sẽ làm giảm mạnh lợi nhuận của doanh nghiệp. Và nguy cơ nợ xấu không chỉ dừng lại ở khoản nợ với Vinashin.

Một rủi ro khác đối với nhà đầu tư khi mua BIDV đó là tính thanh khoản của cổ phiếu. Thêm vào đó, với tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước còn cao, trên 78%, BIDV có thể còn tiếp tục phải cho vay theo chỉ định của Nhà nước.

Đánh giá sự hấp dẫn của cổ phiếu BIDV

Hãy thử so sánh cổ phiếu BIDV với một số cổ phiếu của các ngân hàng lớn trên sàn.

Theo kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm nay, ROE của BIDV chỉ đạt 10,24%, dự kiến cả năm là 12,8%, thấp hơn khá nhiều so với năm ngân hàng lớn nhất đang niêm yết trên sàn. Số liệu quá khứ cũng cho thấy ROE của BIDV cũng thường thấp hơn khá nhiều so với các ngân hàng như VCB, ACB… Như vậy, khả năng sinh lời trên vốn của BIDV cũng chỉ ở mức khá khiêm tốn.

Với việc phát hành thêm 621,53 triệu cổ phiếu và toàn bộ vốn thặng dư (vốn cổ phần) đều bị Nhà nước thu hồi thì lúc đó vốn chủ sở hữu của BIDV sau khi phát hành là 30.863 tỉ đồng (không tính lợi nhuận quí 4). Như vậy, giá trị sổ sách của cổ phiếu BIDV chỉ là 10.925 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 30% giá trị sổ sách của các cổ phiếu trong nhóm so sánh.

Trong khi đó, EPS tính theo chín tháng với số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành chỉ đạt 893 đồng/cổ phiếu, ngay cả điều chỉnh tỷ lệ pha loãng, cũng chỉ đạt 1.200 đồng/cổ phiếu. Những con số này thấp hơn nhiều so với mức 2.342 đồng của VCB, 2.665 đồng của CTG…

Xét theo các chỉ số định giá, P/B của BIDV lên tới 1,69 lần, cao hơn rất nhiều so với các cổ phiếu còn lại. Còn đối với chỉ số P/E tính toán trong bảng (tính theo EPS chín tháng) là 20,71 lần hoặc P/E điều chỉnh (15 lần) thì chỉ số này của BIDV cũng rất kém hấp dẫn. Ngay cả tính P/E theo kế hoạch cho một số năm tới P/E theo mức giá 18.500 đồng/cổ phiếu của BIDV cũng khá cao so với hầu hết ngân hàng khác (7-10 lần).

Thay lời kết

Trong đợt IPO tới sẽ có 84,75 triệu cổ phiếu được đấu giá, với mức giá khởi điểm là 18.500 đồng/cổ phiếu. Lượng tiền tối thiểu BIDV hút từ thị trường sẽ là 1.567 tỉ đồng, cao gần gấp ba lần tổng giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán hiện nay. Điều này cho thấy đây là một thử thách lớn đối với đợt đấu thầu này. Nhìn lại năm 2011 là năm thất bại của rất nhiều vụ IPO. Như vậy, nếu BIDV bán được hết cổ phiếu có thể xem là một thành công ngoài mong đợi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới