Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu dược ‘tĩnh’ trong tâm bão Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phiếu dược ‘tĩnh’ trong tâm bão Covid-19

Trang Nguyễn

(TBKTSG Online) – Dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang nổ ra và chưa được kiểm soát, giá cổ phiếu ngành dược vẫn chưa thực sự bứt phá như kỳ vọng. Tuy nhiên tiềm năng của ngành dược Việt Nam vẫn còn và đây là nhóm ngành phù hợp để đầu tư lâu dài hơn là trong ngắn hạn.

Cổ phiếu dược 'tĩnh' trong tâm bão Covid-19
Cổ phiếu ngành dược không thể bứt phá mạnh trong thời dịch Covid-19. Ảnh minh họa: DHG

Cổ phiếu dược: Thận trọng với đà tăng “ăn theo” dịch bệnh!

 Không thể bứt phá trong dịch bệnh

Trái với nhận định ngành dược sẽ trực tiếp hưởng lợi hay cổ phiếu dược sẽ theo đà tăng giá khi một dịch bệnh như Covid-19 bùng phát, thực tế thị giá của các cổ phiếu dược tại Việt Nam không được cải thiện trong 2 tháng vừa qua.

Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Vietnam, cho biết các công ty dược niêm yết dù đã có những phiên tăng giá nhưng chỉ có một số ít các công ty duy trì được thanh khoản và đà tăng. Trong đó phải kể đến Dược Hậu Giang (DHG), Dược phẩm Imexpharm (IMP), Pymepharco (PME) và Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN).

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích của Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) cũng cho rằng, khi có dịch diễn ra điều nhà đầu tư nghĩ đến đầu tiên là cổ phiếu ngành dược được hưởng lợi và ngay lập tức nhiều cổ phiếu dược nhanh chóng được đẩy giá.

“Điểm đáng lưu ý trên sàn là cổ phiếu bản chất kém thanh khoản do mức độ sở hữu cô đặc nên càng dễ bị đẩy giá hơn. Dĩ nhiên nhà đầu tư khi tham gia mua vào cổ phiếu ngành dược phần lớn cũng có tư tưởng ngắn hạn vì vậy chỉ sau thời gian ngắn giá cổ phiếu nhóm ngành này đã hạ nhiệt. Do cổ phiếu ngành dược có tỷ lệ chuyển nhượng tự do không nhiều nên biến động cổ phiếu trong ngắn hạn sẽ khó lường đặc biệt nếu lực cầu gia tăng mạnh”, ông Khanh nhận xét.

Tỷ suất lợi nhuận ngành dược so với VN-Index (%). Nguồn: Mirae Asset

“Thực tế, chúng tôi cho rằng rất ít các doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi từ dịch Covid-19. Hiện tại, phác đồ điều trị của bệnh này đều dựa trên các dòng thuốc chống HIV hay kháng sinh, vốn là các dòng thuốc nhập khẩu. Danh mục thuốc của các công ty hàng đầu như IMP hay PME vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chữa trị, do đó chúng tôi cho rằng người hưởng lợi thực sự là các công ty sản xuất hoặc phân phối vật tư y tế”, ông Minh nhận định.

Nhưng vẫn hấp dẫn trong mắt khối ngoại

Nhóm ngành dược của Việt Nam vốn đã được các nhà đầu tư nước ngoài để mắt và tìm cách thâu tóm trong những năm vừa qua. Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, ngành dược được dự đoán sẽ có thể đón thêm nhiều dòng vốn đầu tư ngoại nhờ vào tiềm năng dồi dào.

Làn sóng mua lại cổ phần của các đại gia dược lớn phải kể đến Công ty cổ phần Chế tạo thuốc Taisho của Nhật Bản nâng tỷ lệ sở hữu tại DHG lên gần 51% trong nửa đầu năm 2019, biến công ty dược này trở thành công ty con của Taisho. Trước đó vào năm 2017, Abbott Laboratories (Mỹ) đã mạnh tay chi gần 2.300 tỉ đồng để sở hữu gần 52% của Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC).

Thị phần ngành dược năm 2019. Nguồn: Mirae Asset

Theo ông Khanh, dược là lĩnh vực đầu tư dài hạn mà các tập đoàn dược quốc tế rất quan tâm. Ngành dược Việt Nam hiện vẫn chỉ phát triển trong nội địa trong khi chỉ mới đáp ứng được một nửa nhu cầu trong nước. Vì vậy về dài hạn ngành dược còn nhiều hướng đi để phát triển và để tăng tốc nhanh thì cần đầu tư vốn, đặc biệt là dòng vốn từ các tập đoàn dược quốc tế lớn.

“Nhiều công ty dược nhà nước lớn hiện cũng được nhà đầu tư nước ngoài săn đón như DVN. Sau đợt dịch cúm này ngành dược sẽ càng được chú ý nhiều hơn và có thể mở ra nhiều hướng hợp tác, phát triển mới đi vào chiều sâu nhiều hơn”, ông Khanh nói.

Trong khi đó, ông Minh của Mirae Asset đưa ra dự báo giá của các cổ phiếu dược sẽ điều chỉnh mạnh. Cụ thể, các công ty dược có kết quả kinh doanh tăng trưởng hay sở hữu các nhà máy đủ tiêu chuẩn đấu thầu ETC (thuốc bán theo đơn) như IMP và PME sẽ có thể duy trì đà tăng giá nếu kết quả kinh doanh tích cực.

“Từ 2016-2019, bất chấp việc chi tiêu cho dược phẩm tăng mạnh, nhưng cổ phiếu các công ty dược chỉ chứng kiến 1 lần tăng giá khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến nới room ngoại cho các cổ phiếu ngành dược”.

“Hiện tại, chúng tôi cho rằng nhóm dược phẩm sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư chiến lược hơn tài chính. Chúng tôi đánh giá giới hạn về trình độ kỹ thuật nhưng lại có lợi thế về hệ thống phân phối, nếu tìm được nhà đầu tư chiến lược sẽ là phương án rất tốt cho cả hai bên. Chúng tôi đánh giá IMP, DBD (Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định) là hai công ty tiềm năng trong việc tìm kiếm đối tác ngoại thành công”, ông Minh phân tích

Đối với IMP, ông Minh cho biết thêm, với hệ thống 4 nhà máy EU-GMP với 6 dây chuyền với danh mục sản phẩm chất lượng cao, đủ đấu thầu kênh ETC lẫn OTC (thuốc bán không cần kê đơn). Tuy nhiên, mức định giá IMP hiện tại là tương đối cao, trong bối ngành dược thường chịu rủi ro lớn về mặt thanh khoản.

Tiềm năng trong dài hạn

IMS Health nhận định, ngành dược Việt Nam nằm trong nhóm có tiềm năng tăng trưởng ngành cao nhất (pharmerging market), với dư địa cho chi tiêu vào các sản phẩm dược vẫn còn nhiều. Đồng quan điểm, các chuyên gia tài chính cho rằng, tốc độ tăng trưởng ngành được dự báo ở mức 9-10%/năm nhờ thu nhập trung bình tăng hàng năm và ý thức chăm sóc sức khỏe cá nhân được nâng cao, dẫn đến nhu cầu chi tiêu vào y tế và dược phẩm cũng tăng cao.

“Chúng tôi dự phóng giá trị thị trường ngành dược Việt Nam đạt 10,8 tỉ đô la (tăng trưởng +9%) vào năm 2024. Dược phẩm trong giai đoạn 2020-2028, dự phóng tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) 8,8%/năm. Chúng tôi dự phóng mức chi tiêu cho dược phẩm trong năm 2020 ở mức 74,1 đô la/ người (tăng 9,7% so với năm trước)", ông Lê Quang Minh cho hay. 

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tuy nhiên hầu hết tập trung sản xuất các loại thuốc generic, thực phẩm chức năng và chưa tham gia nhiều vào thị trường dược phẩm thuốc đặc trị do thiếu các viện nghiên cứu lớn chuyên sâu.

“Cũng vì lý do này mà ngành dược Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu trong nước và mỗi năm nhập khẩu hơn 2 tỉ đô la thuốc”, ông Khanh của VISecurities nói.

Tuy nhiên, ông Khanh nhận định qua biến cố dịch cúm Covid-19 cho thấy dù còn nhiều thiếu thốn cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế có giới hạn nhưng Việt Nam vẫn chủ động và ứng biến tốt với từng đợt diễn biến của dịch bệnh và đạt những thành công lớn trong việc khống chế dịch cho đến thời điểm hiện tại. Việc Việt Nam chữa trị thành công gần như tất cả các ca nhiễm cũng là một thành tích lớn cho thấy ngành y tế Việt Nam vẫn rất có tiềm năng nếu chịu đầu tư phát triển.

Điều khó khăn đó là ngành dược thiếu sự tài trợ cho việc nghiên cứu chuyên sâu và rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức và tăng cường hợp tác quốc tế nhiều hơn để tạo ra các dòng thuốc có thể xuất khẩu. Điều này có thể cần thời gian lâu dài hơn với sự phối hợp nhiều lĩnh vực từ giáo dục, chính sách, tài trợ để có thể tạo nên một ngành công nghiệp dược phát triển hiện đại.

“Về ngắn hạn các doanh nghiệp Việt Nam lớn như DHG sở hữu các dòng thuốc giảm đau, kháng sinh chiếm tỷ trọng cao và có hệ thống phân phối sâu rộng vì vậy sẽ có thuận lợi trong ngắn hạn. Ngay cả việc sản xuất những sản phẩm y tế như băng gạc, khẩu trang cũng mang lại giá trị kinh tế cao trong thời điểm dịch bệnh đang gia tăng hiện nay”, ông Khanh cho biết.  

Nhìn lại những khó khăn của ngành dược trong các năm trước, giá thành phần dược liệu tích cực (API) tăng mạnh đã dẫn đến suy giảm 1-4% biên lợi nhuận toàn ngành giai đoạn 2017-2019. Giá API tăng ít nhất 20% đến từ việc khan hiếm nguồn cung từ Trung Quốc với danh mục API thông dụng được sản xuất bởi các công ty niêm yết, chủ yếu ở các nhóm kháng sinh, nội tạng và cơ xương.

“Chúng tôi cho rằng nguồn cung API từ nội địa cũng không khả thi trong bối cảnh các công ty dược nội địa không có khả năng sản xuất API và tá dược với giá và chất lượng tương đương. Như vây, dự báo biên lợi nhuận sẽ tiếp tục giảm 300-700 điểm phần trăm trong giai đoạn 2019-2020 khi các công ty dược niêm yết vẫn chịu áp lực lớn về giá nguyên vật liệu đầu vào và khó có thể hồi phục về mức biên lợi nhuận giai đoạn 2014-2016 trong ngắn hạn", ông Lê Quang Minh của Mirae Asset Vietnam đưa ra nhận định.

Về dài hạn, giai đoạn 2021-2024, đơn vị này cũng dự phóng không có sự suy giảm biên lợi nhuận sau thuế (LNST) khi lần lượt các dòng sản phẩm tiêu chuẩn EU-GMP và PIC/S GMP với biên LNST 12-20% sẽ được đưa vào sản xuất, qua đó cải thiện biên LNST toàn ngành lên mức 10-13%.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới