Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu GAB liệu có giống kịch bản của ROS?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phiếu GAB liệu có giống kịch bản của ROS?

Thanh Phong

(TBKTSG Onlilne) – Cổ phiếu GAB đang "làm mưa làm gió" trên thị trường xét về mặt giá cổ phiếu trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn thì vẫn còn là sự hoài nghi. Số phận của GAB liệu có khác với ROS, một công ty con khác của FLC đã từng một thời làm "dậy sóng" trên thị trường chứng khoán, và giờ đang ở mức dưới mệnh giá, hay không?

Cổ phiếu GAB liệu có giống kịch bản của ROS?
Cổ phiếu GAB tăng mạnh kể từ giữa tháng 12 năm ngoái. Nguồn dữ liệu: Vietstock

Cổ phiếu GAB của Công ty cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC đã “đánh bại” thị trường kể từ thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay, với mức tăng hơn gấp đôi trong 14 phiên giao dịch đầu năm, tính đến ngày 18-2.

Trong cùng khoảng thời gian này, chỉ số VN-Index giảm gần 3,3%. Trên thực tế, thị giá cổ phiếu nhiều công ty lớn nhỏ khác nhau đã giảm mạnh bởi tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19.

Niêm yết cổ phiếu từ tháng 7 năm ngoái, sau một thời gian đi ngang, GAB bắt đầu tăng giá từ giữa tháng 12-2019 và chưa dứt đà tăng cho đến nay. Nếu như thị giá cổ phiếu vào thời điểm 19-12-2019 là 10.900 đồng/cổ phiếu thì ngày 19-2-2020 đã lên đến 83.000 đồng/cổ phiếu.

Không chỉ giá cổ phiếu tăng mạnh, GAB hiện đang có những thay đổi tái cấu trúc đáng kể, đặc biệt là sau cuộc họp đại hội cổ đông bất thường vào ngày 3-2 vừa qua.

Theo đó, công ty có hàng loạt sự thay đổi như địa điểm trụ sở chính, tên công ty, bổ sung ngành nghề kinh doanh, sửa đổi toàn văn điều lệ, tăng vốn điều lệ, thay đổi nhân sự chủ chốt gồm cả Chủ tịch và thành viên HĐQT, Ban kiểm soát.

Tiền thân là Công ty cổ phần Gạch Tuynel FLC – Đò Lèn Hậu Lộc thành lập tháng 5-2016 và qua nhiều lần đổi tên (Công ty vật liệu xây dựng FLC, Công ty cổ phần GAB và mới đây là Công ty cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC), hoạt động chính của GAB là sản xuất và phân phối gạch trong các khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tại Thanh Hóa chỉ có 2 công ty sản xuất gạch đặc với công suất lớn, sản phẩm có cường độ chịu lực cao, theo lời tự giới thiệu của công ty.

Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển, GAB cho biết đã mở rộng không hạn chế sang nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả các hoạt động đầu tư tài chính. Như vậy, từ một công ty vật liệu xây dựng được lập ra để phục vụ cho hệ sinh thái của mình, đến nay GAB trở nên “đa dụng” hơn.

Đáng lưu ý là trong cấu trúc sở hữu thì tập đoàn FLC hiện chỉ nắm giữ 8,99% (tương ứng với giá gốc đầu tư 12,4 tỉ đồng tính đến cuối năm 2019), giảm dần sau những lần tăng vốn trước đây. Và cũng chỉ có FLC là cổ đông tổ chức, còn lại là 303 cá nhân khác sở hữu cổ phần của công ty có vốn điều lệ 138 tỉ đồng.

Tỷ lệ sở hữu còn ở mức thấp này cho phép FLC rót thêm tiền bằng nhiều phương án khác nhau. Sau đại hội cổ đông bất thường, GAB đã lên kế hoạch tăng vốn thêm 552 tỉ đồng theo phương án phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Đồng thời, GAB công bố thông tin cho biết ông Trịnh Văn Quyết công bố mua vào 2 triệu cổ phiếu GAB dưới danh nghĩa cá nhân.

GAB bắt đầu "phình" ra trên nhiều phương diện. Nguồn dữ liệu: Vietstock.

Trở lại với câu chuyện tăng giá cổ phiếu, GAB không phải là cổ phiếu duy nhất của “họ” FLC tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp, điển hình là câu chuyện của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã ROS) đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường và trải qua nhiều thái cực cổ phiếu khác nhau.

Từ mức giá khởi đầu niêm yết 12.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 1-9-2016, thị giá ROS tăng liên tục qua nhiều “đỉnh” khác nhau, như mốc 126.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 23-11-2016, rồi 177.800 đồng/cổ phiếu (15-3-2017) và đỉnh điểm là mốc 214.100 đồng/cổ phiếu (ngày 3-11-2017).

Sau đó, ROS bước vào chu kỳ giảm và tính đến ngày 19-2-2020 chỉ còn 8.520 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thị giá dưới mệnh giá còn có cổ phiếu FLC của chính tập đoàn mẹ, với mức 4.120 đồng/cổ phiếu.

Hành trình của ROS đưa đến những hoài nghi về GAB khi có nhiều điểm khá tương đồng, từ việc tự "định dạng" là một công ty con trong hệ sinh thái cho đến “phình to” về quy mô, hay kết quả kinh doanh đều thay đổi mạnh trước thềm niêm yết.

Chẳng hạn, doanh thu thuần của ROS tăng từ mức 12,8 tỉ đồng lên đến gần 969 tỉ đồng (năm 2015) theo bản cáo bạch năm 2016. Còn với GAB, doanh thu thuần đạt 187 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với trước đó, còn lợi nhuận sau thuế đạt 16,6 tỉ đồng, gấp gần 2,7 lần, theo báo cáo tài chính quí 4-2019 (chưa kiểm toán).

Với mức thị giá hiện nay, GAB có thể đặt “chung mâm” cùng với Vicostone, một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nhưng có quy mô lớn hơn GAB về cả doanh thu (gấp 29,7 lần) và vốn điều lệ (gấp 11,6 lần).

GAB rõ ràng đã “đánh bại” thị trường xét về mặt giá cổ phiếu trong ngắn hạn, nhưng xét về dài hạn thì lại mang đến một vấn đề đáng suy ngẫm hơn, đó là thị giá cổ phiếu đôi khi chưa song hành cùng những giá trị kinh doanh thực tế mà doanh nghiệp hiện mang đến cho xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới