Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu ngân hàng ngày càng phân hóa rộng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phiếu ngân hàng ngày càng phân hóa rộng

An Nhiên

(TBKTSG) – Một số báo cáo phân tích gần đây cho rằng ngân hàng có thể là một trong số ít lĩnh vực hưởng lợi từ dịch Covid-19 khi chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng thêm. Trước đó, những báo cáo đánh giá chiến lược năm 2020 của nhiều công ty chứng khoán cũng đánh giá lạc quan về cổ phiếu ngân hàng và khuyến nghị mua vào ở một số ngân hàng đầu ngành.

Sự trở lại của những ông lớn

Cổ phiếu ngân hàng ngày càng phân hóa rộng
Sự chênh lệch giá cổ phiếu không chỉ diễn ra ở nhóm NHTM gốc nhà nước, mà sự phân hóa còn sâu sắc hơn ở nhóm các NHTM tư nhân đang niêm yết. Ảnh minh họa: TTXVN

Chỉ trong vòng hai tháng rưỡi qua, giá cổ phiếu VietinBank (CTG) đã có lúc tăng xấp xỉ 40%, trở thành một trong những cổ phiếu có màn trình diễn ấn tượng nhất kể từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, đà đi lên có dấu hiệu tăng tốc sau thông tin ngân hàng này có thể được Nhà nước rót tiền hỗ trợ tăng thêm vốn điều lệ ngay trong quí 1 năm nay cùng với Vietcombank (VCB), chấm dứt thời kỳ đói vốn cũng như đáp ứng nguyện vọng của ngân hàng này trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, so với hai ông lớn ngân hàng khác là BIDV (BID) và Vietcombank, giá cổ phiếu của VietinBank chỉ đang tương đương một nửa giá cổ phiếu của BIDV trên thị trường và bằng chưa đến 30% giá cổ phiếu của Vietcombank, trong khi lợi nhuận của VietinBank năm 2019 vừa qua đã bật mạnh lên cao hơn BIDV và bằng một nửa so với quán quân lợi nhuận Vietcombank.

Ngoài ra, các chỉ số sinh lời khác cũng không phản ánh hết sự chênh lệch thị giá cổ phiếu của ba ngân hàng thương mại (NHTM) gốc nhà nước này. Cụ thể, hệ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) của VietinBank năm 2019 là xấp xỉ 13%, lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân (ROAA) là gần 0,8%; Vietcombank cao hơn gấp đôi lần lượt là 25% và 1,6%, còn của BIDV là 12,8% và 0,6%, thấp hơn so với VietinBank. Điều này hàm ý kết quả kinh doanh hay chỉ số sinh lời chỉ là một trong những yếu tố quyết định thị giá cổ phiếu.

Thực tế, giá cổ phiếu VietinBank đã gặp khó khăn trong suốt một năm qua, gần như mắc kẹt trong một biên độ chật hẹp, kể từ khi ngân hàng này bất ngờ ghi nhận lỗ trong quí 4-2018 do mạnh tay chuyển nợ xấu và thoái thu lãi lớn. Trong khi đó, “người anh em” Vietcombank đã bứt phá mạnh mẽ khi tăng gấp đôi trong cùng khoảng thời gian trên, còn BIDV cũng bắt đầu đi lên trong sáu tháng gần đây, đặc biệt là khoảng thời gian từ đầu tháng 12 đến nay, sau khi hoàn tất thương vụ bán vốn thành công cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank của Hàn Quốc, khiến chênh lệch giá cổ phiếu của ba ngân hàng đã mở rộng đáng kể dù quy mô kinh doanh gần như tương đương nhau.

Có một câu nói phổ biến được cho là khá chính xác trên thị trường chứng khoán, đó là giá cổ phiếu suy giảm vì yếu tố nào thì cũng sẽ phục hồi trở lại nếu áp lực đó được gỡ bỏ. Ứng vào trường hợp của VietinBank, việc không thể tăng được vốn khiến hệ số an toàn vốn (CAR) cận kề ngưỡng quy định trong suốt thời gian dài dẫn đến ngân hàng không thể tăng trưởng kinh doanh mạnh mẽ, thì nay khi cánh cửa tăng vốn đã được mở ra, tương lai sáng sủa hơn nên nhà đầu tư đẩy mạnh rót tiền và quay trở lại với cổ phiếu này cũng là điều dễ hiểu.

Có thể thấy ngoài câu chuyện kết quả kinh doanh, thì tâm lý nhà đầu tư, khẩu vị ưa thích, hay triển vọng tương lai, đặc biệt là câu chuyện bán vốn cho nước ngoài mà nhìn vào BIDV hay Vietcombank là minh chứng rõ nhất, mới là yếu tố đẩy giá cổ phiếu. Riêng VietinBank sau khi được tăng vốn thì hạn mức sở hữu nước ngoài có thể càng được mở rộng, tạo cơ hội bán thêm vốn cho nhà đầu tư để tăng vốn mạnh hơn cho giai đoạn tới.

Phân hóa ngày càng rộng

Sự chênh lệch giá cổ phiếu không chỉ diễn ra ở nhóm NHTM gốc nhà nước, mà sự phân hóa còn sâu sắc hơn ở nhóm các NHTM tư nhân đang niêm yết. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) với quy mô tổng tài sản thuộc tốp 10 ngân hàng lớn nhất, nhưng giá cổ phiếu chỉ quẩn quanh 6.000-7.000 đồng trong suốt thời gian dài, nằm dưới mệnh giá cùng với nhóm các ngân hàng nhỏ như Kiên Long (KLB), Quốc dân (NVB), LienVietPostBank (LPB), và thua cả những ngân hàng khác đang niêm yết ở UPCOM như Bắc Á (BAB) đang ở mốc 18.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng lưu ý là giá cổ phiếu SHB từ đầu năm đến nay cũng đã có lúc tăng mạnh hơn 45%, khi lợi nhuận năm 2019 tăng vọt 47% so với 2018, cùng với thông tin con trai của Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển mua vào thành công 35,9 triệu cổ phiếu, khiến không ít nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu SHB sẽ sớm lên lại mệnh giá trong giai đoạn tới. Tương tự, NVB với những tin đồn đoán bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện trong nhiều tháng qua, cũng được kỳ vọng sẽ vượt mệnh giá trong giai đoạn tới từ mức 9.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. Mới đây, con trai chủ tịch HĐQT của ngân hàng này cũng đăng ký mua vào 8,2 triệu cổ phiếu.

Ở nhóm đang gặp nhiều khó khăn, Sacombank (STB) do đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên giá cổ phiếu cũng chỉ quanh mức 10.000-11.000 đồng/cổ phiếu, dù gần đây đã chứng kiến xu hướng đi lên tích cực khi lợi nhuận năm 2019 hồi phục mạnh, cùng với những kỳ vọng chủ cũ của ngân hàng này là ông Đặng Văn Thành có thể quay trở lại. Ngược lại, Eximbank (EIB) vốn đang chìm trong những rắc rối, tranh giành quyền lực của các cổ đông lớn nên giá cổ phiếu tiếp tục bị mắc kẹt dưới vùng 18.000 đồng/cổ phiếu.

Nhóm có thị giá từ 20.000-30.000 đồng được xem là phổ biến nhất hiện nay, ngoại trừ VietinBank thì có sáu ngân hàng khác đang nằm trong vùng giá này, với hiệu quả kinh doanh được đánh giá ổn định như HDBank (HDB), Á Châu (ACB), VPBank (VPB), Techcombank (TCB), TPBank (TPB) và MBBank (MBB).

Trong nhóm này, giá VPB và HDB đang cao nhất khi gần đây tăng khá mạnh lên tiệm cận mốc 30.000 đồng/cổ phiếu. Những thông tin về khả năng sáp nhập thêm ngân hàng khác có thể là chất xúc tác đối với các nhà đầu tư, bởi HDBank đã chứng tỏ được khả năng xử lý hiệu quả và xoay xở khá tốt khi nhận sáp nhập Ngân hàng Đại Á trong quá khứ. Techcombank dù lợi nhuận xếp thứ hai chỉ sau Vietcombank nhưng giá cổ phiếu chưa cho thấy nhiều khởi sắc, chủ yếu do khi niêm yết trước đây đã được định giá quá cao nên giá cổ phiếu ngân hàng này đã chìm nghỉm kể từ đó đến nay và vẫn còn cách khá xa so với mức giá lúc mới lên sàn.

VPBank sau cú trượt chân nợ xấu, lợi nhuận năm 2019 cũng đang có dấu hiệu trở lại, giúp giá cổ phiếu phản ứng tích cực từ đầu năm đến nay khi tăng hơn 50% trong hai tháng qua, đặc biệt bứt tốc đến 38% chỉ trong nửa tháng trước. ACB và MBBank dù được đánh giá khá cao và được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị tích cực trong suốt thời gian qua, nhưng thực tế giá cổ phiếu vẫn chưa cho thấy sự bứt phá như kỳ vọng, nhất là MBBank cũng có kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

TPBank là một trường hợp thú vị khi có sự vươn mình mạnh mẽ trong hai năm qua, thể hiện qua con số lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng giá cổ phiếu dường như chưa phản ánh hết kỳ vọng. Chỉ số giá trên thu nhập (P/E) năm 2019 ở mức khá hấp dẫn chỉ 5,9, ROE lên đến 26%, trong khi ROA hơn 2%, thuộc nhóm cao nhất trong số các ngân hàng cùng với Ngân hàng Quốc tế (VIB) có P/E là 4,3, ROE 27% và ROA hơn 2%; giá cổ phiếu của VIB cũng chỉ đang ở vùng 18.500 đồng/cổ phiếu, còn thấp hơn cả TPB.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới