Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu ngân hàng trong cơn biến động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phiếu ngân hàng trong cơn biến động

Giá cổ phiếu của các ngân hàng đã xuống mạnh từ đầu năm đến nay -Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Trong tình hình kinh tế vĩ mô không ổn định, thị trường chứng khoán sụt giảm gần 50% từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngành tài chính, đặc biệt là ngân hàng đang trên đà giảm mạnh. Phải chăng cổ phiếu “vua” đã hết thời?

Trên đường trở về mệnh giá

Thời điểm này một năm trước, cổ phiếu ngân hàng được xem là loại cổ phiếu an toàn nhất và các nhà đầu tư săn lùng để mua. Nay, những người đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng sau khi bán được thường thở phào nhẹ nhõm khi biết giá cổ phiếu ngày hôm sau lại rớt thấp hơn lúc mình bán.  

“Tình hình thị trường chứng khoán đang căng thẳng, cộng thêm các vấn đề vĩ mô, cổ phiếu ngân hàng khó mà khả quan trong ngắn hạn sắp tới”, một nhà đầu tư sàn ACBS cho biết. Giới đầu tư đang ví von các cổ phiếu ngân hàng, một thời được mệnh danh là cổ phiếu “vua”, đang trong cuộc hành trình trở về mệnh giá.  

Giá một số cổ phiếu sáng ngày 10-5 được giao dịch xoay quanh mệnh giá. Cổ phiếu ngân hàng An Bình ở mức 0,7-0,8 lần mệnh giá, giá cổ phiếu ngân hàng VP Bank là 1,1 “chấm”, VIB Bank bằng mệnh giá, Việt Á 1,5 “chấm”, ngân hàng Đông Á ở mức 2,4-2,6 lần mệnh giá. Cổ phiếu Eximbank mới ngày 8-5 còn giao dịch ở mức ba “chấm”, ngày 10-5 giao dịch chỉ còn 2,1-2,3 “chấm”.

Nhìn những con số này, ít ai có thể ngờ, chỉ một năm trước, giá của An Bình có lúc hơn chín “chấm”, còn Eximbank từng ở mức giá gấp 16 lần mệnh giá mà hiện nay chỉ bằng 33% giá bán cho đối tác chiến lược nước ngoài vào cuối năm ngoái.  

May mắn hơn các cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên thị trường OTC với biên độ dao động giá có khi lên đến 20%-30%/ngày, hai cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên sàn là STB của Sacombank và ACB của ngân hàng Á Châu, thời điểm này mỗi ngày đều đặn rớt 2%-3%. Hai cổ phiếu này gần như giảm giá liên tục trong vòng một tháng qua bất chấp xu hướng toàn thị trường trong ngày là tăng hay giảm. Giá của STB ngày 9-5 chỉ còn 30.500 đồng và ACB là 72.400 đồng.     

Không thể không kể đến cổ phiếu ngân hàng Vietcombank, mức giá khởi điểm 100.000 đồng/cổ phiếu trong cuộc đấu giá cuối năm ngoái giờ đã mất hơn 60%, giá cổ phiếu VCB ngày 9-5 chỉ còn khoảng 35.000-40.000 đồng/cổ phiếu.  

Ông Trương Duy Khiêm, trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán ACBS, cho biết nếu mua cổ phiếu ngân hàng vào thời điểm này mặc dù giá đã rất rẻ nhưng cũng khó lòng có lời trong năm nay.   

Nhưng vẫn hấp dẫn trong dài hạn  

Theo tổng giám đốc một công ty chứng khoán, nhiều cổ đông nắm giữ cổ phiếu ngân hàng do quá cần tiền mặt để trả nợ hoặc phục vụ những mục đích khác nên sẵn sàng bán ra bằng mọi giá để thu tiền mặt về. Mặt khác, vị giám đốc này nói, nhiều nhà đầu tư cảm thấy mức giá hiện tại của các ngân hàng là hấp dẫn nên đã chấp nhận mua, vì vậy giao dịch mới hình thành trên thị trường.  

Giá cổ phiếu ngân hàng đi xuống, theo giải thích của ông, là do các chính sách tiền tệ gần đây của Ngân hàng Nhà nước quá lúng túng, đã đẩy một số ngân hàng chủ yếu là những ngân hàng nhỏ rơi vào khó khăn thanh khoản tạm thời. Nếu thời gian tới, những biện pháp đúng đắn được đưa ra thì hoạt động của các ngân hàng sẽ ổn định trở lại vì trên thực tế, những yếu tố nền tảng của nền kinh tế vẫn tốt và nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đánh giá tốt về sự phát triển của kinh tế Việt Nam.     

Nhìn chung, kết quả kinh doanh quí 1 của các ngân hàng hàng đầu vẫn khá tốt. Ngân hàng Á Châu (ACB) lợi nhuận trước thuế quí 1-2008 đạt trên 501 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sacombank bốn tháng đầu năm lãi 537 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2007, Eximbank riêng tháng Tư lợi nhuận đạt 96 tỉ đồng, đưa lãi lũy kế bốn tháng đầu năm 2008 lên 371 tỉ đồng.  

Trong bản báo cáo mới nhất về thị trường chứng khoán của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chỉ số P/E (Price/Earnings, chỉ số giá trên lợi nhuận của một cổ phiếu) của hầu hết các ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam hiện chỉ dưới mức 20. P/E của ngân hàng ACB vào cuối tháng Ba là 11,4, Sacombank là 9,3, Eximbank là 18,1, Techcombank và Đông Á cùng là 19,8, ngân hàng Quân Đội là 13,7, ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) là 9,5. Duy chỉ còn Vietcombank có P/E là 36,9 vào cuối tháng 3, nhưng với mức giá còn 40.000 đồng cuối tuần trước thì P/E của Vietcombank chỉ còn 24,6.  

Hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE) của các ngân hàng trong năm 2008 dự kiến vẫn ở mức cao như ACB 25,3%, Sacombank 20,7%, Techombank 17%, và ngân hàng Quân Đội là 14,1%.   

Và còn đó những tiềm năng

Theo VDSC, ngành ngân hàng trong tương lai sẽ vẫn tiếp tục là một trong những ngành thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư trên cơ sở của những tiềm năng còn chưa được khai thác hết.  

Thứ nhất là tiềm năng của khối khách hàng cá nhân. Hiện Việt Nam chỉ có khoảng 8 triệu dân có tài khoản ngân hàng, khá thấp so với dân số 87 triệu người và vẫn thấp nếu chỉ so với dân số của khu vực thành thị. Động lực giúp gia tăng lượng khách hàng trong tương lai sẽ đến từ quá trình đô thị hóa với tỷ lệ tăng trung bình trên 3,5%/năm từ năm 2000 đến 2007 và cơ cấu dân số trẻ (trên 30% dân số từ 15 đến 30 tuổi). Ước tính, lượng khách hàng tiềm năng của ngành ngân hàng vào khoảng 20 triệu người.

Thứ hai là tiềm năng phát triển dịch vụ tín dụng. Với tốc độ GDP tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển từ sản xuất hàng hóa nhỏ, bao cấp tập trung sang kinh tế thị trường, không chỉ doanh nghiệp tăng nhu cầu vay mở rộng sản xuất kinh doanh mà cá nhân cũng gia tăng vay ngân hàng nhằm đáp ứng các nhu cầu về nhà ở, xe hơi… Bên cạnh mảng tín dụng doanh nghiệp đạt đến mức phát triển ổn định, mang lại nguồn thu chủ yếu của đa số các ngân hàng thì mảng tín dụng cá nhân là một lĩnh vực đầy tiềm năng khi người Việt Nam bắt đầu làm quen với khái niệm vay tiền ngân hàng để tiêu dùng.  

Ngoài ra, lĩnh vực thẻ cũng là một mảng hoạt động tiềm năng của các ngân hàng. Về thẻ tín dụng, hiện có 1,2 triệu người tiêu dùng đủ tiêu chuẩn để được cấp thẻ tín dụng trên tổng số gần 10 triệu dân của 2 thành phố Hà Nội và TPHCM. Số thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ quốc tế phát hành ở Việt Nam đang tăng theo cấp số nhân. Năm 1996, toàn thị trường Việt Nam mới chỉ có 400.000 chủ thẻ nhưng hết năm 2006, con số này đã là 3,5 triệu. Hiện có khoảng 10,5 triệu người Việt Nam có đủ điều kiện mở tài khoản ngân hàng và được cấp thẻ ghi nợ (debit card).  

Một điều hứa hẹn cho sự tăng trưởng tiếp theo của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) là sự dịch chuyển về thị phần giữa khối ngân hàng cổ phần và các ngân hàng quốc doanh. Khối ngân hàng TMCP năm 2007 đã ngoạn mục vượt qua các ngân hàng quốc doanh tại TPHCM về thị phần huy động vốn, đạt mức 47%. Tương tự, thị phần cho vay của khối ngân hàng TMCP vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu với mức 46% trong năm 2007 tại TPHCM.  

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới