Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ phiếu thủy sản: dòng tiền sao mãi thờ ơ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ phiếu thủy sản: dòng tiền sao mãi thờ ơ

Linh Trang

Cổ phiếu thủy sản: dòng tiền sao mãi thờ ơ
Tính đến ngày 15-11-2017, xuất khẩu thủy sản đạt giá trị trên 7,2 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

(TBKTSG) – Trên sàn chứng khoán, mặc dù VN-Index đã liên tục tăng mạnh trong một tháng trở lại đây với sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu nhưng dường như dòng tiền vẫn chưa tìm đến với nhóm cổ phiếu thủy sản.

Diễn biến ngành tích cực

Trái với nhiều dự báo hồi đầu năm, ngành thủy sản đã có mức tăng trưởng cao bất ngờ trong 10 tháng đầu năm nay. Cụ thể, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15-11-2017, xuất khẩu thủy sản đạt giá trị trên 7,2 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng trong tháng 10 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 728 triệu đô la Mỹ.

Tại hầu hết các thị trường trọng điểm (45 thị trường), xuất khẩu thủy sản đều tăng trưởng mạnh trong 10 tháng qua. Đặc biệt, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc có sự tăng trưởng đột biến với mức tăng 68%. Bốn quốc gia mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất là Mỹ (tỷ trọng 17,3%), Nhật Bản (15,6%), Trung Quốc (13,3%) và Hàn Quốc (9%). Các nước Đông Nam Á nói chung chỉ chiếm 7,2% trong tổng kim ngạch, đạt 492 triệu đô la Mỹ, tăng 17% so với cùng kỳ.

Bên cạnh các thị trường trọng điểm, đáng chú ý trong bức tranh ngành thủy sản năm nay là đà tăng mạnh tại các thị trường mới nổi như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Philippines, với mức tăng lần lượt 70%, 71%, 65% và 60,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường Đan Mạch, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 10 tháng qua tăng trưởng 104%, đạt 57,8 triệu đô la Mỹ. Tuy giá trị kim ngạch không lớn, nhưng đây được kỳ vọng là thị trường tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới.

Với những thành quả đã đạt được tính đến thời điểm hiện tại, ngành thủy sản có thể cán mốc 8 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017, vượt mục tiêu đề ra là 7,4 tỉ đô la Mỹ và tăng 14% so với năm 2016.

Cổ phiếu không tích cực tương ứng

Một điểm bất thường là những thông tin tích cực về ngành như sản lượng cao, giá trị xuất khẩu tăng mạnh như trên gần như chưa có tác động tích cực nào đến diễn biến của nhóm cổ phiếu ngành thủy sản. Trên thị trường, ngoại trừ cổ phiếu VHC của Công ty Vĩnh Hoàn, ANV của Công ty Nam Việt vẫn giữ được sự ổn định thì nhiều cổ phiếu khác như MPC, HVG, ABT lại đang đi ngược với xu hướng tích cực của hoạt động sản xuất – kinh doanh của ngành. P/E của nhóm doanh nghiệp thủy sản (9x) hiện đều thấp hơn đáng kể so với thị trường chung (17x). Tuy vậy, nếu phân tích kỹ thì việc nhà đầu tư thờ ơ với cổ phiếu ngành thủy sản trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong thời gian qua liên tục tăng không hẳn là không có lý.

Thứ nhất, hoạt động của các doanh nghiệp thủy sản tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Những rủi ro này không chỉ là điều kiện thời tiết cực đoan dẫn đến nguồn cung bị ảnh hưởng mà còn là những rủi ro đến từ phía cầu. Hai thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ đang thắt chặt việc nhập khẩu bằng các chính sách bảo hộ, áp thuế nhập khẩu mới đối với thủy sản nhập khẩu gây ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, Mỹ cũng kiểm soát chặt hơn về an toàn thực phẩm, ô nhiễm, chất lượng hàng hóa.

Còn châu Âu, hiện vẫn chưa thoát khỏi khó khăn về kinh tế, sức cầu giảm mạnh, lượng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Điển hình là trường hợp của MPC. Dù là doanh nghiệp có nhiều thế mạnh, nhưng những biến động của thị trường xuất khẩu cũng khiến kết quả kinh doanh của MPC trồi sụt. Năm 2014, công ty báo lãi 921 tỉ đồng, đến năm 2015, công ty lỗ gần 7 tỉ đồng. Sang năm 2016, công ty lại báo lãi gần 82 tỉ đồng. Sáu tháng đầu năm nay, MPC ghi nhận lãi sau thuế 158,5 tỉ đồng.

Thứ hai, vấn đề nợ đọng của doanh nghiệp thủy sản là nỗi lo lớn của nhà đầu tư. Hiện tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp thủy sản tương đối cao, trong khi tăng trưởng doanh thu không tốt, đây là điểm nghẽn lớn khiến nhà đầu tư chưa có niềm tin vào cổ phiếu ngành này.

Trường hợp của HVG là một ví dụ. HVG, một thời được mệnh danh là “Vua cá tra” với những khoản lãi rất tốt, nhưng tính đến 30-6-2017, HVG có khoản nợ phải trả 12.354 tỉ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn 7.105 tỉ đồng. Chi phí lãi vay và áp lực trả nợ đang đè nặng lên doanh nghiệp. Năm 2017, HVG đặt mục tiêu doanh thu chạm mốc 20.000 tỉ đồng, lợi nhuận 400 tỉ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2017 cho kỳ kế toán 1-10-2016 đến 31-3-2017 cho thấy, trong kỳ công ty lỗ tới 140 tỉ đồng so với báo cáo tự lập.

Ngoài tỷ lệ nợ cao thì sa đà vào đầu tư ngoài ngành cũng là điểm trừ tại một số doanh nghiệp thủy sản. Có thể nhìn thấy rõ vấn đề này qua câu chuyện của Công ty Nam Việt (ANV). Từng là công ty dẫn đầu trong ngành thủy sản cách đây chục năm nhưng giờ đây Nam Việt đang loay hoay tìm kiếm lợi nhuận do sa đà vào đầu tư ngoài ngành. Nam Việt đã rót gần 1.000 tỉ đồng vào kinh doanh phân bón, bảo hiểm, ngân hàng.

Thứ ba, trong ngắn hạn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng cao nhưng về lâu dài, thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp ngành này vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi giải quyết được bài toán thị trường, có hướng đi mới triển vọng, cổ phiếu thủy sản mới mong thu hút được nhà đầu tư.

Trên sàn chứng khoán, mặc dù VN-Index đã liên tục tăng mạnh trong một tháng trở lại đây với sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu nhưng dường như dòng tiền vẫn chưa tìm đến với nhóm cổ phiếu thủy sản. Ngoài ra, thanh khoản ở mức thấp cũng là một điểm yếu của nhóm cổ phiếu này. Tuy vậy, trong bối cảnh dòng tiền đang không ngừng tìm kiếm những nhóm cổ phiếu chưa tăng, kiên nhẫn tích lũy cổ phiếu ngành thủy sản có thể sẽ giúp nhà đầu tư thu được một khoản lợi nhuận nhất định khi dòng tiền luân chuyển đến nhóm ngành này. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới