Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ quan nhà nước bảo thủ “ngáng chân” kinh tế chia sẻ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ quan nhà nước bảo thủ “ngáng chân” kinh tế chia sẻ

Thuỳ Dung

(TBKTSG Online) – Dữ liệu và thể chế chưa theo kịp sự phát triển của thị trường là những điểm hạn chế, làm “giảm tốc" sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ cũng như gây ra những hệ luỵ kiện tụng sau này.

Cơ quan nhà nước bảo thủ
Hội thảo Đẩy mạnh triển khai đề án thúc đẩy kinh tế chia sẻ diễn ra tại Hà Nội

Theo thông tin tại Hội thảo: “Đẩy mạnh triển khai đề án thúc đẩy kinh tế chia sẻ" diễn ra ngày 10-10 tại Hà Nội, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12-8-2019 nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển kinh tế số.

Tại hội thảo, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng cho hay đề án dù hay nhưng việc nó có đi vào được cuộc sống hay không lại là vấn đề khác.

Thực tế, Việt Nam có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế chia sẻ. Mới đây, Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company công bố báo cáo mới nhất về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019). Theo đó, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 12 tỉ đô la  Mỹ năm 2019 và đạt 43 tỉ đô la vào năm 2025, với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Năm nay Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone). Theo tỷ lệ, nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc.

Tuy nhiên, để thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ, theo ông Hòe, Việt Nam gặp phải hai thách thức lớn, trong đó đầu tiên là vấn đề thể chế. “Thị trường bao giờ cũng đi trước nhưng cơ quan nhà nước thì bảo thủ, thậm chí trì trệ”, ông Hoè nói.

Thách thức thứ hai là thiếu cơ sở dữ liệu. Ông Hòe dẫn lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi cho rằng có tới 50% các bộ ngành không chịu chia sẻ dữ liệu. Như vậy sẽ khó có thể phát triển được nền kinh tế chia sẻ, lĩnh vực dựa trên phân tích dữ liệu lớn.

“Chúng ta có tiềm năng phát triển kinh tế chia sẻ nhưng lại thiếu hai điểm quan trọng nhất là thể chế và cơ sở dữ liệu", ông Hoè nói và cho biết thêm, điều này sẽ dẫn tới rủi ro đổ vỡ, kiện tụng sau này liên quan tới sự phát triển không kiểm soát của nền kinh tế chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, đồng thời cho phép thử nghiệm các mô hình tiên phong. Thay vì tư tưởng không quản được thì cấm, nhà nước nên dỡ bỏ rào cản pháp lý không phù hợp.

Đồng quan điểm, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật nhận xét, các quy định cũ về định danh dịch vụ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hợp đồng, thuế đã trở nên chật hẹp với những phát triển mới của kinh tế. Chính phủ nên tiếp cận theo hướng cởi bỏ các điều kiện kinh doanh thay vì áp dụng các điều kiện kinh doanh gò bó của mô hình kinh doanh truyền thống lên các mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo. Trong quá trình quản lý các nền tảng, Nhà nước cần chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ các đối tác yếu thế trong giao dịch.

Mời đọc thêm:

Kinh tế chia sẻ: Cần cơ chế thử nghiệm công nghệ mới

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới