Cơ quan nhà nước khát nhân lực CNTT
![]() |
Gần 200 sinh viên ngành phần mềm và mỹ thuật đa phương tiện của Aptech chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp, nhưng trong số này, liệu có mấy người xin về cơ quan nhà nước – Ảnh: APTECH |
(TBKTSG Online) – Trong khi giới doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) dùng đủ mọi cách để thu hút nguồn lao động chất lượng cao, thì các cơ quan nhà nước đang phải chứng kiến ngày càng có nhiều nhân viên “khăn gói ra đi” do lương kém hấp dẫn và môi trường làm việc không như mong đợi.
Nghỉ việc: SOS!
Trong buổi đi thăm và làm việc với Sở Bưu chính-Viễn thông TPHCM ngày 25-2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp có đề cập đến chất lượng nguồn nhân lực của Sở Bưu chính-Viễn thông TPHCM và yêu cầu Sở Bưu chính – Viễn thông TPHCM cần chăm lo hơn nữa cho công tác đào tạo cũng như bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là những kỹ sư phần mềm giỏi.
Giải trình về vấn đề này, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính-Viễn thông TPHCM, cho biết hiện tại Ban giám đốc Sở Bưu chính-Viễn thông TPHCM chỉ có 2 người. Mỗi phòng ban có 1 người phụ trách nhưng không phải là trưởng, phó phòng còn một số cán bộ chủ chốt và chuyên viên giỏi đã xin chuyển công tác.
Không chỉ Sở Bưu chính-Viễn thông TPHCM, nhiều sở bưu chính viễn thông khác trên cả nước cũng đang đau đầu trước nạn chảy máu chất xám. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Sở Bưu chính-Viễn thông Hà Nội, cho biết: “Tuy chưa thể thống kê con số nhân viên xin nghỉ việc là bao nhiêu, song theo quan sát của tôi, thì hiện đã có rất nhiều người chuyển sang làm cho các doanh nghiệp CNTT tại địa phương. Chúng tôi đã cố gắng giữ chân họ bằng các khoản phụ cấp. Tuy nhiên, cũng chẳng ăn thua gì!”.
Tình cảnh gần như tương tự đối với tỉnh Bắc Ninh. Ông Ngô Vĩnh Sinh, Giám đốc Sở Bưu chính-Viễn thông tỉnh, dẫn chứng rất nhiều trường hợp bị mất nhân viên ngay trong dự án xây dựng cổng thông tin điện tử của địa phương này. Ông Ngô Vĩnh Sinh chia sẻ: “Những người vừa làm được việc thì lại bắt đầu kéo nhau ra Hà Nội. Chúng tôi đã tuyển được những sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội loại ưu, cho họ vào thẳng biên chế và thưởng “nóng” 5 triệu đồng ngay khi tuyển dụng. Nhưng 6 tháng sau, họ đã sẵn sàng trả lại số tiền thưởng này để được chấm dứt hợp đồng lao động với chúng tôi”.
Theo ông Đặng Kim Giao, Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ Xây dựng, trung tâm này đã gần như mất sạch lực lượng chủ chốt. Nhân viên nào “tình cảm sâu nặng” lắm cũng không quá 1-2 năm là xin nghỉ việc. Năm ngoái, trung tâm của ông đã bị một cú sốc lớn khi có đến 4 nhân viên “trụ cột” quyết định chia tay. Phòng phát triển phần mềm từ 5 người giờ chỉ còn lại 3. Điều đáng lo ngại nhất ở đây chính là việc nhân viên mới không thể lấp được khoảng trống quá lớn của những người đã xin nghỉ.
Ông Đặng Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Bưu chính-Viễn thông TP Cần Thơ, cho rằng rất khó để xin tuyển thêm người. Đến khi tìm được người rồi, chưa chắc có thể sử dụng họ được ngay. Dùng được họ rồi nhưng lại không có chính sách hấp dẫn để giữ chân họ thì họ sẽ ra đi. Lại tiếp tục trở về bước đầu tiên. Cái vòng lẩn quẩn cứ thế tiếp diễn.
Bài toán lương và môi trường làm việc
Nhiều lãnh đạo của các sở bưu chính viễn thông cho rằng chính sách lương bổng như hiện nay dành cho nhân viên CNTT làm việc tại các cơ quan nhà nước là rất thấp và do đó không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp CNTT về phương diện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một nhân viên mới ra trường thường được trả lương ngân sách theo hệ số (mức 540.000 đồng x hệ số 2,34). Nếu không có gì thay đổi, thì cứ cách 3 năm, họ sẽ được xét tăng lương một lần. Chế độ trợ cấp cũng chỉ có thể tăng thêm thu nhập hàng tháng cho nhân viên khoảng 700.000 – 1 triệu đồng, tùy vào học vị. Trong khi đó, mặt bằng lương kỹ sư CNTT mới ra trường thường được nhiều doanh nghiệp áp dụng là 3 triệu đồng/tháng. Sau đó, trung bình mỗi năm, thu nhập của họ được tăng thêm 15-20%. Nhân viên giỏi có thể được tăng đến 50% lương sau chỉ một năm làm việc cho doanh nghiệp.
Một số nhân viên cho biết họ quyết định chia tay với các cơ quan nhà nước để làm cho doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là do họ “tham” tiền, mà một phần còn do môi trường làm việc. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Sở Bưu chính-Viễn thông Hà Nội, phân tích: “Cán bộ tin học có 2 đam mê: hiệu quả nghề nghiệp và hiệu quả kinh tế. Họ có thể tạm chấp nhận mức lương chưa hấp dẫn để gắn bó với các cơ quan nhà nước. Nhưng bù lại, môi trường làm việc phải thật sự lý tưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, tiến độ cải cách hành chính và ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước còn quá chậm. Nhân viên rất muốn được tạo cơ hội cải thiện kiến thức và tay nghề. Nhưng hạ tầng lại thiếu thốn nhiều thứ và chưa được quan tâm đầu tư. Chỉ những nhân viên độ từ 42 tuổi trở lên còn ở lại do họ cũng đã “trụ” được đến tận bây giờ và công việc của họ tương đối ổn định cũng như cố định”.
Liệu chính sách lương bổng và môi trường làm việc có phải là 2 nguyên nhân duy nhất khiến cho nạn chảy máu chất xám, nguồn lực CNTT trong các cơ quan nhà nước ngày càng trở nên trầm trọng?
Đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần sớm ngồi lại với nhau để nhanh chóng tìm lời giải cho bài toán này. Không thể để các cơ quan nhà nước phải “một mình, một ngựa” cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao với các doanh nghiệp CNTT, bởi lẽ nếu xét về nhiều mặt, đây quả thực là một “cuộc chiến” không cân sức.
BẢO NGUYÊN (lược ghi)