Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có sinh nhưng không dưỡng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có sinh nhưng không dưỡng

Ngọc Lan

Thời gian qua, Vinashin “đẻ” ra nhiêu công ty con, liên doanh, liên kết nhưng hoạt động không hiệu quả. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Năm 2007, trong đà bùng nổ thành lập các công ty con, công ty liên kết của các tập đoàn kinh tế nhà nước, Vinashin dẫn đầu với 147 công ty như thế. Báo cáo của Bộ Tài chính thống kê trong năm đó cho thấy, cứ trung bình 1,69 ngày (trừ đi hai ngày nghỉ cuối tuần), một công ty mà Vinashin hoặc các công ty con của Vinashin góp vốn theo các hình thức liên doanh, liên kết ra đời.

>> “Đóng cọc” các dự án đóng tàu!

Và hai năm sau, ở thời điểm hiện nay, nhiều công ty trong số này đang đứng trước hàng loạt các vấn đề nợ đọng mà nguyên nhân không hẳn là do hoàn cảnh khách quan, thua lỗ trong thời điểm suy giảm kinh tế. Vinashin Hạ Long là một trong những trường hợp như thế.

Ông Trần Thanh Cảnh là Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh khai thác hạ tầng Vinashin Hạ Long (gọi tắt là Vinashin Hạ Long), một công ty mà công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân (gọi tắt là Vinashin Cái Lân) – một công ty hạch toán phụ thuộc của Vinashin giữ cổ phần chi phối 51% trong tổng số 85 tỉ đồng vốn điều lệ.

Ông Cảnh cho biết, trong số vốn điều lệ 85 tỉ đồng Vinashin Cái Lân được tập đoàn Vinashin “mẹ” ở Hà Nội ký văn bản cho phép góp vốn vào Vinashin Hạ Long tính ra 20% là vốn bằng thương hiệu tập đoàn (giá trị thương hiệu này được các bên quy thành 17 tỉ đồng), 31% phần vốn còn lại là tiền mặt mà phía Vinashin Cái Lân phải góp để hình thành nên 51% cổ phần (43,350 tỉ đồng).

“Nhưng hơn ba năm qua, Vinashin Cái Lân không góp một đồng vốn nào và công ty chúng tôi cũng chưa có cuộc họp Hội đồng quản trị thường niên nào, trừ cuộc họp Hội đồng quản trị bất thường lần đầu tiên được tổ chức hôm 2-7-2009, khi mà vài ngày trước đó, Vinashin Cái Lân có văn bản đề nghị thoái vốn vì lý do khó khăn về tài chính”, ông Cảnh nói và nhắc lại: “Thực tế họ có góp đồng nào đâu mà thoái vốn”.

Và cũng theo lời vị tổng giám đốc này, dù được đốc thúc nhiều lần về việc góp vốn và triệu tập họp Hội đồng quản trị bằng văn bản, nhưng lãnh đạo Vinashin Cái Lân đều trì hoãn hoặc không hồi âm.

Ở một góc độ khác, ông Cảnh thừa nhận Vinashin Hạ Long ra đời ở thời điểm đó chỉ nhằm mục đích “hứng” các hợp đồng làm hạ tầng kỹ thuật, san lấp mặt bằng giai đoạn 1 khu kinh tế Hải Hà (Quảng Ninh) mà Vinashin Cái Lân là chủ đầu tư, ngoài ra không nhận bất cứ một dự án kinh doanh nào khác. Họ lại đi thuê tiếp chín nhà thầu phụ khác thực hiện các phần của gói thầu san lấp mặt bằng khu kinh tế Hải Hà.

Tuy nhiên, Vinashin Hạ Long và các nhà thầu phụ không thể đi cùng nhau đến cuối con đường vì bốn tháng sau khi dự án khởi công, phía Vinashin Cái Lân đột ngột thông báo dừng thi công, không rõ lý do, và chỉ thanh toán được cho các nhà thầu 36% khối lượng công việc thực hiện.

Vấn đề nằm ở chỗ Vinashin Cái Lân dù là cổ đông chi phối ở Vinashin Hạ Long nhưng các bên ràng buộc nhau bằng các hợp đồng kinh tế cụ thể. Và trong quá trình thực hiện hợp đồng, Vinashin Hạ Long và chín nhà thầu phụ khác đều đi vay tiền bên ngoài để chi trả các phần việc, đợi Vinashin Cái Lân thanh toán sau khi đã có hồ sơ nghiệm thu “cuốn chiếu”, hay nói đơn giản là làm tới đâu thanh toán tới đó.

Tổng số nợ của Vinashin Cái Lân hiện cần phải thanh toán cho các doanh nghiệp một năm rưỡi qua, kể từ ngày dự án dừng trước Tết Nguyên đán năm 2008 đến nay là 150 tỉ cả tiền gốc và lãi. “Phần lớn số tiền bị nợ này chúng tôi cũng phải đi vay tín dụng “ngoài luồng” vì doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, không có hồ sơ dự án nên không ngân hàng nào cho vay cả”, ông Cảnh cho biết.

Bài toán đòi nợ Vinashin Cái Lân cứ thế diễn ra một năm rưỡi nay mà chưa có hồi kết. Kể cả hôm 18-6, UBND tỉnh Quảng Ninh phải triệu tập một cuộc gặp giữa con nợ và 10 chủ nợ, có mặt cả Phó tổng giám đốc tập đoàn Vinashin Lê Lộc nhưng tất cả lời hứa trả nợ của Vinashin Cái Lân với chính “con đẻ” của mình không được thể hiện bằng văn bản.

Thậm chí, như đã nói ở trên, hôm 15-6, Vinashin Cái Lân còn có văn bản về việc chuyển nhượng cổ phần, thoái vốn ở Vinashin Hạ Long. Phía Vinashin Hạ Long khi vừa nhận được văn bản thoái vốn đã ra thông báo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cùng các cơ quan tài chính, thuế, ngân hàng thông báo về việc ngừng chuyển và nhận tiền (nếu có) thông qua các tài khoản của Vinashin Cái Lân có liên quan đến Vinashin Hạ Long.

“Chúng tôi đang đứng trên bờ vực phá sản vì nợ nần không được thanh toán”, ông Cảnh khẳng định trong lá đơn gửi đi nhiều cơ quan trung ương và báo chí.

“Con ngoan, con hư”

Phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vinashin Cái Lân.

TBKTSG: Thưa ông, những thông tin trong các văn bản, kiến nghị mà Vinashin Hạ Long gửi tới các cơ quan chức năng về khoản 150 tỉ mà Vinashin Hạ Long nợ họ và chín công ty khác sau khi san lấp một phần hạ tầng khu kinh tế Hải Hà có đúng không?

– Ông Nguyễn Quốc Hùng: Đúng là các công ty đã thực hiện san lấp hạ tầng một phần, thực hiện được khoảng 100 héc ta trong tổng số 5.000 héc ta ở khu kinh tế này. Do khủng hoảng về tài chính, các đơn vị góp vốn gặp khó khăn nên dự án đang tạm ngừng. Hôm 18-6 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức một cuộc họp giữa chúng tôi là chủ đầu tư với các nhà thầu, xác định rõ trách nhiệm của từng bên.

Họ muốn được thanh toán thì phải chờ hoàn tất hồ sơ thanh toán. Sau khi đã có kết quả làm việc như vậy mà Vinashin Hạ Long vẫn thông tin qua nhiều kênh thì khó chấp nhận vì họ chỉ là công ty “con” của Vinashin, công ty “cháu” của tập đoàn Vinashin mà thôi.

TBKTSG: Nhưng thưa ông, Vinashin Cái Lân dù là công ty “mẹ” của Vinashin Hạ Long thì các bên vẫn làm việc với nhau trên cơ sở các ràng buộc về hợp đồng kinh tế. Vậy hướng giải quyết việc này cụ thể là như thế nào và đến khi nào thì các công ty nhận thầu cho Vinashin Cái Lân được thanh toán như hợp đồng đã cam kết là theo hình thức “cuốn chiếu” (làm tới đâu thanh toán tới đó)?

– Đến tháng này chúng tôi sẽ giải quyết công nợ theo đúng trình tự dự án đã thực hiện sau khi nghiệm thu.

TBKTSG: Nhưng dự án đã tạm dừng từ tháng 2-2008 đến nay và đó là một khoảng thời gian quá dài để các nhà thầu chờ đợi?

– Trong tháng 7, tình hình kinh tế khả quan hơn, dự án sẽ tiếp tục khởi động và lý do từ nhà thầu chỉ là một phần nhỏ, chủ yếu do ảnh hưởng của khủng hoàng tài chính.

TBKTSG: Trong lúc này, lý do nào Vinashin Cái Lân ký quyết định rút vốn khỏi Vinashin Hạ Long?

– Do Vinashin Hạ Long thiếu hợp tác, không đàng hoàng nên chúng tôi muốn dừng vì không thể để thương hiệu bị hủy hoại. Đó là cách chúng tôi phải làm.

TBKTSG: Nhưng thực tế Vinashin Cái Lân đã góp vào Vinashin Hạ Long phần vốn góp bằng tiền nào chưa, ngoài 20% số vốn tính bằng thương hiệu?

– Đúng là chúng tôi chưa đóng phần vốn bằng tiền ngoài 20% vốn góp bằng thương hiệu nhưng trong tuần tới Hội đồng quản trị Vinashin Hạ Long, mà cổ đông lớn nhất là Vinashin Cái Lân sẽ xem xét việc sử dụng đồng vốn ở doanh nghiệp này như thế nào,việc góp vốn của các cổ đông khác ra sao.

TBKTSG: Thưa ông, hiện Vinashin Cái Lân góp vốn, liên doanh, liên kết ở bao nhiêu doanh nghiệp? Và có nơi nào xảy ra tình trạng tương tự như trên?

– Vinashin Cái Lân có tám công ty “con” và tính cả liên doanh, liên kết tổng số là 10 công ty. Tuy nhiên, chuyện ở Vinashin Hạ Long là cá biệt, tương tự như trong gia đình có đứa con “ngoan”, đứa con “hư”

Ngọc Lan thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới