Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ sở nào để Đà Nẵng thu hút FDI đạt 7 tỉ đôla vào năm 2030?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ sở nào để Đà Nẵng thu hút FDI đạt 7 tỉ đôla vào năm 2030?

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Thành phố Đà Nẵng đang có tham vọng đến năm 2030 thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký đạt 7 tỉ đô la, trong đó có ít nhất 1 tập đoàn thuộc top 200 doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Cơ sở nào để Đà Nẵng thu hút FDI đạt 7 tỉ đôla vào năm 2030?
Lũy kế vốn FDI tại Đà Nẵng qua từng năm. Ảnh và đồ họa: Nhân Tâm

Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 331 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 105.000 tỉ đồng và 805 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,43 tỉ đô la. Điều đó, có nghĩa trong 10 năm tới, thành phố cần thu hút thêm hơn 3,5 tỉ đô la nữa để đạt được tham vọng này.

Đây là nội dung chính trong Chương trình số 44-CTr/TU do Thành ủy Đà Nẵng ban hành nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo đó, Đà Nẵng chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Quan điểm của thành phố là đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư; đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.

Theo chủ trương này, thành phố miền Trung kỳ vọng 10 năm sau, vốn thực hiện đạt 80% vốn đăng ký. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường hướng đến công nghệ cao tăng 100% so với năm 2018. Tỷ lệ nội địa hóa đạt 40%. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động đạt 80%.

Có những cơ sở để Thành ủy Đà Nẵng đưa ra những kỳ vọng này. Đó là những dự án lớn mà thành phố sắp triển khai như cảng Liên Chiểu (4.000 tỉ đồng vốn đầu tư tư nhân) hay kêu gọi đầu tư như Nhà hát lớn thành phố (50.000 tỉ đồng) hay hệ thống tàu điện ngầm (54.500 tỉ đồng) bên cạnh các dự án vào khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, việc thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn vào Đà Nẵng dường như là một thách thức trong nhiều năm qua.

Lấy ví dụ gần nhất, trong năm ngoái, thu hút FDI đạt được 690,76 triệu đô la, bao gồm 132 dự án cấp mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký 438,042 triệu đô la, 16 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 117,38 triệu đô la; 210 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp với giá trị 135,334 triệu đô la.

Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cũng được kỳ vọng rất nhiều. Khu có tổng diện tích đất theo quy hoạch là 1.128,4 ha, trong đó diện tích đất có thể cho thuê là 337,82 ha. Cho đến hết năm 2019, diện tích đất đã cho thuê chỉ là 85,15 ha với 17 dự án đầu tư, bao gồm 9 doanh nghiệp FDI và 8 doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, chỉ mới có 5 dự án đã đi vào hoạt động.

Đà Nẵng: Đã có 2 doanh nghiệp trong KCN đóng cửa vì Covid-19

Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 2 doanh nghiệp là Công ty Việt Hồng và Công ty Khang Thông với khoảng 100 lao động ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Công ty Foster chuyên sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu giảm 520 lao động do không có đơn hàng. Có 55 doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động do người lao động xin tạm nghỉ việc để chăm con nhỏ nghỉ học.
Nhiều doanh nghiệp chủ yếu hoạt động cầm chừng và khác với mọi năm, đầu năm nay gần như không có doanh nghiệp nào ở các khu công nghiệp thông báo tuyển lao động.

Hiện số chuyên gia, lao động nước ngoài được cấp phép làm việc ở các đơn vị trong các khu công nghiệp là 301, trong đó có 55 người Trung Quốc.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới