Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có thành công nhưng chưa thể là bước ngoặt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có thành công nhưng chưa thể là bước ngoặt

Người biểu tình phản đối hội nghị thượng đỉnh G-20 ở London.

(TBKTSG) – Sau Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại London vừa qua, Tổng thống Obama cho rằng “đây là bước ngoặt” cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Có thật như vậy chăng? Chúng ta hãy điểm lại xem những thành công nào đã được gặt hái từ hội nghị này.

Kết quả hữu ích nhưng không nên phóng đại

Kết quả đạt được tại hội nghị lần này có những hữu ích nhất định. 1.100 tỉ đô la Mỹ được chi để hồi phục kinh tế và thúc đẩy thương mại thế giới là một tin tốt (dù một phần lớn trong số đó sẽ vào túi Quỹ Tiền tệ quốc tế – IMF), làm giảm nỗi lo về chuyện suy giảm thương mại và quay lại thời kỳ của chủ nghĩa bảo hộ.

Mặt khác, việc có thêm nhiều tiền cho một định chế quan trọng như IMF làm sống lại một số hy vọng cho các nước đang phát triển, một động lực quan trọng của kinh tế thế giới (500 tỉ trong số 1.100 tỉ đô la Mỹ là tiền cấp mới cho IMF). Thêm nhiều quy định mới để quản lý các quỹ đầu cơ (hedge funds) và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng là điều tốt, nếu ta nhớ lại rằng các tổ chức này có dính líu không ít thì nhiều trong chuyện tạo ra bong bóng tài sản quá mức dẫn đến khủng hoảng.

Nhưng nhìn chung, có lẽ lợi ích của hội nghị này chỉ giới hạn ở mức tạo ra một tâm lý tốt hơn cho các thị trường đầu tư hơn là giúp ích thật sự cho kinh tế thế giới.

Ở một góc độ nào đó, các kết quả của hội nghị có thể thúc đẩy niềm tin của những người chấp nhận rủi ro trên thế giới, khiến họ mua vào các tài sản có rủi ro như cổ phiếu và chịu chi thêm tiền mua bất động sản và tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với kinh tế thế giới, có vẻ như hiệu ứng G-20 là khá giới hạn.

Người ta có thể nhầm lẫn khi nhìn vào một con số khác trong hội nghị này là 5.000 tỉ đô la Mỹ mà Thủ tướng Anh Gordon Brown đề cập. Đây là con số mà các quốc gia sẽ chi tiêu thông qua hệ thống các gói kích cầu của mình tính đến… cuối năm sau. Và đây là con số ước tính. Mặt khác, một phần không nhỏ trong số tiền này đã được chi ra và chúng ta cũng nghe về nó nhiều lần trước đây.

Mỹ có mục tiêu thúc đẩy các nước cam kết chi tiêu nhiều hơn và đặc biệt mong đợi khối EU sẽ có những gói kích cầu mới để giúp kinh tế thế giới hồi phục. Kết quả là Mỹ không thành công trong mục tiêu này. Các nước khối EU muốn ngồi chờ xem kết quả của tiền kích cầu đã chi ra đem lại lợi ích gì rồi mới tính tiếp. Vì vậy, 5.000 tỉ đô la Mỹ này mang ý nghĩa thống kê tạm thời hơn là ý nghĩa tin tức mới.

Điểm thứ hai, là về số tiền vốn khổng lồ mới cấp cho IMF. Như quan ngại của Giáo sư Arvind Subramanian thuộc Đại học Johns Hopkins, số tiền này sẽ không dễ dàng giải ngân như con số 5.000 tỉ đô la Mỹ chi tiêu qua kích cầu. Đó là vì IMF có những “đòi hỏi” về cải cách nhất định cho nước đi vay tiền của IMF, và do đó không phải nước nào cũng thích sự hỗ trợ của IMF. Vì vậy, việc chuyển 500 tỉ đô la Mỹ này cho các nền kinh tế đang phát triển không phải dễ dàng.

G-20 khiến người mua vàng bị thiệt

Tại hội nghị, các nước đã đồng thuận là IMF nên dùng tiền và dự trữ để hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển. Như vậy, IMF sẽ bắt đầu bán vàng trong dự trữ ra để lấy tiền cho các nước nghèo vay. Áp lực này sẽ tạm thời tạo sức ép mạnh lên giá vàng, khiến nhiều nhà đầu tư vàng từ vị thế người mua chuyển sang người bán trong ngắn hạn. Trong điều kiện sức mua vàng vật chất ở Ấn Độ yếu và tình hình tăng điểm của khối tài chính, những nhà đầu cơ sẽ thích đầu cơ vào xu thế giảm giá ngắn hạn của vàng hơn là xu thế tăng giá. Do đó, trong ngắn hạn, một đợt điều chỉnh giảm giá của vàng đã bắt đầu.

Còn trong số 250 tỉ đô la Mỹ dưới dạng SDR (Special Drawing Rights – một đơn vị dự trữ của IMF) sẽ được “phân chia” cho các nước thành viên IMF, thì phần nhiều trong số đó sẽ quay lại với các nước đã phát triển, không giúp ích gì cho các nước đang phát triển và nước nghèo. Ngoài ra, một lượng tăng 250 tỉ đô la Mỹ dưới dạng SDR có tương đương việc tạo tiền mới hay không còn là một vấn đề phải bàn cãi.

Điều thứ ba, là về số 250 tỉ đô la Mỹ tài trợ tín dụng thương mại. Số tiền này không phải tự nhiên thích cấp cho ai cũng được và không có bằng chứng nào nói là tín dụng thương mại cấp thêm thì thương mại thế giới sẽ tăng trưởng thêm. Quan trọng là người mua, người bán có còn duy trì hoạt động không. Với lại, những nước còn nhiều dự trữ ngoại hối như Trung Quốc, Ấn Độ không phải là đối tượng được tài trợ tín dụng kiểu này mà phải là các nước rất nghèo không có tiền trả tiền nhập khẩu. Vậy còn quá sớm để kết luận hiệu quả của số tiền 250 tỉ đô la này.

Đó là mới xét ở khía cạnh tiền bạc. Còn xét ở khía cạnh định chế kiểm soát kinh tế thế giới, như nhìn nhận của nhiều người, thành quả của hội nghị gần như là con số không. Đề xuất về đồng tiền dự trữ mới của Trung Quốc không được quan tâm. Đề xuất kiểm soát hệ thống tài chính cuối cùng không đạt được sự đồng thuận cụ thể nào. Và do đó, hai trung tâm tài chính lớn là Anh và Mỹ tỏ ra hài lòng: họ giữ lại được quyền tự do cho hệ thống tài chính của mình, là trọng tâm tạo ra sức phát triển cho những trung tâm này và cũng là nguyên nhân tạo ra khủng hoảng. Và không lạ gì khi gần như đồng thời với hội nghị này, Mỹ nới lỏng các quy định kế toán gắn với giá trị thị trường của tài sản tài chính, giúp các định chế tài chính được nhiều “không gian sáng tạo” hơn với các số liệu kế toán của họ trong các khoản mục đòi hỏi kế toán theo giá trị thị trường hay kế toán theo giá trị hợp lý.

Chúng ta cũng không thấy một sự đồng thuận cụ thể nào trong việc giải quyết các “tài sản độc hại” trong những cuộc thảo luận tại London. Nói như một số nhà quan sát, hội nghị lần này đạt những kết quả nhằm trị được vết thương bề ngoài của cơn khủng hoảng, nhưng không trị tận gốc. Nhưng cũng dễ hiểu, nếu trị tận gốc, có thể làm mất đi khả năng sáng tạo và sức sống của các trung tâm tài chính. Và một trong những nạn nhân sẽ là hai nền kinh tế Anh và Mỹ: một là chủ nhà của hội nghị và một là tiếng nói quan trọng nhất của hội nghị.

Một điểm cân bằng mới của kinh tế toàn cầu: lạm phát cao hơn và đô la Mỹ yếu hơn?

Dù kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này có hay không có tạo ra bước ngoặt của kinh tế toàn cầu, nó vẫn gợi ý về một điểm cân bằng mới của nền kinh tế thế giới. Với những con số 5.000 tỉ rồi 1.100 tỉ đô la Mỹ, ta dễ dàng hình dung một lượng tiền lớn đã và sẽ được bơm vào nền kinh tế thế giới với mức lãi suất rất thấp. Nguy cơ tái lạm phát vì vậy sẽ trở lại, vấn đề chỉ là thời gian.

Mặt khác, kinh tế Mỹ tiếp tục suy yếu với lãi suất thấp của đồng đô la cộng với một mức chi tiêu khổng lồ của Chính phủ Mỹ sẽ dẫn đến sức ép giảm giá của đồng đô la trong tương lai. Về mặt lý luận điều này là bình thường. Vấn đề là châu Âu và Nhật cũng lâm vào tình trạng suy yếu tương tự như Mỹ. Do đó, quá trình mất giá của đô la Mỹ có thể sẽ chủ yếu diễn ra với tài sản dự trữ đối ứng là vàng. Nếu kịch bản này diễn ra, thì sau khủng hoảng, là một mức cân bằng mới: đô la yếu, lạm phát tăng, và đối tượng hưởng lợi sẽ là vàng. Và có thể, trong vòng mấy tháng nữa, các nhà đầu tư trên thị trường sẽ không lo sợ tin khủng hoảng nữa, vì họ sẽ bắt đầu chiết khấu kịch bản mới vào trong giá tài sản tài chính: đô la Mỹ yếu và lạm phát chứ không phải khủng hoảng.

Nếu như vậy, một loạt bong bóng mới sẽ hình thành: bong bóng cổ phiếu, nhà đất trở lại, và bong bóng ngân sách phình to. Đối với Việt Nam, nó sẽ tạo ra một sức ép khác lên tỷ giá nhưng cũng tạo ra cơ hội làm giàu mới từ những quả bong bóng cổ phiếu và bất động sản, hoặc là vàng. Cách cần thiết để hạn chế các quả bong bóng này là phải siết lại quy định đối với hoạt động vay tiền để đầu tư hưởng lợi từ các quả bong bóng này.

Thông tin thêm về SDR

SDR – Special Drawing Rights – hiểu nôm na là một đơn vị dự trữ của IMF, một số người hình dung nó như một đơn vị kế toán. Nó được tạo ra để phục vụ cho hệ thống tỷ giá cố định Bretton Woods, do đó, khi hệ thống này sụp đổ, SDR chỉ còn có ý nghĩa như một đơn vị dự trữ, thậm chí chỉ là đơn vị kế toán cho IMF và một số tổ chức quốc tế khác. SDR hiện nay được định giá theo một rổ tiền tệ và giá trị của nó tính theo đô la Mỹ được đăng trên trang web của IMF. IMF sẽ phân phối SDR cho các thành viên của nó theo phần hạn ngạch của họ trong IMF (nên nước giàu sẽ có nhiều hơn). Nếu thành viên nào có nhiều SDR hơn mức nước đó được phân phối, nước đó sẽ được trả lãi suất trên phần giữ nhiều hơn; ngược lại, nước nào giữ ít hơn mức được phân phối sẽ phải trả lãi suất cho phần thiếu hụt. Vì vậy, các nước có thể cho nhau vay mượn SDR, mua bán SDR… Do đó, đợt phân phối thêm SDR lần này của IMF, về lý thuyết, có khả năng tạo ra thanh khoản hơn cho thị trường tài chính và thương mại giữa các nước trong trường hợp khủng hoảng kéo dài hơn và ảnh hưởng đến khả năng tài chính của các nước nghèo (ngân hàng trung ương các nước này có thể đi vay ngoại tệ từ các nước giàu và thanh toán bằng SDR).

HỒ QUỐC TUẤN – Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới