Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có thể bớt phức tạp được không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có thể bớt phức tạp được không?

Danh Đức

(KTSG Online) – Có một vài ý kiến từ người làm báo nước ngoài thắc mắc rằng tại sao ở Việt Nam cứ hay trách là người này người kia “có lịch trình di chuyển phức tạp” khi nói về bệnh nhân mắc Covid-19 nào đó.  Đồng thời, họ còn “lên lớp” rằng “cuộc sống thì ai chẳng có việc này việc kia, đi học, đi làm, đi chơi, đi chợ, cà phê, đi ăn uống, cắt tóc gội đầu, giao lưu bạn bè…, chẳng qua là không may thì bị nhiễm thôi!”.

E rằng cần phải kể lại một chuyện trước đây, người viết bài này có lần gặp gỡ một trưởng ban Việt ngữ của một đài phát thanh ngoại quốc. Lúc đó, người viết chất vấn liệu thông tin có chính xác khi “làm báo” cách xa chục ngàn cây số, và anh trưởng ban này thừa nhận là khó lòng tin tưởng chắc chắn thông tin họ đưa ra.

Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng cái thắc mắc mang tính phê bình nói trên chẳng qua là họ nhìn vấn đề từ khoảng cách… diệu vợi.

Quả là đang ở xa quá, vả lại họ có cách sinh hoạt trong cuộc sống kiểu khác, mà người Pháp thường mô tả ngắn gọn: “metro, làm việc, rồi về ngủ khò” (metro, boulot, dodo). Trong cái guồng máy đó, hiếm có ai tự cho phép tan sở, thậm chí buổi trưa đã rủ nhau đi nhậu. Đó là khác biệt cơ bản với Việt Nam khi mà chuyện dân công sở đi làm rồi đi nhậu đã biến thành một vấn nạn được chế tài hẳn hoi bằng phát luật. Một khác biệt nữa là nền kinh tế ở các nước ấy hầu như chủ yếu là nền kinh tế chính thức, trong khi nền kinh tế “phi chính thức” thì không phổ biến như là ở một nước như Việt Nam.

Thế cho nên, bình thường không sao nhưng khi có dịch bện lây lan thì e là phải nghe theo khuyến cáo không “đi lại phức tạp, không tụ tập quán xá, nhất là không “bay, lắc” trong mấy quán karaoke máy lạnh bít bùng…

Hơn một năm qua, người dân châu Âu thừa hiểu phải tự hạn chế sự đi lại, tụ tập. Mới đây, hôm thứ Tư, 13-5, Chính phủ Anh vẫn còn căn dặn mọi người trên trang web của mình, rằng: “Chỉ giao lưu trong nhà với những người bạn đang cùng sống hoặc những người đang ở trong vòng hỗ trợ của các bạn”; muốn ra khỏi nhà dung dăng dung dẻ thì “tối đa sáu người hoặc hai gia đình có thể gặp gỡ bên ngoài”. Ngoài ra thì vẫn phải “làm việc tại nhà nếu có thể và giảm thiểu việc đi lại”. Họ còn căn dặn kỹ: “Nếu bạn có các triệu chứng, hãy đi kiểm tra và ở yên trong nhà”.

Cuối cùng, để tổng quát hóa nhắc nhở, Chính phủ Anh kêu gọi dân của mình: “tìm hiểu các quy định về những gì có thể và không thể làm”, tức tự hiểu để sống còn và để cho người khác sống với mà không bị lây nhiễm! Thiệt ra, những hạn chế này nay cũng đang được áp dụng ở Việt Nam, chẳng hạn như Đà Nẵng yêu cầu tụ tập tối đa chỉ 5 người khi hiện nay tình hình dịch đã “căng như dây đàn”!

Thành ra, trong dịch tễ, nhất thiết phải biết tự hạn chế, nếu không vì bản thân (vì tự cho là người thuộc tầng lớp “cõi trên”, virus nào “ăn” được), thì cũng vì người khác. Vì tha nhân. Dường như từ ngữ “tha nhân” đã biến mất trong tâm hồn nhiều người ở Việt Nam. Tự hạn chế, tự cách ly không phải do mệnh lệnh từ Nhà nước mà phải vì sự sống còn cho bản thân, người nhà, hàng xóm… Như một ông hưu trí kia mỗi khi đi bệnh viện tái khám định kỳ, về tới nhà, 15 phút sau nhắn tin cho vợ: “Anh đã về tới nhà, đã cởi hết quần áo bỏ trong máy giặt, nhốt các ông bà virus trong đó, nhấn máy giặt với nhiều xà bông hơn chút, đã tắm rửa kỳ cọ kỹ hơn bình thường cho sát khuẩn thêm chút nữa”.

Tự do đi đôi với trách nhiệm, một học sinh lớp 12 trước đây nhất định phải học điều đó trong môn Đạo đức học. Giờ đây, chính là bớt phức tạp đi cho thiên hạ nhờ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới