Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có thể giảm lãi suất đến mức nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có thể giảm lãi suất đến mức nào?

Tâm Dân

Khách hàng xem thông tin về lãi suất tại ACB. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Dư luận vẫn tiếp tục lên tiếng về việc lãi suất ngân hàng, đặc biệt là lãi suất cho vay đang tăng cao, tăng nhanh, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Trong phiên họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, tập đoàn và tổng công ty nhà nước vào tuần trước, Chính phủ đã chính thức yêu cầu hệ thống ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay xuống “đến mức thị trường chấp nhận được”.

Theo suy luận đơn giản, lạm phát kỳ vọng năm nay khoảng 7%, lãi suất huy động sẽ ở mức 8-9%/năm, lãi suất cho vay nên duy trì ở mức 11-12%/năm. Tuy nhiên, thực tiễn hầu như không diễn biến theo “phương trình định sẵn”, bởi vì những tín hiệu ghi nhận từ thị trường cho thấy: Lãi suất huy động cộng với các loại khuyến mãi hiện đã lên đến 11-12%/năm, lãi suất cho vay thỏa thuận bình quân từ 14-17%/năm, riêng lãi suất vay tiêu dùng ở các công ty tài chính khoảng 25-30%/năm. Rõ ràng lãi suất huy động đang “thực dương” quá xa so với chỉ số CPI và lãi suất cho vay đang nằm ngoài tầm với của nhiều doanh nghiệp chuyên tâm vào sản xuất kinh doanh thực thụ.

Thực ra đây mới chỉ là bề nổi về “giá cả” của nguồn vốn tín dụng trên thị trường chính thức, chứ chưa đề cập đến thị trường phi chính thức hoặc nhiều loại phí phẩy bất thành văn mà doanh nghiệp buộc phải gồng gánh. Tuy nhiên, dù muốn hay không, một khi đã chấp nhận mô hình kinh tế thị trường, chúng ta không thể (thậm chí không được phép) phủ nhận chức năng định đoạt lãi suất của thị trường – một nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến quan hệ cung cầu vốn. Vấn đề quan trọng là nghệ thuật tác động của các biện pháp điều hành vĩ mô nên như thế nào để có thể lèo lái lãi suất thị trường đi theo “mong muốn chủ quan” của chúng ta?

Hiện tại mọi sự chú ý dường như đang đổ dồn vào Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với kỳ vọng (đôi khi với nhiều ngộ nhận) rằng cơ quan điều hành này sẽ đóng vai trò là tác nhân chính nhằm hóa giải “bài toán lãi suất cao”. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù NHNN luôn ở thế “chủ công” trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng bản thân chính sách tiền tệ luôn có những giới hạn “bất di bất dịch” không được phép vượt qua, đặc biệt là: (1) Không ứng tiền cho chi tiêu công thay cho ngân sách nhà nước; (2) Không tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại để mở rộng tín dụng.

Hiện đây đó vẫn còn nhiều ý kiến yêu cầu NHNN cần chủ động tăng cung ứng tiền hoặc cung ứng tiền với kỳ hạn dài hơn nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, qua đó tạo điều kiện giảm dần lãi suất. Cách đặt vấn đề này tựa như “con dao hai lưỡi”, nếu không được cân nhắc kỹ vô hình trung sẽ tước đi công cụ “thượng phương bảo kiếm” của NHNN trong tư cách là người cầm trịch chính sách tiền tệ quốc gia – một công cụ tối quan trọng để bình ổn kinh tế vĩ mô. Tất nhiên, trong nhiều tình huống vẫn cần có sự ứng xử linh hoạt, với điều kiện NHNN phải chủ động nắm chắc được nhu cầu khả dụng thực chất của nền kinh tế để xác định mức cung tiền hợp lý đi đôi với khả năng thu hồi dòng tiền.

Ở một góc độ khác, cần nhìn nhận rằng vấn nạn lãi suất cao chính là cơ hội tốt không chỉ dành cho các nhà hoạch định chính sách mà cả các nhà quản lý doanh nghiệp phải tự nhìn nhận lại tình trạng “khập khiễng quá đáng” đang diễn ra trên thị trường. Gần như mọi nhu cầu vốn của doanh nghiệp đã và đang đổ dồn lên hệ thống ngân hàng thương mại, trong khi thị trường chứng khoán mặc dù đã khai sinh hơn một thập kỷ nhưng đến nay vẫn chưa thực sự “lớn nổi thành người”? Đây thực chất là một dạng rủi ro tiềm ẩn về mặt chính sách, đồng thời là thử thách vô cùng lớn cho những nỗ lực nhằm điều phối hàng loạt chủ trương khác nhau nhằm hướng đến mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô và vi mô.

Để có thể giảm lãi suất theo định hướng chung của Chính phủ, thiết nghĩ thời gian đến cần tập trung xử lý đồng bộ một số vấn đề chính. Trước tiên, phải thực sự quán triệt quan điểm tôn trọng quy luật thị trường, cần áp dụng triệt để cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động ngân hàng, xem đây là chìa khóa để giải quyết bài toán cung cầu tín dụng về mặt dài hạn, qua đó tạo tiền đề đẩy nhanh tiến trình giảm lãi suất.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò bình ổn thị trường của những “tác nhân có ảnh hưởng lớn” nhằm tác động đến tiến trình kiềm chế lãi suất cao, đi đến giảm dần lãi suất, bằng cách thông qua hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước hoặc Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn có uy tín trong Hiệp hội Ngân hàng… cùng đồng thuận xác lập mức “sàn” hoặc “trần” lãi suất hợp lý, có đủ khả năng dẫn dắt lãi suất thị trường theo chiều hướng tích cực. NHNN cần tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế khuyến khích để hỗ trợ các ngân hàng này thực thi tốt nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, NHNN cần kiên trì với mục tiêu bình ổn giá trị và sức mua đồng nội tệ, tập trung sức hoàn thiện kỹ năng quản lý vĩ mô về chính sách tiền tệ trong nền kinh tế thị trường mang tính hội nhập ngày càng cao, tăng cường năng lực quán xuyến chặt chẽ và có hiệu quả hơn mọi động thái có thể dẫn đến những bất lợi cho thị trường để từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất trong điều hành chính sách hiện nay không phải là cố gắng cắt giảm lãi suất đến một mức cụ thể nào đó mà là cần nỗ lực phấn đấu tạo ra những điều kiện cần và đủ để thị trường có khả năng tự điều chỉnh lãi suất phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế nói chung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới