Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có thẻ thu phí tự động vẫn phải trả tiền mặt ở cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có thẻ thu phí tự động vẫn phải trả tiền mặt ở cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Hệ thống thu phí tự động tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đang áp dụng khác với hệ thống thu phí ở các tuyến quốc lộ nên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khuyến cáo người dùng nên trả bằng tiền mặt.

Có thẻ thu phí tự động vẫn phải trả tiền mặt ở cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
Trạm thu phí Long Phước thuộc đường cao tốc TPHCM – Long Thành- Dầu Giây – Ảnh: Anh Quân

Thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng một số xe dán thẻ Etag (sử dụng công nghệ nhận dạng tự động hiện đang áp dụng cho các trạm thu phí ở các tuyến quốc lộ), khi qua trạm thu phí tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây không thanh toán phí bằng tiền mặt, mà yêu cầu trạm phải trừ tiền phí dịch vụ trên thẻ do xe đã dán thẻ Etag và chủ xe đã nạp tiền vào thẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 15-1,VEC cho biết, từ năm 2017, tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đã áp dụng thu phí tự động không dừng sử dụng công nghệ DSRC (thông tin liên lạc tầm ngắn chuyên dụng; sử dụng OBU-On Board Unit gắn trên xe, tài khoản lưu trong thẻ IC). Hiện nay, công nghệ DSRC, vẫn vận hành tốt, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 500 – 600 lượt xe sử dụng.

VEC giải thích rằng, tại thời điểm đó, ở Việt Nam tồn tại 2 công nghệ thu phí tự động không dừng là DSRC (Dedicated Short Range Communications: thông tin liên lạc tầm ngắn chuyên dụng; sử dụng OBU-On Board Unit gắn trên phương tiện, tài khoản lưu trong thẻ IC) và RFID (Radio-Frequency Identification: nhận dạng tần số vô tuyến; sử dụng thẻ Etag dán trên kính hoặc đèn trước của xe, tài khoản của khách hàng được lưu tại trung tâm thanh toán).

Dù Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2020 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng theo tiêu chuẩn về nhận dạng tần số vô tuyến thụ động (RFID), tuy nhiên, VEC giải thích rằng việc đầu tư thu phí bằng công nghệ RFID phải có lộ trình đầu tư phù hợp và phải được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng. Mặt khác, các tuyến cao tốc do doanh nghiệp này quản lý là những tuyến được xây mới hoàn toàn, không phải là đường độc đạo.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, để đầu tư đồng bộ hệ thống thu phí giữa đường cao tốc và đường quốc lộ, VEC đang chờ cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn. Trong thời gian chờ đầu tư, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây vẫn thu phí tự động bằng công nghệ DSRC đã đầu tư thí điểm trước đây. Khi  nào công nghệ RFID được đầu tư đồng bộ cho hoạt động thu phí tuyến đường cao tốc này, chủ đầu tư sẽ dừng sử dụng thu phí qua OBU sử dụng công nghệ DSRC.

Theo phản ánh của nhiều lái xe, ở tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây để được sử dụng thu phí tự động người dùng phải mua thiết bị OBU (trả phí một lần) với giá hơn 2 triệu đồng/OBU, sau đó phải nạp tiền vào thiết bị để sử dụng. Do phải mua thiết bị nên rất ít xe sử dụng thu phí tự động ở cao tốc TPHCM – Long Thành mà đa phần trả bằng tiền mặt.

Trong khi, ở các tuyến quốc lộ thẻ thu phí tự động được dán miễn phí, tài khoản được liên kết với thẻ ngân hàng nên có thể không cần nạp tiền vào thiết bị.

Việc sử dụng không đồng bộ công nghệ thu phí tự động ở đường cao tốc và quốc lộ khiến người dùng gặp nhiều khó khăn khi đi trên các tuyến cao tốc.

Mời xem thêm:

Thu phí tự động cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây từ 21-8

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới