Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có tiền không dễ mua tiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có tiền không dễ mua tiên

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Thời thế biến đổi ắt khó tránh vật phải đổi chút ít, sao cũng dời chút đỉnh. Ngay cả với lời dạy của tiền nhân cũng thế. Bằng chứng là nếu “ăn được ngủ được là tiên” vẫn đúng thì chưa chắc “có tiền mua tiên cũng được”!

Dĩ nhiên cũng tùy loại… tiên! Cho dù có đủ tiền mua thuốc ngủ loại hàng hiệu thì nhiều người không chỉ về đêm mà thậm chí suốt ngày vẫn khổ sở đủ điều vì… mất ngủ!

Các hãng bảo hiểm y tế ở Âu – Mỹ đã từ lâu không hẹn mà đồng lòng ta thán vì kinh phí cao ngất trời dành cho thuốc ngủ! Không than sao được khi, chỉ nói riêng ở Đức, đêm nào cũng có một phần năm dân số, nghĩa là gần 10 triệu người, uống một loại thuốc an thần nào đó!

Mất ngủ tất nhiên phải dùng thuốc ngủ. Không sai nếu cần thiết. Nhưng xin đừng quên tai hại của thuốc ngủ. Theo một báo cáo gần đây ở Mỹ, người lệ thuộc thuốc ngủ là người dễ bị tai biến mạch máu não!, chưa kể đến nhiều chuyện khác có lợi cho thầy thuốc! Đừng tưởng nhắm mắt thì không thấy gì hết.

Đáng nói hơn nữa là một số không ít nạn nhân đã không phải khổ đến độ tự đầu độc bằng thuốc ngủ nếu hiểu hơn một chút về thực chất của giấc ngủ, thay vì sống với định kiến. Thí dụ:

1. Số giờ ngủ có thể dao động tùy theo nhu cầu của cơ thể. Không nhất thiết phải đủ 8 tiếng cho đủ giờ hành chính! Bằng chứng là Napoleon chỉ ngủ mỗi đêm có vài giờ nhưng vẫn thừa sức cướp xứ người làm vui. Giấc ngủ bao giờ cũng có một điểm tương đồng với nhu cầu thiết thực của con người. Đó là chất lượng quan trọng hơn số lượng.

2. Không ai cần ngủ như ai. Trái lại, cũng không nên ngủ theo kiểu không giống ai. Thói quen thức khuya hay dậy sớm là đặc tính của mỗi người do cơ địa bẩm sinh. Chuyện khoái nằm nướng hay lục đục khăn gói lên đường khi gà mới gáy không hề liên quan đến thói quen hay giáo dục. Do đó không nên gượng ép vì bất lợi cho sức khỏe. Mỗi đối tượng nên tùy theo cá tính mà chọn nghề cho thích hợp. Đừng chọn nghề trực đêm nếu mới 8 giờ tối đã sụp mí mắt.

3. Thời gian để dỗ giấc ngủ không ngắn như dự tính của nhiều người. Trung bình là 30 phút. Khoảng thời gian chập chờn này cũng thay đổi tùy theo hàm lượng dưỡng khí trong não bộ và một số hoạt chất có tác dụng mời gọi giấc ngủ, như tryptophan, serotonin… Ăn quá no, vận động quá nhiều ngay trước khi đặt lưng xuống giường thì mất ngủ là chuyện bình thường. Mất ngủ nhiều khi chỉ vì nạn nhân chính là thủ phạm!

4. Đừng “kinh cung chi điểu” đến độ sợ mang bệnh sau vài đêm mất ngủ. Riêng với doanh nhân thì đó là chuyện cơm bữa trong bối cảnh sinh hoạt với giá vàng, lãi suất, chứng khoán… cứ đua nhau lên xuống bất kể nắng mưa. Mặt  khác, thiệt hại do ngủ đêm không đủ có thể bù trừ dễ dàng nếu biết cách tận dụng giấc ngủ trưa. Kiểu này, nếu theo giọng buôn bán, có lợi hơn nhiều vì thời gian ngủ trưa tuy ngắn nhưng hiệu quả lại rất cao. Đền bù như thế mới khéo làm sao!

Mất ngủ chắc chắn sẽ tiếp tục là vấn nạn trầm kha của thế kỷ 21 vì với cuộc sống theo kiểu “hại điện” thời nay, dù được tiếng văn minh, thì hình ảnh đêm nào cũng ngủ ngon chỉ có trong chuyện… thần thoại!

5. Nhiều người lo sợ vì đêm nào cũng nằm mơ. Sai! Mộng mị là một phần chức năng của giấc ngủ. Mơ càng nhiều càng khỏe, vì theo nhiều nhà nghiên cứu chuyên về giấc ngủ, mơ là biện pháp xả xú páp cho bộ não sau ngày dài quá tải! Chỉ nên đến thầy thuốc khi giấc mơ chỉ toàn ác mộng, không kể trường hợp mơ thấy bà xã!

6. Trái với quan niệm của nhiều người khi bước qua tuổi trung niên, người lớn tuổi không ngủ ít hơn người trẻ. Người già chỉ ngủ ít sâu hơn nên dễ mệt hơn khi thức dậy. Tình trạng này tất nhiên không nên kéo dài mà phải được can thiệp để dù ở tuổi nào cũng phải ngủ cho ngon. Không có ngoại lệ với chất lượng của giấc ngủ.

7. Tránh dùng thuốc ngủ nếu mới ngủ ít vài ngày. Nên ưu tiên cho phương pháp không dùng thuốc như thiền định, yoga, thư giãn… Nhưng mặt khác, cũng phải dùng thuốc ngủ nếu thấy cần thiết, nếu có chỉ định của thầy thuốc. Trong mọi trường hợp, cần chủ động giảm thiểu liều lượng và thay thế bằng dược thảo một khi giấc ngủ được cải thiện. Quan trọng hơn nhiều là việc tìm cho ra nguyên nhân gây mất ngủ và giải quyết tận gốc thay vì chỉ trông mong vào thuốc vì thuốc nào cũng là thuốc… độc!

8. Đừng tưởng mất ngủ không lây lan. Cũng đừng tưởng “trời kêu ai nấy dạ”! Nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy nếu bạn đồng sàng mất ngủ thì người kia rồi cũng trao tráo thâu đêm. Hiện tượng này càng rõ nét hơn nữa với trẻ con. Cho dù có ngủ trong phòng riêng, trẻ con vẫn mất ngủ nếu cha mẹ lo lắng không yên hay lục đục nội bộ.

9. Tiếng ngáy không là dấu hiệu tiêu biểu cho giấc ngủ say. Đừng cho giấc ngủ điểm thấp nếu không nghe tiếng ngáy. Nhiều khi không ngáy là vì ngủ quá ngon. Ngược lại, nên nhanh chân tìm đến thầy thuốc nếu nhận thấy tiếng ngáy dạo gần đây sao đổi giọng nghe như muốn nghẹt thở cho cả người ngáy lẫn người nghe.

10. Theo Sigmund Freud, mỗi giấc mơ đều có ẩn ức tâm sinh lý phía sau. Không mơ còn khổ hơn mất ngủ vì nhiều hậu quả tâm thể khó lường. Do đó, nên tránh bị mất giấc ngủ trong mấy giờ đầu để đừng để bị phá giấc mơ. Ngủ được cho ngon vài tiếng đồng hồ rồi sau đó nếu phải thức giấc vẫn không có hại cho sức khỏe bằng nằm đủ 8 tiếng nhưng chỉ lơ mơ tơ liễu buông mành.

Mất ngủ chắc chắn sẽ tiếp tục là vấn nạn trầm kha của thế kỷ 21 vì với cuộc sống theo kiểu “hại điện” thời nay, dù được tiếng văn minh, thì hình ảnh đêm nào cũng ngủ ngon chỉ có trong chuyện… thần thoại! Biết vậy thì việc gì phải tự biến giấc ngủ thành cơn ác mộng. Nếu thỉnh thoảng có mất ngủ vài đêm cũng là chuyện rất bình thường trong cuộc đời đằng nào cũng bất thường.

Nếu không sướng được như tiên trên trời vì nằm xuống là ngáy o o thì thà cứ mãn nguyện với kiếp tiên hạ giới phải đọa cho xong. Tức tối với việc mất ngủ làm gì. Chi bằng bình thản chọn lúc trăn trở để thưởng thức một bản nhạc hay, hay khéo hơn nữa, đọc lại vài tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, thay vì “thức lâu mới biết đêm dài” chi cho uổng. Biết đâu bạn đọc sẽ ngủ gà ngủ gật dễ dàng sau khi đọc mấy bài viết nhàm chán của tôi trên trang Sức khỏe. Chữa bệnh không cần dùng thuốc còn gì khéo hơn.

BS. LƯƠNG LỄ HOÀNG – Trung tâm Oxy cao áp, TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới