Coi chừng bẫy năng suất thấp trong ngành dệt may
Đức Tâm
![]() |
Cuộc hội thảo sáng nay, 18-3. Ảnh: Trần Quỳnh |
(TBKTSG Online) – Trong ngành dệt may, các quốc gia đang phát triển dễ rơi vào cái bẫy năng suất lao động thấp và kẹt ở đó nếu quốc gia đó không có những chiến lược, chính sách đúng đắn.
Indonesia là một quốc gia như vậy, theo chia sẻ của ông Gatot Arya Putra, chuyên gia Phân tích chiến lược và Nghiên cứu Indonesia, tại hội thảo “Công nghiệp dệt may Việt Nam trong thời điểm bước ngoặt quan trọng” diễn ra sáng nay, 18-3, tại TPHCM
Phát biểu tại hội thảo, được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cùng Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES), ông Putra nói: "Với Indonesia, dệt may là một ngành quan trọng nhưng chúng tôi đã không có chiến lược đúng đắn và bị rơi vào bẫy năng suất lao động thấp".
Cái bẫy ở đây được ông Putra lý giải do các nước đang phát triển cứ mãi cạnh tranh nhau vì những giá trị rất thấp trong chuỗi giá trị ngành dệt may. Theo đó, giá trị thấp thì trả lương cho nhân viên thấp; mà lương thấp thì chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt chứ còn đâu mà đầu tư cho phát triển nghề nghiệp. Thêm nữa, công nghệ ngành dệt may Indonesia đã rất lạc hậu dẫn đến năng suất thấp nhưng chính phủ lại không có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nâng cấp công nghệ sản xuất.
Để thoát khỏi cái bẫy này, theo ông Putra, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt chính sách công nghiệp và hỗ trợ về tài chính để giúp doanh nghiệp nâng cao được năng suất lao động trong ngành này.
Hàn Quốc và Đài Loan cũng từng đi con đường dệt may và đối mặt với bẫy năng suất lao động thấp, nhưng họ đã vượt qua nhờ những chính sách hỗ trợ hợp lý của Nhà nước để chuyển sang những ngành công nghiệp khác có giá trị cao hơn, ông Putra nói và bổ sung thêm rằng nếu Việt Nam muốn đi theo con đường của Hàn Quốc thì rất cần Chính phủ phải biết làm gì ngay từ hôm nay.
Vậy làm sao để các nước đang phát triển trong ngành dệt may tránh cuộc đua về giá để cùng kéo nhau xuống đáy?
Giáo sư Mustafiz Rahman thuộc Trung tâm đối thoại Chính sách Bangladesh đề xuất giải pháp các quốc gia trong ngành dệt may cần liên kết lại với nhau để thống nhất một mức giá sàn nhằm chia sẻ lợi ích thích đáng trong chuỗi giá trị ngành dệt may.
Về ý kiến này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng sẽ thật lý tưởng nếu các chuyên gia kinh tế thuyết phục được Chính phủ các quốc gia cùng ngồi lại để đạt được thỏa thuận về giá sàn. Tuy nhiên, bà Hạnh e là điều này khó xảy ra, vì lấy ví dụ ngay như nội bộ các doanh nghiệp trong ngành tại Việt Nam đã không có sự thống nhất thì nếu mở rộng sang tầm quốc gia, mọi thứ còn phức tạp hơn.
Vấn đề lớn của ngành dệt may Việt Nam
Nếu ngành dệt may Indonesia vẫn còn loay hoay với những máy móc lạc hậu, năng suất thấp thì dệt may Việt Nam, như chia sẻ của ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, Việt Nam có năng suất lao động kỹ thuật đứng tốp 3 trên toàn thế giới. Bài toán của Việt Nam, theo ông Trường, nằm ở chi phí quản trị công và vấn đề hợp tác giữa các doanh nghiệp dệt may trong nước.
Cụ thể, về vấn đề đầu tiên, ông Trường phân tích, chi phí chung để làm ra sản phẩn gồm có chi phí sản xuất và chi phí quản trị công. Doanh nghiệp cố gắng đầu tư công nghệ, dù tiên tiến nhất, thì nâng cao được năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nhưng nếu chi phí quản trị công ngày càng tăng thì tổng chi phí của doanh nghiệp khó có thể giảm được.
Để dễ hiểu, ông Trường dùng hình ảnh ví von doanh nghiệp như một chiếc xe và thể chế pháp luật như con đường để chiếc xe chạy. Dù có là siêu xe thì cũng cất trong nhà nếu không có đường, không thể chạy nhanh nếu đường xấu, không thể chạy liền mạch và hiệu quả nếu dọc đường có vô số trạm có thể yêu cầu xe dừng bất cứ lúc nào thì cũng không ổn.
Đối với vấn đề thứ hai, ông Trường nhận xét thẳng thắn rằng doanh nghiệp Việt Nam chẳng bao giờ liên kết với nhau được và đây là một điều rất đáng lo lắng. Một ví dụ nhỏ để minh chứng được ông đưa ra cho thấy như Hiệp hội dệt may, có 700 hội viên nhưng chỉ có 200 hội viên đóng hội phí.
Về làn sóng đầu tư của nước ngoài vào ngành dệt Việt Nam để đón cơ hội TPP, điều cần quan tâm, theo ông Trường, đó là tìm hiểu công nghệ họ đầu tư là gì, có ảnh hưởng xấu đến môi trường hay không, chứ không nên ngại họ giành mất cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có sự liên kết tốt, chúng ta hoàn toàn có thể thương lượng để đạt được giá nguyên liệu đầu vào hợp lý, ông Trường nói.
Lưu ý về chính sách vĩ mô
Phát biểu tại hội thảo, ông Erwin Schweisshelm, Giám đốc đại diện Viện FES tại Việt Nam, chia sẻ dệt may là một ngành công nghiệp nhẹ di chuyển với tốc độ rất nhanh về nơi có lao động giá rẻ.
Cụ thể, theo ông Erwin Schweisshelm, ngành công nghiệp dệt may bắt đầu xuất hiện ở Tây Âu, rồi lan sang Đông Âu, rồi lại chuyển sang Trung Quốc.
Đó là góc nhìn tổng quan. Về chi tiết, ông Schweisshelm kể rằng ông có người bạn hoạt động trong ngành dệt may, bắt đầu đầu tư từ Ukraina, sau đó chuyển sang Trung Quốc, hiện đang ở Việt Nam và trong 7 năm tới, sẽ dự định chuyển sang Ethiopia ở châu Phi.
Từ câu chuyện này, ông Schweisshelm lưu ý yếu tố này trong việc xây dựng chính sách khi thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.
Mời xem thêm: