Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Còn ách tắc trong giao thương Việt Nam-Campuchia   

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Còn ách tắc trong giao thương Việt Nam-Campuchia   

Người dân xếp hàng vào khu thương mại mua hàng miễn thuế ở cửa khẩu Mộc Bài với giá trị hàng miễn thuế 500.000 đồng/ngày/người. – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Giao dịch thương mại Việt Nam và Campuchia đạt 1,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2007. Bộ Công Thương dự báo giao dịch thương mại giữa hai nước sẽ đạt 2,3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010 và 6,5 tỉ đô la vào năm 2015.  

Tại hội nghị thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia do Bộ Công Thương tổ chức tại An Giang hôm 15-1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết hiện thị trường Campuchia đứng thứ 16 trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Từ năm 1998 tới nay, Chính phủ hai nước đã ký nhiều thoả thuận quan trọng, tạo cơ sở cho phát triển thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai nước. Chính phủ Việt Nam cũng đã cắt giảm thuế quan xuống còn 0% cho nhiều mặt hàng nông sản của Campuchia, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và tạo điều kiện cho xuất khẩu của Campuchia.  

Nhờ vậy, giao dịch thương mại dọc theo 1.137 km biên giới hai nước tại 9 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu quốc gia và 30 cửa khẩu phụ vài năm gần đây trở nên sôi động. Ngoài xuất khẩu chính ngạch, ông Biên cho biết xuất nhập khẩu tiểu ngạch của cư dân hai bên biên giới tăng mạnh, từ 173 triệu đô la Mỹ vào năm 2002 vọt lên 932 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái, chiếm 77% giao dịch thương mại hai nước và tăng hơn 5 lần trong vòng 6 năm.  

Ngoài xuất nhập khẩu qua lại biên giới, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Campuchia đạt 115 triệu đô la Mỹ, với các dự án của các công ty lớn của Việt Nam như Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…  

Tuy nhiên, tại hội nghị, lãnh đạo nhiều tỉnh biên giới với Campuchia, cho biết hàng hoá xuất khẩu của các doanh nghiệp qua các cửa khẩu phụ đang bị ách tắc do quy định của Chính phủ; cửa khẩu phụ chỉ mở cửa cho hàng hoá, người và phương tiện của cư dân biên giới, còn hàng hoá ở ngoài khu vực biên giới không được thông quan qua cửa khẩu này.  

Các doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu nông sản của Campuchia, muốn hưởng ưu đãi thuế quan phải có xuất xứ hàng hoá mẫu S (form S) của Bộ Thương mại Campuchia hoặc chứng từ xác nhận hàng hoá đó do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Campuchia. Lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia mua hay đầu tư sản xuất nông sản đều ở các vùng giáp biên, khi đưa về Việt Nam lại phải về thủ đô của Campuchia xin chứng nhận sẽ làm tăng chi phí và mất cơ hội trong kinh doanh.    

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp đã đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ sửa đổi các quy định về thông quan hàng hoá và xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu với Campuchia, nâng mức mua hàng miễn thuế ở các khu kinh tế cửa khẩu từ 500.000 đồng như hiện nay lên 2 triệu đồng, miễn visa nhập cảnh cho cư dân biên giới.

Riêng các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đã đề nghị Chính phủ Việt Nam nên đàm phán với Campuchia, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ dọc theo tuyến biên giới.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới