Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Còn biết tin ai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Còn biết tin ai?

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Lòng tin của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp đang bị tổn thương nghiêm trọng trước tình trạng làm ăn gian dối, thiếu trách nhiệm với cộng đồng đã trở nên phổ biến.

Cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ nước Mỹ đã nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu và đang trở thành nỗi ám ảnh lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Nhưng với người dân bình thường, vẫn còn một nỗi ám ảnh khác cũng nặng nề không kém, đó là mối đe dọa về hàng hóa kém chất lượng, nhất là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, và tình trạng môi trường sống bị hủy hoại nghiêm trọng.

Thủ phạm gây ra tình trạng này không phải ai khác, mà chính là các doanh nghiệp làm ăn gian dối.

Những vụ nước tương nhiễm chất độc 3-MCPD, nước mắm chứa urê, hay chất kích thích tăng trưởng ngấm vào thịt gia súc qua thức ăn chăn nuôi còn chưa kịp lắng hẳn, thì lại bùng phát chuyện sữa nhiễm hóa chất melamine, rượu được sản xuất bằng cồn công nghiệp gây chết người cùng với nạn phân bón giả, kém chất lượng và các cây xăng buôn bán gian dối…

Tình trạng trên, cộng với hành động hủy hoại môi trường, phần nào cho thấy đạo đức kinh doanh cũng như trách nhiệm xã hội trong một bộ phận doanh nghiệp đang xuống cấp. Họ chạy theo lợi nhuận, bất chấp hậu quả gây ra cho khách hàng, là những người mà doanh nghiệp nào cũng khẳng định là được đối xử như “thượng đế”.

Trong kinh doanh, niềm tin là yếu tố quan trọng. Với thị trường có nhiều cạnh tranh như hiện nay, chọn sản phẩm nào là quyền của người tiêu dùng và lẽ đương nhiên ai cũng muốn mua được sản phẩm có chất lượng phù hợp với số tiền bỏ ra.

Nhưng người tiêu dùng hầu như không có cách nào để biết sản phẩm mua có đạt chất lượng hay không, mà chủ yếu dựa vào lòng tin đối với nhà sản xuất, tin vào những gì họ quảng cáo hay thông tin ghi trên bao bì. Chỉ đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc, lấy mẫu sản phẩm đi kiểm tra thì sự thật mới được phơi bày.

Nhiều loại nước tương được làm từ bánh dầu, acid clohydric, nhưng doanh nghiệp lại ghi trên bao bì là sản xuất từ đậu nành; không ít thức ăn gia súc chứa chất kích thích tăng trưởng, sữa chứa melamine, phân bón làm từ đất sét và kẹo chứa bột đá với hàm lượng đến hơn một phần ba, nhưng trên bao bì chẳng có một chữ nào đề cập đến những hóa chất và chất độn này. Thậm chí trong những trường hợp gian dối bị phát hiện, có không ít doanh nghiệp có tên tuổi, được nhiều người biết đến.

Nhiều năm qua, Chính phủ cũng như doanh nghiệp đã không ngừng vun đắp cho phong trào khuyến khích dùng hàng sản xuất trong nước. Thực chất của cuộc vận động này là khôi phục lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, vốn đã bị mai một nhiều trong thời bao cấp. Nhưng với kiểu làm ăn thiếu trung thực như nói trên, chắc chắn lòng tin của người tiêu dùng sẽ bị tác động không nhỏ.

Hiện nay, các công ty đều phải nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động để có thể vượt qua khó khăn. Đáng tiếc là một số doanh nghiệp lại không làm như vậy, mà chọn cách làm ăn gian dối. Tất nhiên, những doanh nghiệp như thế khó tồn tại lâu, nhưng nếu không có giải pháp ngăn chặn, thì chẳng những người tiêu dùng bị thiệt hại mà cả nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay vẫn còn không ít lỗ hổng nên trong nhiều vụ việc, các cơ quan chấp pháp không khỏi lúng túng. Những tranh cãi xung quanh việc xử phạt Vedan là một điển hình. Sự việc lớn như vậy, nhưng đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ phạt công ty này 216 triệu đồng. Còn về khả năng đóng cửa nhà máy hoặc truy tố hình sự thì người này nói được, người khác nói không thể và ai cũng có thể viện dẫn luật để bảo vệ cho ý kiến của mình.

Một ví dụ khác liên quan đến việc sử dụng bột đá để sản xuất kẹo. Theo Bộ Y tế, loại bột đá này có thể sử dụng trong thực phẩm, nhưng với hàm lượng tối đa là bao nhiêu để không gây hại, thì chẳng có quy định cụ thể nào!

Bên cạnh đó, chế độ xử phạt của Việt Nam hiện nay chưa đủ sức răn đe cũng khiến không ít doanh nghiệp “lờn thuốc”, bất chấp luật pháp để làm ăn gian dối. Thực tế đã chứng minh điều đó. Tháng 10-2008, tỉnh Vĩnh Long phát hiện 11 cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, trong đó hàm lượng chất hữu ích trong nhiều sản phẩm gần như bằng không, nhưng cuối cùng các cơ sở này chỉ bị phạt tổng cộng 130 triệu đồng. Rõ ràng, mức phạt trên là quá nhẹ so với lợi nhuận mà họ thu được từ việc làm gian dối, cũng như tác hại của nó đối với nông dân.

Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước những doanh nghiệp vi phạm các quy định về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường là chức trách của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trước tình trạng phân bón giả tràn lan vừa qua, một số quan chức lại cho rằng nông dân phải tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách đi kiện nhà sản xuất. Một khi người tiêu dùng đã mất lòng tin với doanh nghiệp, thì chỗ dựa còn lại chính là các cơ quan thực thi pháp luật. Nếu các cơ quan này làm việc kém hiệu quả, thiếu nghiêm minh, thì họ còn biết trông chờ vào ai?

TẤN ĐỨC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới