Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Con đường dẫn Phạm Công Danh đến tù tội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Con đường dẫn Phạm Công Danh đến tù tội

Quang Chung

Con đường dẫn Phạm Công Danh đến tù tội
Phạm Công Danh tại sân tòa án Ảnh: Quang Chung

(TBKTSG Online) – Hôm nay, 29-7, tại phiên tòa xét xử vụ án Ngân hàng Xây dựng (VNCB), lần đầu tiên nhiều người được nghe chủ mưu Phạm Công Danh nói về sai lầm “chết người” của mình để dẫn đến sự nghiệp tiêu tan, công danh tan biến.

Tại tòa, ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, cho biết trước khi đầu tư vào VNCB vào năm 2012, ông là một doanh nhân thành đạt. Ông sở hữu Tập đoàn Thiên Thanh đang ăn nên làm ra với rất nhiều dự án bất động sản giá trị ở TPHCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội… Số dư trong tài khoản của ông ở các ngân hàng lúc đó có hàng ngàn tỉ đồng.

Vì muốn có một ngân hàng chuyên hỗ trợ hoạt động xây dựng các dự án bất động sản nên Phạm Công Danh đã đề xuất ý tưởng thành lập ngân hàng xây dựng với Hiệp hội bất động sản và Ngân hàng Nhà nước. Nhưng Ngân hàng Nhà nước chỉ đồng ý giao một ngân hàng yếu kém lúc đó là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) cho nhóm cổ đông của ông Phạm Công Danh (Tập đoàn Thiên Thanh) tái cơ cấu.

Tại tòa, Phạm Công Danh khai: Ban đầu, đề án tái cơ cấu TrustBank có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, thậm chí có cả một vài ngân hàng mạnh tham gia. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tình trạng tài chính của TrustBank, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính thật sự đã “bỏ chạy”. Chỉ còn lại Tập đoàn Thiên Thanh, nhưng với quyết tâm và tiềm lực tài chính của mình, cộng với sự động viên của Ngân hàng Nhà nước, Phạm Công Danh đã tham gia “một cuộc chơi may rủi”.

Ông Phạm Công Danh cho biết, để hợp thức hóa thủ tục pháp lý, danh sách nhóm cổ đông mới đầu tư vào TrustBank (gồm Tập đoàn Thiên Thanh và 20 cá nhân) gửi cho Ngân hàng Nhà nước [để phê duyệt phương án tái cơ cấu TrustBank khi các nhà đầu tư có tiềm lực đã từ bỏ] toàn là những người ông nhờ đứng tên giùm chứ thực tế họ không có tiền.

Và, để trả 4.620 tỉ đồng [giá trị hợp đồng chuyển nhượng 84,92% cổ phần TrustBank] cho nhóm cổ đông cũ – nhóm Phú Mỹ – ông Phạm Công Danh và  Tập đoàn Thiên Thanh phải bán rất nhiều tài sản của mình, thậm chí là vay mượn từ nhiều nguồn, trong đó có vay mượn từ ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Phát.

Chủ tọa phiên tòa thắc mắc: Được biết lúc đó TrustBank có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng (vốn chủ sở hữu âm hơn 2.800 tỉ, vốn thực hoạt động chỉ hơn 100 tỉ) và ngân hàng này đang lỗ 6.000 tỉ đồng. Vậy cơ sở nào bị cáo mua cổ phần của nhóm cổ đông cũ với giá 4.620 tỉ đồng?

Ông Danh trả lời: “Đó là sai lầm của bị cáo”. Ông Phạm Công Danh cho biết mình không rành về lĩnh vực ngân hàng, nhưng thấy TrustBank lúc đó sở hữu hai khu đất lớn ở Quận 2 và Nhà Bè (TPHCM) cùng rất nhiều tài sản bất động sản khác trị giá hàng ngàn tỉ đồng nên nghĩ cố gắng xoay tiền để đổ vào TrustBank (sau này là VNCB) để sau này khi tình hình thị trường bất động sản sáng sủa sẽ bán bất động sản thu hồi vốn.

Tuy nhiên, sự đời không như ông Phạm Công Danh nghĩ! Khi không bán được bất động sản, ông Danh đã phải chịu áp lực trả tiền cho nhóm cổ đông cũ (nhóm Phú Mỹ) cũng như bảo đảm tính thanh khoản cho TrustBank – VNCB rất lớn. Tại tòa, ông Danh cho biết lúc đó VNCB không có tiền.

“Không phải 10 – 20 tỉ, thậm chí khách hàng rút một hai tỉ thôi thì cả hệ thống ngân hàng đã rối vì không còn tiền. Tôi phải đi vay mượn khắp nơi để giải quyết những vụ như thế”, ông Danh nói.

Có bao nhiêu tiền, ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh lo trả nợ và chăm sóc cho nhóm cổ đông Phú Mỹ nên VNCB thiếu tiền hoạt động là một thực tế. Tuy nhiên, như ông Danh thừa nhận tại tòa là “phóng lao nên phải theo lao” nên ông tìm cách vay hàng ngàn tỉ đồng từ nguồn tiền của Tân Hiệp Phát (nhóm Trần Ngọc Bích)…

Nhưng, tính thanh khoản của VNCB vẫn không được cải thiện. Số tiền chăm sóc khách hàng (mà thực ra là trả lãi ngoài cho các khoản vay) ngày càng lớn, niềm tin vào tương lai tươi sáng của thị trường bất động sản ngày nhỏ dần… Và ông Danh đã “không thắng được bản thân mình”, như ông nói.

Vậy là để có tiền chăm sóc khách hàng giải quyết áp lực thanh khoản cho VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo thuộc cấp tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút 63,276 tỉ đồng; ký hợp đồng khống về việc thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành và số 816 Sư Vạn Hạnh để lấy 581,6 tỉ đồng; tự ý rút hơn 5.000 tỉ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích gửi tại VNCB, nâng khống giá trị bất động sản ở sân Chi Lăng, Đà Nẵng để vay tiền từ VNCB… làm thất thoát hơn 2.000 tỉ đồng.

Sai phạm của Phạm Công Danh tại VNCB trong vụ án này được xác định đã gây thất thoát hơn 9.000 đồng. Ông bị truy tố với hai tội danh là cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay.

Xem thêm:

Vụ án VNCB: Ông Trần Quí Thanh cho nhân viên “mượn” hàng trăm tỉ đồng

Vụ án VNCB: Trần Ngọc Bích muốn nhận lại sổ tiết kiệm ngàn tỉ ở VNCB

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới