Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Con đường dễ nhất ‘giết’ chết chính mình

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tháng 10-2021, trang mạng chuyên về du lịch thepointguy.com dẫn nguồn Walt Disney World News Today, website cung cấp thông tin về các công viên Walt Disney tại Mỹ, cho biết các cơ sở lưu trú trong công viên Walt Disney sẽ không nhận khách chỉ đặt phòng một đêm từ 14-10-2021 đến 5-12-2021(1).

Bài viết trên thepointguy.com nói tiếp họ thử đặt phòng một đêm tại 34 khu nghỉ dưỡng Walt Disney đều thất bại dù có cơ sở lưu trú ghi rõ khách có thể đặt phòng với thời gian từ một đêm đến 14 đêm tại đó. Nhưng khi họ thử đặt phòng hai đêm trở lên thì đều hiệu lực tại phần lớn các khu nghỉ dưỡng này, thepointguy.com cho biết.

Trang mạng du lịch này cũng kể rằng người phát ngôn của Walt Disney World Resort từ chối bình luận ngay về tin nói trên theo yêu cầu của họ.

Đến nay, tháng 6-2023, dường như một chuyện tương tự đang xảy ra tại Việt Nam khi báo chí loan tin nhiều khách sạn ở những điểm du lịch chính trong nước ra quy định ngầm không nhận khách ở một đêm vào cuối tuần.

Chẳng hạn, theo VnExpress, giám đốc một công ty du lịch đóng tại Hà Nội than phiền một số cơ sở lưu trú du lịch tại Phan Thiết, Sầm Sơn, Hạ Long, Cửa Lò và Cát Bà chỉ nhận khách lưu lại từ hai đêm trở lên và buộc khách phải dùng bữa ít nhất một lần tại đó(2).

Tương tự, một bài báo đăng trên tuoitre.vn cho rằng đã có công ty du lịch than phiền cơ sở lưu trú ở Phan Thiết không nhận khách chỉ ở một đêm vào ngày cuối tuần(3).

Thực ra, việc không nhận khách chỉ ở một đêm vào cuối tuần đã có từ lâu. Nhưng năm nay cách làm đó trở nên phổ biến hơn ở Phan Thiết là vì số lượng du khách tăng đột biến ngay sau khi cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được khánh thành giúp rút ngắn đáng kể thời gian đi từ TPHCM đến Phan Thiết.

Cũng không phải cơ sở lưu trú nào cũng áp dụng triệt để “chiến thuật tối ưu hóa doanh thu” này. Ví dụ, theo tuoitre.vn, người điều hành một khu nghỉ dưỡng ở Phan Thiết cho rằng từ chối khách chỉ lưu lại một đêm là “làm xấu hình ảnh địa phương”(4).

Dĩ nhiên, các công ty du lịch khó hài lòng với sự hạn chế thời gian lưu trú hay buộc phải dùng bữa từ phía đối tác lưu trú. Theo họ, động thái này làm ảnh hưởng đến lịch trình của khách.

Một số khác cho rằng động thái này cũng dễ hiểu. Như đã thấy ở đầu bài, việc giới hạn thời gian lưu trú của khách không phải là không có ở các địa điểm du lịch khác trên thế giới. Tuy nhiên, áp dụng như thế nào lại thuộc phạm trù đạo đức kinh doanh và triết lý kinh doanh của từng doanh nghiệp. Sẽ không có một mẫu số chung cho tất cả các trường hợp trong vấn đề này.

Nhưng vẫn có một nguyên tắc chung mà tất cả các công ty du lịch và đối tác lưu trú cũng như mọi đối tác kinh doanh khác của họ nên tuân thủ. Đó là lợi ích của mình phải hài hòa với lợi ích của đối tác và cùng nhắm tới sự phát triển bền vững.

Giữa các đối tác kinh doanh với nhau, suy nghĩ của đại diện Du Lịch Việt được VnExpress trích dẫn rất đáng được chia sẻ. Vị này nói như sau: “Cả hai bên đều là người kinh doanh nên tôi nghĩ chúng ta cần sự thông cảm”(5). Ở đây, sự thông cảm vì lợi ích lâu dài của các bên nên thế chỗ cho sự bắt chẹt từ một phía. Khách sạn đang trong “nắng xuân” cũng phải nghĩ đến thời kỳ “đông giá”. Vì vậy, dù đang có lợi thế, cũng đừng đòi hỏi thái quá.

Nhận hay không nhận khách chỉ ở một đêm hay định giá phòng là bao nhiêu là quyền của chủ khách sạn. Nhưng nếu chỉ nhắm đến lợi ích trước mắt mà làm cho khách hàng cảm thấy bị bắt chẹt thì nguy cơ khách chỉ đến một lần rồi thôi sẽ rất lớn.

Đối với du khách – về nguyên tắc là “thượng đế” đối với cả công ty du lịch lẫn cơ sở lưu trú – những lời sau đây từ người điều hành một khu nghỉ dưỡng ở Phan Thiêt đã được tuoitre.vn trích dẫn bên trên có lẽ đáng trở thành kim chỉ nam. Ông phát biểu như sau: “Làm du lịch cần quan niệm khách ở nửa ngày cũng là khách, miễn họ có trả chi phí đó. Nếu chăm chăm tính lời lỗ thì xem như đuổi khách, không có trở lại lần sau”(6).

Trở lại với bài viết trên thepointguy.com, người viết khuyên rằng nếu không đặt được một đêm nghỉ tại các khu nghỉ dưỡng Walt Disney cũng đừng lo vì vẫn còn rất nhiều cơ sở lưu trú khác với nhiều mức giá khác nhau sẵn sàng đón tiếp du khách.

Việt Nam cũng vậy thôi. Không ai cấm các cơ sở lưu trú hay công ty du lịch tối ưu hóa lợi nhuận vì đó cũng là một nguyên tắc kinh doanh. Tuy nhiên, du lịch ở Việt Nam vừa mới trở lại bước đầu tiên trong quá trình phục hồi. Có lẽ hiện nay chưa phải thời điểm các cơ sở dịch vụ du lịch tận thu bằng mọi cách – kể cả các biện pháp gây phản cảm nhất đối với du khách. Tận thu vô tội vạ là cách dễ nhất chúng ta dần dần “giết” chết chính mình trên con đường kinh doanh còn rất dài.

—————

(1)https://thepointsguy.com/news/disney-world-blocking-one-night-resort-stays-fall-2021/

(2), (5)https://vnexpress.net/nhieu-khach-san-khong-nhan-khach-o-mot-dem-cuoi-tuan-4612043.html

(3), (4), (6)https://tuoitre.vn/khach-san-phan-thiet-tu-choi-khach-o-mot-dem-20230529182744011.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Mỗi phân khúc thị trường, luôn có một giá trị, nhu cầu khách hàng riêng. Nếu chỉ qua đêm, thậm chí qua giờ, kể cả ngủ trong container, xe tải…cũng không thiếu nơi sẵn sàng cung ứng. Do vậy, quan trọng là phải biết kiến tạo nên một hệ thống dịch vụ đa dạng, hấp dẫn, tiện nghi, hợp với mọi túi tiền, mọi đối tượng có nhu cầu và có khả năng thanh toán. Nếu chỉ hướng đến dịch vụ cao cấp, dịch vụ đắt tiền không thôi thì cũng không thể gọi là cách kinh doanh hoàn hảo. Dịch vụ tốt nhất là dịch vụ luôn sẵn sàng.

  2. WorlđCup Qatar vừa rồi là một ví dụ. Họ trang bị cả túi ngủ trên sa mạc cho cổ động viên có nhu cầu, giá mềm, tiện nghi… Làm ăn như vậy mới thật là tài !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới