Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Con gì, cây gì bán có giá là xuất hiện khắp nơi”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Con gì, cây gì bán có giá là xuất hiện khắp nơi”

Trương Thanh Liêm

(TBKTSG Online) – Chưa khi nào thị trường nông sản Việt Nam lại rơi vào tình trạng bất thường như hiện nay, nói nôm na như ông bà ta là “sáng nắng, chiều mưa”, thấy “được” đó rồi “mất” đó.

Giải cứu nông sản và bài học thị trường

Sẽ phải "giải cứu" nông sản nếu cứ chậm tái cơ cấu nông nghiệp

Khoai lang Vĩnh Long.

Điểm lại một số giá cả nông sản để thấy được bức tranh nông nghiệp còn chập chờn, giá cả thất thường như giá khoai lang Nhật từ 800.000 đến 1.000.000 đồng/tạ tuột xuống chỉ còn 250.000 đến 300.000 đồng/tạ (1tạ 60 kg); giá dừa khô từ 160.000 đến 170.000 đồng/chục rơi xuống còn 25.000 đến 40.000 đồng/chục (mỗi chục 12 trái); mít Thái từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg tuột xuống 5.000 đến 7.000 đồng/kg rồi vụt vọt lên 60.000 đến 70.000 đồng/kg như hiện nay. Mới đây nhất là tin đồn thương lái không thu mua sầu riêng dù loại đặc sản này đang vào chính vụ.

Câu hỏi đặt ra là vì sao vẫn tiếp diễn tình trạng này. Nhiều câu trả lời được đưa ra: do thị trường Trung Quốc không thu mua; do nông sản của ta sang Trung Quốc chỉ bằng tiểu ngạch; do sản lượng cung vượt xa cầu vì nông dân tự “quy hoạch”, tự tăng diện tích cây trồng đang “sốt” giá bất chấp sự khuyến cáo của các ban ngành chuyên môn…

Hiện nay tổng diện tích sầu riêng đã cho trái trên địa bàn các huyện Chợ Lách, Châu Thành (Bến Tre) và Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) là 12.000ha. Trong đó, trên 50% diện tích được nhà vườn xử lý cho trái nghịch vụ với tổng sản lượng khoảng 200.000 tấn trái chờ thương lái. Tương tự như vậy là 70.000ha dừa chuyên canh của Bến Tre, 14.500ha khoai lang của tỉnh Vĩnh Long…

Ông Trương Văn Sáu (ngụ xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) bức xúc nói: “25 công sầu riêng Chín Hóa của tôi đã tới ngày thu hoạch khoảng 10 ngày qua, lúc đầu được trả 70.000 đồng/kg nhưng giờ có người trả chỉ còn 40.000 đồng/kg”.

Hiện nay lãnh đạo một số địa phương đề nghị phía cơ quan thương vụ tại Trung Quốc khảo sát thị trường và giúp địa phương tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho đầu ra các nông sản. Tuy nhiên đây chỉ là hướng đề xuất còn kết quả vẫn phải chờ.

Nhớ lại có lần, anh bạn tôi là Việt kiều định cư ở Pháp bắt đầu câu chuyện buổi sáng hàn huyên tại một quán cà phê bằng một nhận xét nửa đùa, nửa thật: “Nông dân Việt Nam nhanh nhạy vô cùng, thấy nuôi con gì, trồng cây gì bán có giá thì ngay lập tức, cây, con ấy xuất hiện khắp nơi…”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng khó khăn đầu ra của các nông sản, gia súc, gia cầm của ta là hệ quả của một nền nông nghiệp còn nặng tính hình thức và chạy theo phong trào. Vì vậy cần có sự sắp xếp chủ động, không chạy theo đuôi các sự việc, cân đối cán cân cung – cầu một cách bền vững; quy trình sản xuất nông nghiệp sát với dự báo thị trường thì làm sao xảy ra điệp khúc được mùa mất giá?

Anh bạn tôi kết thúc câu chuyện nông sản Việt Nam bằng lời khuyên rất đơn giản nhưng thấm thía vô chừng: “Muốn làm điều gì, anh phải tự tin vào bản thân, anh phải là anh, anh không thể là người khác thì mới thành công được”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới