Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Con hư tại mẹ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Con hư tại mẹ?

(TBKTSG) – Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Ban Chỉ đạo), năm 2007, có 97% tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh có lãi, chỉ có 3% kinh doanh lỗ.

Về hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, đại diện Ban Chỉ đạo cũng cho rằng tổng vốn huy động của 76 tổng công ty, tập đoàn nhà nước chỉ gấp 1,36 lần vốn chủ sở hữu, không phải là hệ số cao, vẫn đảm bảo an toàn về tài chính.

Các hoạt động đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của các tập đoàn, tổng công ty, theo số liệu của Ban Chỉ đạo đưa ra cũng chưa có gì đáng lo ngại vì tổng số tiền đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bất động sản không đáng kể, chỉ bằng 7.370 tỉ đồng. Nếu tính theo tỷ lệ phần trăm, đa phần các hoạt động này chỉ chiếm dưới 0,5% vốn chủ sở hữu!

Không thể bình luận nhiều về các con số nói trên vì người dân thường không thể tiếp cận đầy đủ các con số để tính toán và so sánh. Chỉ xin trích những kết luận của Bộ Chính trị vào hồi tháng 4-2008 về tình hình lạm phát, trong đó có nói: “Bên cạnh những kết quả đạt được về nhiều mặt, một số tập đoàn đã đầu tư rộng sang nhiều ngành, nghề, lĩnh vực không thuộc chuyên ngành, thế mạnh của mình, nhất là vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… Những hoạt động đầu tư này đã gây khó khăn cho quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tập đoàn, khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong quản lý lưu thông tiền tệ, nếu không được khắc phục sẽ làm tăng tính đầu cơ trên thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, góp phần tăng thêm tình hình lạm phát nền kinh tế”.

Kết luận của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh một trong những giải pháp chủ yếu là: “Rà soát, chấn chỉnh hoạt động đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn”.

Thông tin ở đầu bài là từ cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo vào ngày 10-7-2008. Chưa đầy ba tháng trước đó, vào ngày 23-4-2008, Hội nghị đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã đưa ra những thông tin khác hẳn dù cùng do đại diện Bộ Tài chính cung cấp, với những cảnh báo rất nghiêm khắc về hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu cao đến mấy chục lần ở một số tổng công ty và tập đoàn nhà nước.

Hội nghị này cũng đã lên tiếng báo động về chuyện các doanh nghiệp nhà nước lớn đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh bên ngoài lĩnh vực chính với những số liệu đáng lo ngại. Chính lúc đó, một số tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty được nêu tên đã lên tiếng phân bua là họ phải “lấy ngắn nuôi dài”.

Thật khó hiểu trước những thông tin mới của Ban Chỉ đạo đối với tác động đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, chỉ nhắm đến lợi ích ngắn hạn của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Trong tình hình cả nước đang phải nỗ lực kiềm chế lạm phát, thay vì làm đúng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, dường như Ban Chỉ đạo đang ra sức thanh minh cho các tập đoàn, tổng công ty.

Đặt bên cạnh đánh giá của Bộ Chính trị (“sự tham gia vào đầu tư bất động sản của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp lớn với nguồn vốn khá lớn chưa được kiểm soát chặt chẽ”), người ta có quyền hoài nghi kết luận của Ban Chỉ đạo cũng như động cơ khi đưa ra kết luận này.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới