Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Con ngáo ộp trong chính sách kinh tế hay những ẩn ý chính trị và ngoại giao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Con ngáo ộp trong chính sách kinh tế hay những ẩn ý chính trị và ngoại giao?

Hồ Lê

(TBKTSG) – Nếu nhìn nhận một cách công tâm, cả ba tiêu chí mà Việt Nam vi phạm phần nào là hệ quả từ các chính sách kinh tế và ngoại giao của Mỹ trong những năm gần đây. Việc thoát nhãn thao túng tiền tệ sau khi bị gắn nhãn cũng không phải là vấn đề quá lớn. Điều đáng ngại nhất là liệu việc dán nhãn cho Việt Nam có thể không đơn thuần là vì những tiêu chí cứng nhắc đã bị vi phạm, mà có thể còn đến từ những ẩn ý chính trị và ngoại giao khác.

Con ngáo ộp trong chính sách kinh tế hay những ẩn ý chính trị và ngoại giao?

Kết quả được báo trước

Ngày 16-12-2020, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, trong đó xác định Việt Nam và Thụy Sỹ thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, do đã đáp ứng cả ba tiêu chí mà Mỹ đặt ra.

Theo báo cáo này, Việt Nam cũng đã đáp ứng tất cả ba tiêu chí theo Đạo luật Tạo thuận lợi thương mại và Thực thi thương mại năm 2015 trong bốn quí tính đến tháng 6-2020. Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ giá trị của tiền đồng so với đô la Mỹ dưới giá trị kể từ năm 2016. Ngoài ra, Việt Nam mở đầu năm 2019 với lượng dự trữ ngoại hối tương đối thấp, nhưng sau bốn quí tính đến tháng 6-2020, Việt Nam đã can thiệp quy mô lớn và kéo dài vào thị trường ngoại hối, nhiều hơn so với các giai đoạn trước đây để ngăn chặn sự tăng giá của tiền đồng, trong bối cảnh thặng dư tài khoản vãng lai lớn và thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ tăng mạnh.

Việt Nam lần đầu tiên bị đưa vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ là vào tháng 5-2019, do có hai tiêu chí vượt ngưỡng là thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai. Tháng 1-2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách bị giám sát. Đến tháng 8-2020, Bộ Tài chính Mỹ kết luận rằng Việt Nam đã can thiệp phá giá tiền đồng dẫn đến lợi thế không công bằng của mặt hàng lốp xe hạng nhẹ sản xuất ở Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ.

Ông Mark Sobel, một cựu quan chức tài chính cấp cao và hiện là Chủ tịch của Diễn đàn các định chế tài chính và tiền tệ chính thức, chỉ ra rằng cả Việt Nam và Thụy Sĩ đều không nhất thiết phải hành động để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.

Trên cơ sở này, vào tháng 10-2020, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tiến hành điều tra và ngày 4-11 có kết luận sơ bộ khẳng định vi phạm. Mỹ cũng đã quyết định áp một số mức thuế đối với lốp xe Việt Nam trong tháng 11, với lý do tiền đồng bị định giá thấp. Do đó, trong báo cáo tháng 12 mới đây, Việt Nam xuất hiện trong danh sách bị gắn mác thao túng tiền tệ. Điều này thật sự cũng không quá bất ngờ.

Ảnh hưởng từ chính sách của Mỹ

Có thể thấy trong ba tiêu chí xác định thao túng tiền tệ mà Mỹ đưa ra, hai tiêu chí đầu tiên Việt Nam đã vi phạm từ khá sớm và nằm ngoài ý chí chủ quan của nhà điều hành, vì vậy cáo buộc lần này từ phía Mỹ chủ yếu là đến từ việc mua ròng ngoại tệ liên tục với số lượng lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, như ông Mark Sobel, một cựu quan chức tài chính cấp cao và hiện là Chủ tịch của Diễn đàn các định chế tài chính và tiền tệ chính thức, chỉ ra rằng cả Việt Nam và Thụy Sĩ đều không nhất thiết phải hành động để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh. Việt Nam nhận được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn và franc Thụy Sỹ thường phải đối mặt với áp lực tăng giá do vị thế “nơi trú ẩn an toàn” trong hệ thống tài chính toàn cầu, nên buộc phải có những can thiệp cần thiết trên thị trường ngoại hối.

Nếu nhìn nhận một cách công tâm, cả ba tiêu chí mà Việt Nam vi phạm phần nào là hệ quả từ các chính sách kinh tế và ngoại giao của Mỹ trong những năm gần đây.

Cụ thể, thứ nhất, kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền tổng thống vào năm 2016 và bắt đầu kích hoạt cuộc thương chiến với Trung Quốc vào tháng 5-2018, dẫn đến áp đặt các hàng rào thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, những đối tác thương mại còn lại của Mỹ đã tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ nhờ được lợi về thuế quan hơn hàng Trung Quốc, nên con số thặng dư thương mại với Mỹ ngày càng gia tăng là điều tất yếu.

Riêng Việt Nam, thống kê cho thấy thặng dư thương mại với Mỹ đã tăng mạnh trong bốn năm ông Trump làm tổng thống, từ 38,3 tỉ đô la Mỹ năm 2017, tăng lên 39,4 tỉ đô la năm 2018, rồi 55,7 tỉ đô la năm 2019 và hướng đến con số kỷ lục 65 tỉ đô la trong năm nay. Có thể nói kết quả trên nên được coi là một minh chứng thành công trong chính sách của Mỹ về giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.

Thứ hai, chính sách của ông Trump đã làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, theo đó dòng vốn rút mạnh ra khỏi Trung Quốc và đổ vào các quốc gia không bị Mỹ đánh thuế, trong đó có Việt Nam vì là nước láng giềng của Trung Quốc và có những đặc thù tương đồng. Do đó, lượng hàng hóa sản xuất gia tăng từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới này nhập vào Mỹ càng làm gia tăng mức độ thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam so với Mỹ.

Cuộc thương chiến Mỹ – Trung, cộng thêm sức hút của Việt Nam với vị thế đang lên và hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, càng giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn và thu hút dòng vốn rót ròng, kéo theo hệ quả là thặng dư tài khoản vãng lai lớn và buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải can thiệp trên thị trường ngoại hối để đảm bảo sự thông suốt và tránh cho nền kinh tế rơi vào bất ổn, nhất là khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam so với các nước khác vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Con ngáo ộp trong chính sách kinh tế hay những ẩn ý chính trị và ngoại giao?

Theo giới phân tích, quy kết thao túng tiền tệ là một công cụ lạc hậu và kém hiệu quả trong số các công cụ pháp lý của Mỹ để xử lý các tranh chấp thương mại đơn phương lẫn đa phương, nên ít khi nào được sử dụng. Chỉ đến khi ông Trump lên nắm quyền tổng thống, chính sách này bất ngờ được lôi ra lại như là một vũ khí chính để đánh vào các đối tác thương mại của Mỹ, mà gần nhất là Trung Quốc vào năm 2019, tức sau 25 năm kể từ lần cuối Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ cho một quốc gia cũng là Trung Quốc trong giai đoạn 1992-1994.

Đáng lưu ý là khi gắn nhãn cho Trung Quốc vào tháng 8-2019, ông Trump cũng không cần viện dẫn các quy định thao túng tiền tệ mà chỉ cần lấy lý do “an ninh quốc gia”, do đó chính sách này của Mỹ đôi khi cũng được sử dụng tùy tiện và các tiêu chí dường như cũng đã lỗi thời và không còn hợp lý trong bối cảnh kinh tế hiện nay nói chung cũng như xem xét đến mối tương quan đặc thù của từng quốc gia nói riêng.

Việc thoát nhãn thao túng tiền tệ sau khi bị gắn nhãn về cơ bản cũng không phải là vấn đề quá lớn. Việt Nam trong một năm trở lại đây đã tích cực ký kết các hợp đồng mua hàng hóa của Mỹ, từ các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng cho đến những mặt hàng có giá trị cao như máy bay và cam kết hàng loạt dự án đầu tư lớn dành cho các tập đoàn Mỹ… nhằm giúp giảm dần con số xuất siêu vào Mỹ.

Cũng cần biết rằng, để đánh giá mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia cần phải xét trên cán cân thương mại tổng thể, tức không chỉ bao gồm hàng hóa mà còn là dịch vụ. Là một nước phát triển, Mỹ chủ yếu nhập hàng hóa từ các đối tác nên cán cân thương mại hàng hóa của nước này bị thâm hụt là tất yếu, bù lại Mỹ xuất siêu phần lớn dịch vụ vào hầu hết các quốc gia khác với giá trị gia tăng lớn hơn nhiều.

Nhưng chưa nói đến việc chỉ đơn thuần xem xét trên cán cân thương mại hàng hóa là thiếu công bằng, thì ngay cả trong cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam và Mỹ hiện nay, phần lớn lợi ích nhận được là từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong số đó không ít là các tập đoàn khổng lồ của Mỹ, như hình ảnh đôi giày Nike mà Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từng đưa ra để làm ví dụ cho cán cân thương mại Việt – Mỹ trong chuyến thăm Mỹ vào năm 2017.

Cách đơn giản nhất để Việt Nam sớm thoát ra khỏi danh sách cáo buộc thao túng tiền tệ là giảm bớt lượng mua ròng ngoại tệ, khi quá khứ cũng cho thấy cả Hàn Quốc, Đài Loan (năm 1988) đều chỉ mất có một năm là được tháo nhãn thao túng tiền tệ bằng cách rút bớt chỉ số mua ròng ngoại tệ xuống dưới 2%, theo đó chỉ còn vi phạm hai phần ba tiêu chí. Đối với Trung Quốc vào năm 2019 là đồng ý ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ.

Đáng lưu ý, việc Bộ Tài chính Mỹ quy kết một đối tác là thao túng tiền tệ không tự động đi kèm các biện pháp trừng phạt nào, tuy nhiên có thể mở đường cho các cơ quan quản lý Mỹ áp thuế chống trợ cấp và thuế nhập khẩu mang tính trừng phạt, nếu sau một năm hai bên trao đổi và thương lượng nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Hậu quả kế tiếp là ảnh hưởng tiêu cực lên dòng vốn đầu tư nước ngoài, mà minh chứng rõ nhất là từ tình huống của Trung Quốc trong những năm qua.

Dù vậy, điều đáng lo ngại nhất là liệu việc dán nhãn cho Việt Nam có thể không chỉ đơn thuần là vì những tiêu chí cứng nhắc đã bị vi phạm, mà còn đến từ những ẩn ý chính trị và ngoại giao nào khác hay không? Nếu có, việc xử lý và hóa giải là không hề đơn giản và một sớm một chiều. Ngoài ra, nhận thức được những kỳ vọng trong chính sách của Mỹ mới có thể giúp Việt Nam chủ động trong cách ứng xử và đàm phán phù hợp với chính quyền Mỹ, nhất là khi đang có sự chuyển giao quyền lực tại nền kinh tế số 1 thế giới này.

Tình huống đơn cử có thể xem xét như mục đích Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ mở đường cho việc áp thuế lên hàng Việt Nam nhằm ngăn chặn chính hàng Trung Quốc đang vào Mỹ qua cửa ngõ Việt Nam để lách thuế, điều được nói đến nhiều trong thời gian qua. Nếu vậy, Việt Nam cần phải tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các chính sách chống gian lận thương mại, mà đang làm vạ lây các doanh nghiệp nội địa.

Cũng không loại trừ khả năng cáo buộc của Mỹ nhằm mục đích buộc Việt Nam phải ngồi vào bàn đàm phán ký lại hiệp định thương mại với Mỹ (BTA), vốn đã được ký vào năm 2000, tức cách đây đến 20 năm. Việc gây sức ép để ký kết lại các hiệp định thương mại tự do với đối tác thương mại là xu hướng chủ đạo của chính quyền Mỹ trong những năm gần đây, đặc biệt là các hiệp định song phương luôn được ưu tiên khi các nước lớn như Mỹ thường có ưu thế tuyệt đối trên bàn đàm phán hơn các nước nhỏ.

Trước việc Mỹ tỏ ra quan tâm trở lại với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phải chăng nước này có thể tăng cường ký kết các hiệp định song phương với các quốc gia thành viên trong CPTPP để giành các lợi ích cốt lõi nhất trước khi chính thức gia nhập CPTPP trong giai đoạn tới, cũng như nhằm tạo ra một liên minh thương mại cho các cuộc chiến tiếp theo?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới