Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Còn nhiều “đất” cho trái phiếu địa phương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Còn nhiều “đất” cho trái phiếu địa phương

Hồng Phúc

Còn nhiều “đất” cho trái phiếu địa phương
Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính.

(TBKTSG Online)  – Tính đến nay, thị trường trái phiếu chính quyền địa phương mới hình thành và quy mô còn nhỏ bé. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương đã có kế hoạch phát hành trái phiếu và một số đợt phát hành sẽ được thực hiện từ nay tới cuối năm.

Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính đã chia sẻ với TBKTSG Online về thị trường trái phiếu chính quyền địa phương.

TBKTSG: Thưa bà, hiện quy mô thị trường trái phiếu chính quyền địa phương cả nước đã phát hành như thế nào?

– Trái phiếu chính quyền địa phương là trái phiếu do ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát hành nhằm mục đích đầu tư cho các công trình – dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

Trái phiếu chính quyền địa phương được phát hành lần đầu từ năm 2003 và tính đến nay đã có 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gồm thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, Bắc Ninh và Quảng Ninh) tổ chức phát hành thành công với khối lượng là 28.777 tỉ đồng. Dư nợ của thị trường trái phiếu chính quyền địa phương tại thời điểm cuối tháng 8-2014 là 19.239 tỉ đồng.

Tính đến nay, thị trường trái phiếu chính quyền địa phương mới hình thành hơn 10 năm và quy mô còn nhỏ bé, chỉ chiếm 2,3% quy mô tổng thị trường trái phiếu và 0,45% GDP.

TBKTSG: Dự kiến từ nay đến hết năm 2014 sẽ có bao nhiêu trái phiếu chính quyền địa phương mới sẽ được bán ra thị trường?

– Trong năm 2014, đến nay mới chỉ có thành phố Hà Nội phát hành thành công 2.220 tỉ đồng trái phiếu (kỳ hạn 5 năm). Tuy nhiên, các địa phương khác như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh đều đã có Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2014 gửi Bộ Tài chính và dự kiến sẽ phát hành vào cuối Quý III và đầu Quý IV với tổng khối lượng từ 4.500 – 5.000 tỉ đồng.
 

TBKTSG: Theo bà, việc sử dụng, quản lý tiền bán trái phiếu và đặc biệt là việc thực hiện các cam kết trả nợ trái phiếu của các địa phương đã tốt chưa?

– Về việc sử dụng tiền từ phát hành trái phiếu của các địa phương, tiền từ phát hành trái phiếu được hòa đồng vào ngân sách cấp tỉnh và đầu tư cho các công trình dự án trong địa phương đã được Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh phê duyệt. Việc sử dụng vốn trái phiếu của UBND cấp tỉnh cũng được HĐND cấp tỉnh, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan thanh tra kiểm tra giám sát hàng năm.

Về việc thanh toán gốc lãi trái phiếu, trong Đề án phát hành trái phiếu do HĐND cấp tỉnh phê duyệt, UBND cấp tỉnh cam kết thanh toán đầy đủ gốc lãi trái phiếu và được đảm bảo từ ngân sách cấp tỉnh. Tính đến nay, các địa phương đều thực hiện thanh toán gốc lãi trái phiếu đúng hạn và chưa có trường hợp nào phát sinh chậm thanh toán hay không có khả năng thanh toán.
 

TBKTSG: Thưa bà, độ tin cậy của trái phiếu địa phương vẫn là điều nhà đầu tư trái phiếu băn khoăn. Bộ Tài chính sẽ làm gì để tăng thanh khoản và niềm tin cũng như thu hút nhà đầu tư?

– Về hệ thống cơ sở pháp lý, Bộ Tài chính đã xây dựng đầy đủ và đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý cho việc phát hành thị trường trái phiếu chính quyền địa phương từ cấp Luật đến Thông tư hướng dẫn.

Tuy nhiên, nhằm thu hút nhà đầu tư cũng như tạo thanh khoản cho thị trường, Bộ Tài chính đang xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 81/2012/TT-BTC hướng dẫn về phát hành TPCQĐP với một số điểm thay đổi như sau.

Thứ nhất, công bố các thông tin cho từng đợt phát hành trái phiếu. Thông tin được công bố bao gồm thông tin của đề án phát hành; dự toán, quyết toán ngân sách cấp tỉnh trong các năm. Việc công bố thông tin được thực hiện trước và sau khi phát hành và trong toàn bộ thời gian trái phiếu có hiệu lực. UBND cấp tỉnh công bố các thông tin này nhằm tạo niềm tin của nhà đầu tư đối với trái phiếu do địa phương phát hành.

Thứ hai, sửa đổi về phương thức phát hành trái phiếu. Hiện tại, UBND cấp tỉnh  phát hành trái phiếu áp dụng theo phương thức phát hành trái phiếu chính phủ được quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BTC. Tuy nhiên, quy mô phát hành trái phiếu chính phủ lớn trong khi quy mô thị trường trái phiếu chính quyền địa phương còn nhỏ và hạn chế nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong phát hành. Do đó, Bộ Tài chính đang sửa đổi phương thức phát hành trái phiếu theo hướng đơn giản hóa và phù hợp với các địa phương.

Mời đọc thêm:

Địa phương tích cực vay ngân hàng bằng trái phiếu

TPHCM sẽ phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu trong quí 3

Hà Nội vay thêm 2.220 tỉ đồng bằng trái phiếu

Phải thận trọng và gắn với dự án

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới