Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Còn nhiều gian nan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Còn nhiều gian nan

Các nhà cung cấp phần mềm y tế đang tiếp cận khách hàng tại triển lãm Ứng dụng CNTT trong y tế, tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

(TBVTSG) – Trong khi ở các ngành dệt may và du lịch, đa số phần mềm được sử dụng là của nước ngoài, thì trong lĩnh vực y tế hầu hết các phần mềm được sử dụng là sản phẩm của các công ty trong nước. Mặc dù không phải cạnh tranh với các phần mềm ngoại, song việc cung cấp các phần mềm nội địa cho ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc…

Công ty Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Ba là một trong những đơn vị có tâm huyết với việc cung cấp phần mềm cho ngành y tế. Mặc dù giám đốc công ty có “nhiều mối quan hệ mật thiết” với ngành y tế nhưng công ty cũng gặp không ít khó khăn khi cung cấp phần mềm cho ngành này.

Không dễ “khai hoang”

Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty Việt Ba, cho biết tại Việt Nam, số lượng phần mềm chuyên dụng cho ngành y tế hiện còn quá ít so với nhu cầu của thị trường. Thế nhưng, việc cung cấp phần mềm cho ngành y tế lại gặp rất nhiều khó khăn.

“Đội ngũ quản lý y tế chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc triển khai các phần mềm y tế cũng như nhận thức chưa đúng về phần mềm quản lý y tế. Các đơn vị đua nhau đi tìm phần mềm quản lý bệnh viện để giải quyết mọi vấn đề trong bệnh viện. Trong khi đó, hệ thống phần mềm quản lý y tế tích hợp nhiều phần mềm thuộc các mảng, các khoa, phòng khác nhau. Để ứng dụng CNTT trong ngành y tế đạt hiệu quả cao, cần có một cuộc “cách mạng” để thay đổi cách tư duy và nhìn nhận này”, ông Giang nhận định.

Theo ông, việc cung cấp phần mềm cho ngành y tế gặp khó khăn do các đơn vị y tế thường đầu tư phần cứng và phần mềm với tỷ lệ không phù hợp. Do quan niệm phần mềm phải rẻ nên khi có kinh phí, các đơn vị đầu tư chủ yếu cho phần cứng nên khoản kinh phí còn lại không đủ để mua phần mềm. “Trong khi, việc đầu tư cho phần cứng, phần mềm và chi phí duy trì, đào tạo phải tương xứng”, ông Giang nói.

Khác hẳn với các lĩnh vực khác, phần mềm y tế của nước ngoài lại không “vào” được Việt Nam do giá quá cao, thường gấp 7-8 lần giá phần mềm nội (có những phần mềm có giá tới cả triệu đô-la Mỹ). Bên cạnh đó, phần mềm ngoại không có giao diện tiếng Việt nên không tiện dụng, chưa kể đến việc không có chức năng kết nối giao tiếp hệ thống thông tin với thiết bị như phần mềm Việt…

Ông Giang ví, thị trường cung cấp phần mềm cho ngành y tế hiện như một “bãi hoang” nhưng việc “khai hoang” cũng không phải là chuyện dễ dàng. Hiện Việt Ba đang bán phần mềm chuyên dụng đi kèm với thiết bị y tế, để một mặt đáp ứng nhu cầu đầy đủ cho khách hàng, mặt khác tạo kinh phí duy trì bộ máy công ty, chứ cung cấp phần mềm cho ngành y tế không có lãi. LIS không bằng HIS

LABSoft hiện là một trong những công ty chuyên cung cấp giải pháp Hệ thống thông tin khoa xét nghiệm (LIS) cho các bệnh viện và cơ sở y tế.

Quy trình quản lý trong khoa xét nghiệm thông thường gồm bảy bước như : tiếp nhận bệnh nhân, xử lý mẫu, thực hiện xét nghiệm, ghi nhận kết quả, trả kết quả, lưu kết quả, báo cáo thống kê. Hệ thống LIS được thiết kế để hỗ trợ công việc của phòng xét nghiệm trong suốt quy trình quản lý này.

Ông Võ Việt Lập, đại diện LABSoft, cho biết LIS giúp các bệnh viện loại bỏ được sai sót trong khoa xét ngiệm mà việc quản lý thủ công có thể mắc phải. LIS giúp cho việc xét nghiệm nhanh chóng, dễ dàng và chính xác hơn. Song, việc triển khai LIS đang gặp khó khăn do ban giám đốc các bệnh viện chưa hiểu rõ được quy trình quản lý trong khoa xét nghiệm và lợi ích của việc dùng LIS. Hoặc khi họ hiểu được tầm quan trọng của LIS thì vẫn triển khai sau hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện (HIS). Mà HIS không phải dễ dàng được trang bị trong một sớm một chiều. Do đó, ngân sách dành cho LIS sẽ bị hạn chế.

Cũng có trường hợp việc triển khai LIS gặp khó khăn do khoa xét nghiệm từ chối vì “sợ” bị quản lý. Nhân viên của khoa cho rằng LIS quản lý thông tin tập trung và có kết nối với máy xét nghiệm nên họ khó có thể làm “việc tư”. Trên thực tế, LIS chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không thể quản lý được con người.

Ngoài ra, khi triển khai LIS còn gặp khó khăn ở khâu kết nối giữa nhà cung cấp LIS và HIS. Thị trường có nhiều đơn vị cung cấp HIS. Khi lựa chọn được nhà cung cấp và triển khai sử dụng HIS thì bệnh viện bị phụ thuộc vào nhà cung cấp này. Nhà cung cấp HIS sẽ tìm cách ngăn cản bệnh viện lựa chọn, triển khai LIS của đơn vị khác với nhiều lý do kỹ thuật. Do đó, để tránh tình trạng này, các bệnh viện khi chọn nhà cung cấp HIS cần phải thỏa thuận trước các điều kiện kết nối thông tin với những hệ thống phần mềm khác nói chung và LIS nói riêng.

Kinh nghiệm để thành công

Với kinh nghiệm triển khai phần mềm Medisoft THIS tại hơn 70 bệnh viện trong 20 năm qua, ông Vũ Mạnh Tiến, Giám đốc Công ty Tin học y tế Links Toàn Cầu, Trưởng bộ môn Tin học quản lý bệnh viện của Đại học Hùng Vương, cho rằng hệ thống quản lý thông tin bệnh viện muốn đạt được hiệu quả chuyên môn và kinh tế cao cần được thực hiện tổng thể và đồng bộ.

“Vì thế, cần có kinh phí để thực hiện toàn diện. Đầu tư nhỏ lẻ, manh mún sẽ làm mất nhiều thời gian, công sức mà không đạt hiệu quả như mong đợi vì đây là hệ thống liên hoàn, bao trùm mọi “ngóc ngách” của bệnh viện,” ông Tiến nói.

Ông Tiến cho rằng, để đánh giá được phần mềm có tốt và phù hợp với bệnh viện hay không, nên tham quan các bệnh viện đã sử dụng tốt và cho chạy thử phần mềm tại bệnh viện trong một thời gian trước khi quyết định đầu tư (như Bệnh viện Tuyên Quang hay Bệnh viện Trưng Vương – TP.HCM). Cũng cần dự trù kinh phí bảo trì và nâng cấp. Một ví dụ thành công được nêu là Bệnh viện Dân quân miền Đông (quận 9, TP.HCM), trong vòng ba tháng đã thực hiện được hầu hết các hệ thống CNTT quan trọng.

Việc triển khai các hệ thống cần có quyết định của ban giám đốc bệnh viện để có sự hỗ trợ giúp cho quy trình nghiệp vụ của bệnh viện và quy trình hoạt động của phần mềm hài hòa với nhau. Ban giám đốc và các phòng chức năng cần biết khai thác phần mềm, yêu cầu các báo cáo in trên máy để hỗ trợ cho các quyết định của mình. Giao ban trên mạng cũng là hình thức tốt nhất giúp ban giám đốc kiểm tra hiệu quả của phần mềm.

VÂN LY

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới