Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Còn nhiều việc phải làm cho một ngành kinh tế quan trọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Còn nhiều việc phải làm cho một ngành kinh tế quan trọng

Vân Oanh thực hiện

Ông Nguyễn Minh Hồng.

(TBVTSG) – Bộ Thông tin-Truyền thông đang hoàn thiện bản dự thảo Chương trình Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 để trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11 tới. TBVTSG đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Minh Hồng về tình hình phát triển ngành công nghiệp CNTT trong 10 năm qua và những việc phải làm trong thời gian tới để thúc đẩy ngành phát triển.

TBVTSG: Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Thông tin-Truyền thông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam trong 10 năm qua?

– Ông Nguyễn Minh Hồng: Giai đoạn 2001-2010, công nghiệp CNTT đã có những bước phát triển đáng khích lệ, từ chỗ là một ngành kinh tế nhỏ lẻ đã trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp ngày càng nhiều vào sự tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đến năm 2009, tổng doanh thu của công nghiệp CNTT đã đạt trên 6 tỷ đô-la Mỹ, cao gấp 25 lần so với năm 2000. Trong đó, công nghiệp phần cứng đạt khoảng 4,62 tỷ đô-la (năm 2000 đạt khoảng 196 triệu đô-la), công nghiệp phần mềm đạt khoảng 850 triệu đô-la (năm 2000 đạt khoảng 11,75 triệu đô-la), công nghiệp nội dung số đạt khoảng 690 triệu đô-la.

Trong 10 năm qua, công nghiệp CNTT luôn nằm trong danh sách những ngành kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất với tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25%/năm. Với mức tăng trưởng đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, công nghiệp CNTT đã trở thành một trong bảy ngành kinh tế của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao (cùng với dầu thô, dệt may, thủy sản, giày dép, sản phẩm gỗ và gạo).

Thời gian qua, công nghiệp phần cứng tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Công nghiệp phần mềm và dịch vụ bước đầu hình thành được một số sản phẩm phần mềm đóng gói thương hiệu Việt và tạo được vị thế trên bản đồ gia công phần mềm thế giới.

Công nghiệp nội dung số tuy còn non trẻ nhưng cũng phát triển tốt với việc một số doanh nghiệp chiếm lĩnh được thị trường nội địa và từng bước đầu tư, cung cấp dịch vụ ra thị trường nước ngoài.

Công nghiệp dịch vụ đã hình thành và chiếm tỷ trọng doanh thu ngày càng lớn. Nếu như đầu năm 2000, dịch vụ CNTT chủ yếu là lắp ráp và buôn bán các sản phẩm phần cứng máy tính thì nay đã chuyển sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn như dịch vụ phần mềm và các dịch vụ trên nền CNTT. Từ năm 2005, thị trường các dịch vụ gia công trên nền CNTT hoặc gia công quy trình nghiệp vụ trên nền CNTT phát triển khá sôi động.

Bộ Thông tin-Truyền thông cho rằng những kết quả mà ngành công nghiệp CNTT Việt Nam đạt được trong 10 năm qua là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần phải khắc phục như năng lực cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp CNTT chưa cao; quy mô của công nghiệp CNTT Việt Nam vẫn còn chưa xứng với tiềm năng.

Hầu hết các công ty CNTT đều là công ty nhỏ (nhân sự dưới 50 người), lại không liên kết được với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh và không tạo ra được thương hiệu chung; năng lực và trình độ quản lý của doanh nghiệp nhìn chung là chưa cao. Chi phí nhân công thấp không hẳn đã mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới; vấn đề tạo lập, tiếp thị, phát triển thị trường, mở rộng đầu tư ra các thị trường nước ngoài, xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành CNTT, cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT còn chưa được quan tâm đúng mức…

Vậy mục tiêu phát triển công nghiệp CNTT 10 năm tới ra sao, thưa Thứ trưởng?

– Đến năm 2015, công nghiệp CNTT phải trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng GDP, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành kinh tế-xã hội khác; phát triển được một số sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm mang thương hiệu Việt; phát triển được đội ngũ nhân lực CNTT chuyên nghiệp có chất lượng cao, có số lượng đủ đáp ứng yêu cầu trong nước và cung cấp cho thị trường thế giới…

Một số mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2015 là: tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 17,5%/năm; doanh thu đạt 17-19 tỷ đô-la (gấp ba lần năm 2009); tỷ trọng xuất khẩu chiếm trên 60% tổng doanh thu; phát triển ba đô thị TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng trở thành ba trung tâm sản xuất phần mềm, dịch vụ và nội dung số; hình thành ba cụm địa phương mạnh về công nghiệp phần cứng, điện tử bao gồm cụm phía Bắc với Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, cụm phía Nam gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và cụm miền Trung gồm Đà Nẵng, Huế.

Phải phát triển được hai doanh nghiệp phần cứng, điện tử có doanh thu trên hai tỷ đô-la, hai doanh nghiệp phần mềm đạt doanh thu trên 200 triệu đô-la và hai doanh nghiệp nội dung số đạt doanh thu trên 500 triệu đô-la mỗi năm. Bên cạnh đó là những mục tiêu như: đào tạo lại 50.000 kỹ sư CNTT có trình độ cao, thông thạo chuyên môn và ngoại ngữ; có được hai sản phẩm phần cứng hoặc dòng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, mang thương hiệu Việt, cung cấp cho thị trường nội địa, có khả năng xuất khẩu; đưa Việt Nam vào nhóm năm nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm, có ba thành phố gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đứng vào nhóm 10 thành phố mới nổi về gia công phần mềm toàn cầu; thu hút được trên 5 tỷ đô-la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, một số tập đoàn lớn của thế giới về CNTT đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.

Bản dự thảo cũng đặt ra định hướng đến năm 2020 với một số mục tiêu cơ bản như sau: công nghiệp CNTT Việt Nam đạt trình độ phát triển tương đương với các nước trong khu vực ASEAN; hình thành được các tập đoàn mạnh về CNTT, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới; công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực phần cứng, điện tử cơ bản đáp ứng các nhu cầu sản xuất cho các doanh nghiệp CNTT hoạt động tại Việt Nam; nguồn nhân lực CNTT có chất lượng cao, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và quốc tế…

Xin Thứ trưởng cho biết những giải pháp để thực hiện được các mục tiêu nói trên?

– Ban soạn thảo đã đề xuất sáu nhóm giải pháp để khắc phục các vấn đề tồn tại và thực hiện các mục tiêu đó. Nhóm giải pháp thứ nhất nhằm phát triển và mở rộng thị trường, cụ thể như: rà soát các quy định mua sắm CNTT hiện hành, sửa đổi các chính sách liên quan; trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hằng năm cần ưu tiên ít nhất 20% cho các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho công nghiệp CNTT Việt Nam…

Nhóm giải pháp thứ hai là hình thành doanh nghiệp mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh: nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách phát triển một số doanh nghiệp CNTT quy mô lớn; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ để tối ưu hóa các nguồn lực…

Trong nhóm giải pháp thứ ba là phát triển nguồn nhân lực CNTT, sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 698/QĐ-TTg của Thủ tướng; ban hành quy định bắt buộc đào tạo tiếng Anh tại khoa CNTT của một số trường đại học trọng điểm; ban hành chính sách ưu đãi nhân lực CNTT…

Nhóm giải pháp thứ tư là tập trung phát triển một số sản phẩm và dịch vụ CNTT trọng điểm: nghiên cứu, xây dựng danh mục các sản phẩm và dịch vụ CNTT Việt Nam có tiềm năng phát triển, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước và có khả năng xuất khẩu; ban hành chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm CNTT trọng điểm…

Nhóm giải pháp thứ năm là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và tăng cường nguồn vốn, có các nội dung như: huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển công nghiệp CNTT; trong chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, phải ưu tiên cho các hoạt động xúc tiến đầu tư vào công nghiệp CNTT; các doanh nghiệp CNTT Việt Nam được ưu tiên tiếp cận các nguồn tài chính, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước và nguồn trái phiếu Chính phủ…

Nhóm giải pháp thứ sáu – thúc đẩy nghiên cứu phát triển – gồm các nội dung như: ưu đãi đầu tư cho các dự án thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm CNTT; Nhà nước hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, chi phí mua bản quyền thiết kế, chuyển giao công nghệ cho các dự án trọng điểm thương hiệu Việt; cho phép các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được khấu trừ từ khoản nộp ngân sách Nhà nước các chi phí đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm về CNTT; ưu tiên ít nhất 15-25% mục chi ngân sách hằng năm dành cho khoa học-công nghệ để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển CNTT…

Ý kiến nhà doanh nghiệp

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó giám đốc Công ty VTC Intecom

Nhà nước cần thể hiện vai trò “nhạc trưởng”

Hiện các doanh nghiệp nội dung số tại Việt Nam hoạt động rất độc lập, chưa có hiệp hội, không có sự chia sẻ thông tin… Nhà nước cần sớm thể hiện được vai trò “nhạc trưởng” điều phối các hoạt động trong nước, tăng cường cung cấp thông tin về mô hình kinh doanh, thị trường trong nước và quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp; cần có chính sách để bảo đảm về mặt pháp lý cho các quỹ đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào ngành công nghiệp này, có chính sách ưu đãi về thuế và đồng thời cũng đóng vai trò là người “đặt hàng” cho ngành nội dung số trong nước để phục vụ các dự án xã hội để thúc đẩy trực tiếp sự phát triển cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Ông Dương Dũng Triều, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT

Tạo ra các dự án lớn để thúc đẩy sự phát triển

Hiện ngành phần mềm Việt Nam đang gặp một số thách thức như không tham gia được nhiều vào các mảng quan trọng của khách hàng nước ngoài; thiếu các dự án, khách hàng lâu dài vì hiện ít có các công ty lớn, phát triển ổn định; thiếu nguồn lực cao cấp; thiếu quy trình và hệ thống quản trị nên chất lượng sản phẩm, dịch vụ thấp…

Trước hàng loạt khó khăn kể trên của doanh nghiệp, Chính phủ cần tạo ra các dự án lớn trong nước, thuê đối tác nước ngoài làm thầu phụ, để tự đào tạo. Nhà nước cần tạo cơ chế bảo vệ thị trường trong nước cũng như mở rộng thị trường nước ngoài.

Còn các doanh nghiệp thì phải đi bằng hai chân – vừa phát triển phần mềm vừa triển khai dịch vụ phần mềm. Dùng thị trường phần mềm trong nước để tiếp cận các dự án lớn, qua đó tạo khả năng cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.

Để có thể làm được điều đó, Nhà nước cần phải tạo ra dự án lớn cho các doanh nghiệp trong nước triển khai để nâng cao vai trò tổng thầu, theo hình thức Nhà nước đầu tư hoặc theo mô hình hợp tác công-tư. Nhà nước cần tạo ra các cơ chế để có thể triển khai thành công định mức giá xây dựng phần mềm, dịch vụ phần mềm, chính sách đầu tư mua sắm phần mềm, cơ chế thuê đối tác nước ngoài, các văn bản pháp lý về hợp tác công-tư.

Ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam

Tập trung phát triển công nghiệp phần cứng

Để ngành công nghiệp CNTT phát triển, Chính phủ cần xác định công nghiệp phần cứng là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu. Từ đó cần có sự quan tâm và đầu tư thích đáng, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính và hoàn thiện luật pháp để thu hút đầu tư nước ngoài.

Chính phủ nên là “bà đỡ” cho các dự án hạ tầng công nghiệp phần cứng, các chương trình khoa học-công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, linh kiện, vật liệu mới…

Các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đầu tư theo chiều sâu thay vì đầu tư dàn trải theo chiều rộng như trong thời gian vừa qua và chủ động tìm kiếm đối tác trong khu vực, nhất là ở các nước phát triển để chào mời họ hợp tác sản xuất, đầu tư, chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp chỉ nên chọn một chuyên ngành, tập trung vào một lĩnh vực sản xuất loại sản phẩm có thế mạnh nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao để có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Vân Ly ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới