Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Còn nhiều việc phải làm để nâng cao năng lực cạnh tranh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Còn nhiều việc phải làm để nâng cao năng lực cạnh tranh

Thanh Hải thực hiện

ông Lâm Quang Minh.

(TBKTSG) – UBND thành phố Đà Nẵng vừa phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Đà Nẵng 2010”. Đây là dịp để Đà Nẵng đánh giá lại những mặt được và chưa được trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. TBKTSG có cuộc phỏng vấn với ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng, xung quanh vấn đề này.

TBKTSG: Theo kết quả xếp hạng cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì trong hai năm gần đây thành phố Đà Nẵng liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng. Liệu việc xếp hạng này có thuyết phục khi nhiều người cho rằng Đà Nẵng còn nhiều điểm thua xa những tỉnh thành khác?

– Ông Lâm Quang Minh: Việc xếp hạng là do kết quả thăm dò của VNCI (sáng kiến nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam) phối hợp với VCCI (phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) dựa vào phiếu khảo sát từ các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương chứ không phải các tỉnh thành tự điều tra lấy.

Trong năm 2009, để đối chiếu với đánh giá này, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế – xã hội của Đà Nẵng tiến hành khảo sát độc lập với một số doanh nghiệp tại Đà Nẵng theo đúng tiêu chí mà VNCI và VCCI đã thăm dò. Thật thú vị và bất ngờ là kết quả đánh giá của các doanh nghiệp này gần sát với kết quả hai cơ quan trên đã thăm dò trước đó.

Tuy nhiên, việc đạt được điểm số cao và xếp vị trí thứ nhất không có nghĩa là Đà Nẵng tốt nhất ở tất cả các lĩnh vực. Đây chỉ là điểm trung bình cao nhất của 9 chỉ số được đưa vào khảo sát trong năm 2009 (năm 2008 có 10 chỉ số), còn vài chỉ số mà Đà Nẵng vẫn còn phải quan tâm cải thiện nhiều hơn nữa. Chính vì vậy mà ngày 2-6 vừa qua UBND thành phố đã tổ chức hội thảo với các ngành liên quan và đại diện các hội doanh nghiệp nhằm phân tích những điểm tốt và chưa tốt để các ngành liên quan đề xuất các biện pháp khắc phục.

TBKTSG: Trong các chỉ tiêu được đưa ra đánh giá trong bảng xếp hạng thì vấn đề đất đai đang là trở ngại trong kinh doanh. Liệu điều này có mâu thuẫn khi Đà Nẵng được xem là thành phố có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt?

– Vấn đề đất đai chính là một trong ba chỉ tiêu Đà Nẵng bị xếp hạng thấp, đứng thứ 26/63 tỉnh thành. Đây là chỉ số mà hầu hết các đô thị lớn trong cả nước đều bị xếp loại thấp. Đối với Đà Nẵng, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đánh giá rất cao việc giải quyết các thủ tục liên quan đến đất dự án ngoài các khu công nghiệp như các dự án bất động sản ven biển hay các khu khách sạn, căn hộ và văn phòng cho thuê. Chính vì vậy mà trong những năm gần đây có khá nhiều dự án về bất động sản lớn đã được xây dựng và hoàn thành. Các thương hiệu quản lý danh tiếng cũng đã tham gia các dự án như Hyatt, Le Meridien, InterContinental… và Đà Nẵng cũng đã trở thành một trong những thị trường bất động sản hấp dẫn của cả nước hiện nay.

Đối với đất trong các khu công nghiệp, do một số chủ đầu tư các khu công nghiệp chậm triển khai về cơ sở hạ tầng nên làm chậm tiến độ một số dự án. UBND thành phố đã có chỉ đạo cho Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất và các sở liên quan yêu cầu các công ty phát triển KCN báo cáo tiến độ và thời gian hoàn thành hạ tầng khu công nghiệp tương xứng với cơ sở hạ tầng của thành phố và tạo điều kiện để các dự án được sớm triển khai và mở rộng. Với các công ty chậm trễ hoặc không có kế hoạch triển khai, UBND thành phố sẽ có biện pháp xử lý (thu hồi một phần đất hoặc xử phạt).

TBKTSG: Theo ông, để có một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa thì Đà Nẵng sẽ phải làm gì trong thời gian tới?

– Cần đẩy mạnh một số giải pháp cơ bản về nguồn nhân lực: chuẩn hóa đội ngũ cán bộ theo quy định của Nhà nước; đào tạo và thu hút người tài theo các chương trình đã và đang thực hiện tại thành phố; có chế độ khen thưởng và kỷ luật công bằng, công khai và nghiêm minh đối với cán bộ công chức trực tiếp làm việc với dân và doanh nghiệp.

Về cơ chế và chính sách, phải tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Đề án 30 (cắt giảm thủ tục hành chính); thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” trên tất cả các lĩnh vực; triển khai tích cực các giai đoạn tiếp theo của dự án E-Regulations và áp dụng cho nhiều lĩnh vực; nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp và các chương trình liên kết phát triển với các địa phương bạn; ban hành cơ chế phối hợp và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Đà Nẵng cần trang bị đồng bộ thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch qua mạng, đặt các trạm thông tin kinh tế – xã hội tại các điểm phù hợp.

Trong năm năm qua Đà Nẵng ba lần được xếp vị trí thứ hai sau Bình Dương và hai năm gần đây Đà Nẵng đã được xếp vị trí dẫn đầu. Cũng vì lẽ đó mà trong năm năm qua, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài đến với Đà Nẵng ngày càng tăng. Đặc biệt là các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và nhiều nhà đầu tư trong nước từ Hà Nội, TPHCM và các tỉnh lân cận. Mục tiêu của Đà Nẵng là luôn duy trì vị trí này song song với việc ngày càng nâng cao các chỉ số trong bảng xếp hạng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới