Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơn sợ hãi từ khủng hoảng ngân hàng Bồ Đào Nha

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơn sợ hãi từ khủng hoảng ngân hàng Bồ Đào Nha

Phúc Minh

Cơn sợ hãi từ khủng hoảng ngân hàng Bồ Đào Nha
Ngân hàng niêm yết lớn nhất của Bồ Đào Nha Banco Espírito Santo (BES) gặp khủng hoảng tài chính tạo ra cơn hoảng loạn trên thị trường toàn cầu tuần trước. Ảnh: WSJ

(TBKTSG) – Tuần qua, thông tin ngân hàng niêm yết lớn nhất của Bồ Đào Nha Banco Espírito Santo (BES) gặp khủng hoảng tài chính tạo ra cơn hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu châu Âu, thị trường bên ngoài khu vực đồng euro cũng biến động đáng kể, gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tài chính sáu năm trước (“thời điểm Lehman” 2008). Liệu châu Âu có trở thành nơi bùng nổ vòng mới của cuộc khủng hoảng tài chính?

Sức khỏe của ngân hàng lần nữa trở thành tâm điểm chú ý

Ngày 10-7, tập đoàn tài chính Espírito Santo (ESFG), cổ đông lớn nhất của BES, tuyên bố đình chỉ giao dịch chứng khoán và trái phiếu của công ty với lý do công ty mẹ ESI đang gặp khó khăn đáng kể. Cùng ngày, chỉ số PSI 20 của Bồ Đào Nha giảm 4,9%, xuống mức thấp nhất trong chín tháng qua, với 19/20 cổ phiếu giảm.

Ngoài Bồ Đào Nha, các thị trường khác của châu Âu cũng giảm theo. Chỉ số FTSE MIB của Ý giảm 2,5%, trong khi chỉ số Ibex 35 của Tây Ban Nha giảm 2,6%. Cổ phiếu Mỹ cũng bị kéo xuống. Một số ngân hàng Ý tạm ngừng giao dịch cổ phiếu. Công ty dược phẩm Ý Rottapharm do không đạt được giá phát hành mong đợi phải từ bỏ việc niêm yết trên thị trường. Ngân hàng Nhân dân Tây Ban Nha lên kế hoạch bán trái phiếu ngày 11-7 nhưng biến động thị trường khiến ngân hàng này phải từ bỏ kế hoạch.

Bị ảnh hưởng bởi nhu cầu trú ẩn an toàn, tỷ lệ thu lợi trên trái phiếu thời hạn 10 năm của Đức đạt mức thấp kỷ lục, trong khi giá vàng tăng vọt lên 1.346 đô la Mỹ/ounce – mức cao nhất trong bốn tháng qua.

Chiến lược gia Jim Reid của Deutsche Bank cho rằng vấn đề của Ngân hàng BES đồng nghĩa sức khỏe của các ngân hàng ở các nền kinh tế tương đối yếu tại eurozone lần nữa trở thành tâm điểm chú ý.

Một ngân hàng hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng BES cho biết BES đang thiếu từ 2-3 tỉ euro tiền mặt. Tuy nhiên, Thủ tướng Bồ Đào Nha đã tuyên bố sẽ không có bất kỳ sự can thiệp, hỗ trợ nào của chính phủ nước này trong vấn đề tài chính của BES.

“Chỉ là cơ bão trong tách trà”

Ngày 11-7, Ngân hàng Société Générale (SG) – một trong ba ngân hàng lớn nhất của Pháp – ra thông cáo cho rằng sự hoảng loạn của thị trường chỉ là “báo động giả”, cuộc khủng hoảng tài chính của ngân hàng niêm yết lớn nhất của Bồ Đào Nha BES chỉ là “cơn bão trong tách trà” và sẽ không gây ra thảm họa tài chính toàn cầu.
SG chỉ ra tỷ lệ thu lợi trên trái phiếu Bồ Đào Nha đã quay đầu tăng trở lại trong ngày 11-7 với tỷ lệ thu lợi trên trái phiếu kỳ hạn năm năm của Bồ Đào Nha khoảng 2,7%, trong khi tỷ lệ thu lợi trên trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 4%. Một số nhà đầu tư sợ hãi triển vọng xếp hạng tín dụng Ba2, BB của Bồ Đào Nha do các phương tiện truyền thông thông tin “vỡ nợ trái phiếu của ngân hàng niêm yết lớn nhất Bồ Đào Nha” không chính xác.

Đầu tiên, SG lưu ý đối tượng có vấn đề không phải Ngân hàng BES mà là cổ đông của ngân hàng: tập đoàn ESFG, ESI. ESI có 49% cổ phần của tập đoàn tài chính Espírito Santo (ESFG), ESFG có 25% cổ phần của Ngân hàng BES.

Trước đó, một cuộc kiểm toán của Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha phát hiện vấn đề tài chính của tập đoàn khổng lồ ESI – thuộc một trong những gia tộc có sức ảnh hưởng của Bồ Đào Nha Espírito Santo – và tiết lộ một số vi phạm trong vấn đề kế toán của tập đoàn này. Ngoài ra, tập đoàn này còn lợi dụng một số ngân hàng để phát hành trái phiếu, trong đó có ngân hàng niêm yết lớn nhất của Bồ Đào Nha BES.

Vì vậy, Ngân hàng BES chỉ là đối tượng bị ảnh hưởng. Ngân hàng này cũng cho biết vấn đề của cổ đông của họ sẽ không làm cho ngân hàng đối mặt với nguy cơ thiếu hụt tiền mặt.

Thứ hai, BES đã thiết lập bức tường lửa theo hướng dẫn của Chính phủ Bồ Đào Nha và đang được Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha giám sát trực tiếp. Sự kiểm soát của chính phủ với hội đồng quản trị của ngân hàng cũng lớn hơn so với trước đây. Ngày 10-7, Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha cũng đã trấn an “khả năng thanh toán của Ngân hàng BES là đáng tin cậy”.

Cuối cùng, SG kết luận: “Mặc dù chúng tôi luôn nghĩ rằng có những rủi ro tiềm tàng và cảm thấy đau lòng về việc thiếu các cải cách cơ cấu ở châu Âu nhưng chúng tôi không tin Ngân hàng BES có thể tái kích hoạt cuộc khủng hoảng nợ châu Âu”.

SG cũng cho biết so với “cuộc khủng hoảng mini” ở Bồ Đào Nha, các nhà đầu tư nên quan tâm đến các dữ liệu kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp trong quí 2-2014 có thấp hơn dự báo hay không​​, những điều này mới là yếu tố cốt lõi thực sự ảnh hưởng đến xu hướng thị trường toàn cầu.

Đến cuối tuần qua, chứng khoán châu Âu đã lấy lại thăng bằng, ngày 11-7, thị trường chứng khoán Lisbon đã tăng điểm trở lại 0,62% lên 6.142,87 điểm, sau khi giảm mạnh 4,18% trong ngày trước đó. Chứng khoán châu Á phục hồi chậm hơn, sau khi đã giảm từ 0,3-0,7% những ngày trong “cơn sợ hãi”, đến nay các thị trường Tokyo, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan đều đã tăng trở lại.

Dẫu có thể chỉ là cơn bão trong tách trà, nhưng cơn sợ hãi từ vụ khủng hoảng Ngân hàng BES lan khắp toàn cầu cho thấy châu Âu chỉ mới ở thời kỳ đầu của giai đoạn phục hồi, và hãy còn rất dễ bị tổn thương.

BES và gia tộc Espírito Santo

Khi thông tin Ngân hàng BES gặp khủng hoảng tài chính tạo ra cơn hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu, nhiều người đặt câu hỏi gia tộc Espírito Santo có bối cảnh như thế nào mà có sức ảnh hưởng như vậy.

Đế chế khổng lồ Espírito Santo bắt đầu hoạt động từ năm 1869 với ngành kinh doanh ngoại hối, cuối cùng phát triển thành Ngân hàng BES.

Năm 1975, với việc chế độ chuyên quyền của Bồ Đào Nha bị lật đổ, Ngân hàng BES bị quốc hữu hóa. Một số thành viên gia đình Espírito Santo phải rời khỏi Bồ Đào Nha, thành lập doanh nghiệp tại Brazil, Thụy Sỹ và Vương quốc Anh… Nhưng dưới sự bao bọc của công ty mẹ ESI, hoạt động kinh doanh của gia tộc này vẫn tiếp tục phát triển. Năm 1991, Ngân hàng BES lại tư nhân hóa, vì vậy gia tộc Espírito Santo bắt đầu xây dựng lại doanh nghiệp và đầu tư lớn trên lãnh thổ Bồ Đào Nha.

Trong hơn 100 năm phát triển, tập đoàn doanh nghiệp gia đình này không ngừng mở rộng, kinh doanh từ khách sạn, bệnh viện, ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp đến các hoạt động thương mại đa dạng khác.

Tuy nhiên, ESI có trụ sở chính tại Luxembourg, thuộc sở hữu tư nhân nên thế giới ít biết về khả năng tài chính của tập đoàn này. Việc vấn đề tài chính của tập đoàn ESI, ESFG có ảnh hưởng đến Ngân hàng BES do quản lý các tập đoàn và ngân hàng nói trên (ESI, ESFG, BES) có một số thành viên của gia đình Espírito Santo, bao gồm Giám đốc điều hành BES kiêm Chủ tịch ESFG Ricardo Salgado. Ông Salgado vừa rời khỏi công ty mẹ ESI và cũng từ nhiệm chức CEO của Ngân hàng BES. Theo yêu cầu của Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha, nhằm kiểm soát khủng hoảng, cuối tháng này, Ngân hàng BES sẽ phải thay thế ban điều hành mới dưới sự lãnh đạo của Vitor Bento – cựu chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới