Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Con số nào đúng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Con số nào đúng?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Không cần là tài năng toán học, ai cũng biết sự khác biệt giữa 1% và 30% là rất lớn. Thế nên giải thích vì sao có sự khác biệt này quả là một bài toán khó đối với Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình khi ông đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào tuần trước.

Bài toán xem chừng càng hóc búa hơn khi người ra đề lại không phải ai khác hơn là một trong những cấp trên của Bộ trưởng Bình, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong khi phó thủ tướng nêu vấn đề có đến 30% công chức – viên chức nhà nước không làm được việc, thì điều tra của Bộ Nội vụ chỉ đưa ra một con số vô cùng khiêm tốn: 1%!

Dù rằng trong giải trình trước các nhà lập pháp, Bộ trưởng Bình đã làm giảm nhẹ nhận xét của cấp trên bằng cách nói rằng con số 30% đó chỉ là “dư luận”. Tuy nhiên, “dư luận”, như chữ dùng của ông, hay nói khác đi một cách mạnh mẽ hơn, công luận, lại nhìn vấn đề này không nhẹ nhàng chút nào!

Dĩ nhiên, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không nói đùa. Dù tỷ lệ ông đưa ra có thể chưa phải là con số chính xác hoàn toàn. Nhưng công luận hoàn toàn có thể đòi hỏi Bộ trưởng Bình đi tìm con số chính xác vì chỉ bằng cảm quan không thôi, người dân đã có thể đặt vấn đề về hiệu năng của bộ máy công quyền mà Bộ trưởng Bình chính là người tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, không phải bằng cảm quan như “dư luận”, đại biểu Huỳnh Nghĩa của Đà Nẵng đã đưa ra một con số chính xác khiến người ta không khỏi lo lắng về chuyện phình ra của bộ máy công quyền. “Có bộ có đến bảy, tám thứ trưởng trong khi quy định chỉ có bốn”, ông Nghĩa chất vấn. TBKTSG đã lần lượt vào các cổng thông tin điện tử của các bộ để xem mục “giới thiệu lãnh đạo” và thấy rằng các bộ đều có số lượng thứ trưởng ít nhất là năm. Đầu tháng 10, hai thứ trưởng về hưu làm cho số thứ trưởng của hai bộ chỉ còn bốn đúng như quy định – đó là Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT) và Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN). Ở các bộ khác, hai con số sáu và bảy cũng không quá hiếm. Còn bộ “dẫn đầu” về số thứ trưởng là Bộ Tài chính – với chín vị, con số không thay đổi từ thời Bộ trưởng Vương Đình Huệ đến Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Cấp thứ trưởng – cấp quan chức không hề thấp trong Chính phủ – thế mà “biên chế” đã xấp xỉ hai lần con số cho phép. Thử hỏi, liệu các cấp thấp hơn có tuân thủ các nguyên tắc, quy định về tổ chức nhân sự hay không? Ai sẽ là người kiểm tra vấn đề này và biện pháp gì sẽ được áp dụng để chấm dứt tình trạng này?

Vài tháng trước đây, Phó thủ tướng vừa được bổ nhiệm Vũ Đức Đam, khi ấy còn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho báo chí biết chi lương cho bộ máy công chức – viên chức chiếm một phần rất lớn trong ngân sách. Theo ông, nếu ngân sách thu 100 đồng, khoảng 15% dành cho trả nợ. Đầu tư phát triển trước đây chiếm khoảng 40%, đã chỉ còn khoảng 20% năm 2012. Số 65% còn lại là chi thường xuyên, trong đó khoảng một nửa là chi lương cho công chức, viên chức.

Như vậy, giảm biên chế cũng có nghĩa là giảm gánh nặng ngân sách, và trong bối cảnh Việt Nam hiện nay cũng là giảm nợ công. Thế nên, không lạ gì việc công luận đã rộ lên những đề nghị cắt giảm biên chế tiếp theo sau thông tin có đến 30% công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Có người còn đề nghị thẳng tay cắt giảm số 30% dư thừa để tăng lương cho số người còn lại nhằm tăng hiệu năng của bộ máy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới