Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Con tàu” và “bến đỗ”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Con tàu” và “bến đỗ”

Phòng ăn tràn ngập ánh sáng ở Campus Effiscience Park.

(TBVTSG) – Hongkong Science Park (www.hkstp.org), Stockley Park (www.stockleypark.co.uk) và Campus Effiscience Park (www.campus-effiscience.com) là những khu công nghệ cao tọa lạc ở ba nơi khác nhau, với ba hình thức đầu tư khác nhau, nhưng đều thành công nhờ dựa vào một nền tảng chung: phát triển dựa trên cơ sở của một khu công viên khoa học và giải quyết được những mâu thuẫn giữa các bên tham gia để phát triển.    

Nói đến khu công nghệ cao, khu công nghệ hay công viên phần mềm, không thể không nhắc đến khu công viên khoa học (Science Park). Ông Trần Hữu Hoàng Phú – đại diện cho Công ty Tư vấn thiết kế quy hoạch các khu công nghệ cao DEGW(*) của Pháp tại Việt Nam – cho rằng Science Park là mô hình cơ bản để các quốc gia hay tập đoàn nghiên cứu kỹ trước khi quyết định quy hoạch tổng thể cho một khu công nghệ cao hay khu công viên phần mềm.  

Science Park cổ xưa  

Theo ông Hoàng Phú, vì công nghệ phần mềm máy tính bùng nổ vào thập niên 1990 ở Silicon Valley nên nó gắn liền với các tập đoàn dotcom. Thực chất, khu công nghệ phần mềm là một phần của khu công nghệ cao và khu công nghệ cao phát triển trên cơ sở của mô hình công viên khoa học.  

Có bốn yếu tố chính chi phối một mô hình khu công viên khoa học. Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương. Thứ hai, các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan nghiên cứu khoa học – nơi sản sinh ra những dự án nghiên cứu, sáng chế… Thứ ba, các doanh nghiệp công nghệ cao do những người tốt nghiệp từ các trường đại học trong Science Park đứng đầu và cuối cùng là nhà đầu tư mạo hiểm.  

Silicon Valley của Mỹ là mô hình Science Park cổ xưa nhất nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay. Dù đã có nhiều thay đổi so với thời kỳ mới thành lập, Silicon Valley vẫn dựa vào các trường đại học để phát triển các dự án nghiên cứu của sinh viên, của nhà nghiên cứu thành các ứng dụng thực tế, sau đó đi đến doanh nghiệp.  

Công nghệ thay đổi kèm theo những biến động kinh tế trong nhiều năm qua, các mô hình khu công nghệ cao trên thế giới có những điểm khác biệt nhau nhưng tựu trung có ba mô hình chính: khu công viên phần mềm do nhà nước đầu tư hoàn toàn như Hongkong Science Park, khu công viên phần mềm có 100% vốn tư nhân như Stockley Park và mô hình hỗn hợp do nhà nước và tư nhân cùng làm với điển hình là Campus Effiscience Park.  

Công viên phần mềm hiện đại  

Mô hình Hongkong Science Park (HKSP) ra đời vào khoảng cuối thập niên 1990 với mục tiêu xây dựng một trung tâm (hub) dành cho các tập đoàn đa quốc gia. HKSP do nhà nước đầu tư hoàn toàn và có ba giai đoạn xây dựng. Chính quyền Hồng Kông lúc đó đầu tư rất nhiều tiền bạc để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và xây dựng các phòng thí nghiệm, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại nhất thế giới vào thời điểm đó.  

Giai đoạn 1 bắt đầu khai thác từ năm 2004, hàng loạt các tập đoàn đa quốc gia trong bốn lĩnh vực điện tử, sinh học, cơ khí chính xác và công nghệ thông tin-viễn thông đặt đại bản doanh ở đây. Giai đoạn 2 bắt đầu vào giữa năm 2007 sử dụng các hạ tầng này và tạo điều kiện cho các công ty nhỏ và vừa ở Hồng Kông vào làm việc ở HKSP. Giai đoạn 3 hiện đang xây dựng.  

Thành công của HKSP là chính quyền Hồng Kông lúc đó đã xác định rõ mục tiêu phát triển trước tiên là sử dụng ngoại lực. Vì vậy, họ đã đưa ra những gì hay nhất, hiện đại nhất để thu hút các tập đoàn đa quốc gia. Bước kế tiếp, HKSP cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa thâm nhập vào nhằm tạo ra một thị trường cho Hồng Kông.     

Khác với HKSP, Stockley Park (Vương quốc Anh) do tư nhân đầu tư toàn bộ. Các tập đoàn tự tìm hiểu và thỏa thuận với nhau về quy hoạch chung, rồi quy hoạch chi tiết theo cách tất cả các bên tham gia đều có thể chia sẻ với nhau về điều kiện làm việc, hợp tác kinh doanh… một cách “hữu nghị” nhất. Sau khi thống nhất quy hoạch, địa điểm…, các tập đoàn này sẽ đệ trình lên chính phủ để được cấp phép.  

Trong khi đó, Campus Effiscience Park gắn liền với các tập đoàn kinh tế thuộc châu Âu. Quyền lợi kinh tế được chia sẻ giữa các hiệp hội doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với nhau và các ngân hàng. Mô hình hỗn hợp do nhà nước hay chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân cùng làm rất phổ biến ở châu Âu và các nhà quản lý thường liên kết để tạo sự hấp dẫn cho khu vực hay các vùng lân cận nhau.  

Ba đối tượng chính có ảnh hưởng đến mô hình như Campus Effiscience Park gồm: 1. Các nhà quản lý địa phương làm cầu nối giữa các nhà doanh nghiệp với nhau và giữa các doanh nghiệp với các ngân hàng. 2. Nhà kinh doanh bất động sản chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng. 3. Các doanh nghiệp tham gia vào công viên.  

Ba đối tượng này phải thảo luận rất chi tiết và quyết định các mô hình cụ thể có liên quan đến môi trường và điều kiện làm việc cũng như điều kiện sinh sống cho nhân viên. Campus Effiscience Park được tổ chức theo dạng công ty cổ phần, trong đó nhà nước giữ một số cổ phần nhất định và công ty cổ phần này sẽ chịu trách nhiệm quản lý khu công viên phần mềm.  

Doanh nghiệp tham gia vào công viên phần mềm tự bỏ tiền ra để xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc và trả tiền thuê đất cho các công ty bất động sản. Các công ty bất động sản xây dựng hạ tầng theo đúng thỏa thuận với các doanh nghiệp. Campus Effiscience Park đã thành công nhờ ba nhóm thành viên chính đã làm việc rất nhiều với nhau để tạo ra môi trường làm việc và sinh sống hoàn hảo.  

Những điều kiện tiên quyết  

Theo ông Hoàng Phú, điều kiện tiên quyết là công viên phần mềm phải tạo ra môi trường sống và làm việc tốt. Môi trường làm việc tốt không chỉ đơn thuần là điều kiện làm việc thuận lợi, đầy đủ trang thiết bị mà còn phải giúp nhân viên suy nghĩ sáng tạo, vì sáng tạo là cơ sở để tạo ra những giá trị gia tăng.  

Nếu bạn thấy ở công ty nào mà các nhân viên trong nhóm thường tranh luận với nhau, các CIO hay CEO thảo luận với nhau, thì nơi ấy đang có môi trường làm việc tốt. Người làm việc cũng cần những dịch vụ phục vụ cho đời sống cá nhân và gia đình của mình, cần được giải trí và các chính sách hỗ trợ khác.  

Ví dụ, nhân viên làm việc ở khu công viên phần mềm được tính với giá chỉ bằng một nửa so với bảng giá gốc khi ăn ở một nhà hàng trong công viên. Số tiền 50% còn lại sẽ do công ty nơi họ đang làm việc, công ty bất động sản, ngân hàng và nhà quản lý thanh toán… Đơn giản là vì người làm việc ở công viên phần mềm trải qua phần lớn thời gian trong ngày của mình ở đó. Họ phải được hưởng những sự hỗ trợ đặc biệt.  

Nếu ví các doanh nghiệp trong công viên phần mềm là những con tàu thì địa phương nơi có công viên là bến cảng. Những con tàu có thể đến rồi đi, nhưng địa phương phải tạo ra và phải là một bến đỗ hấp dẫn để tàu đi rồi sẽ quay lại, tàu đến sẽ lưu lại lâu hơn. Vai trò của nhà quản lý ở địa phương rất quan trọng vì không những giúp hình thành các công viên phần mềm mà còn giúp tạo ra một cộng đồng, một thị trường xoay quanh các công viên đó.

PHƯƠNG ANH

(*) Công ty DEGW (degw.com) chuyên tư vấn thiết kế quy hoạch các khu công nghệ cao. DEGW hiện đang làm quy hoạch chi tiết cho Khu Công nghệ cao TP.HCM. Ngoài ra, DEGW còn thực hiện các công trình nghiên cứu về các khu công viên phần mềm, khu công nghệ cao tại Việt Nam và Đông Nam Á.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới