Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Con tôm tìm cách “búng” qua vũng lầy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Con tôm tìm cách “búng” qua vũng lầy

Tôm nuôi của Việt Nam có giá thành cao chính là khó khăn lớn nhất trong xuất khẩu tôm hiện nay-Ảnh: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) – Chưa bao giờ xuất khẩu tôm – mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu thủy sản, lại khó khăn như hiện nay, mà nguyên nhân khủng hoảng tài chính toàn cầu chỉ một phần nhỏ, phần lớn lại do chính những yếu kém nội tại trong chuỗi sản xuất -chế biến tôm trong nước.

Tại hội nghị toàn thể của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) hôm 16-1 tại TPHCM cho thấy xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ suy giảm nặng nề. Trong đó, điều đáng lo ngại nhất là con tôm sú – sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản hơn 10 năm qua đang suy giảm nghiêm trọng, dù xuất khẩu tôm năm ngoái vẫn vượt chỉ tiêu.

Xuất khẩu tôm sú năm nay có thể giảm 30%

Hơn chục năm qua, tôm sú đông lạnh vẫn là mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam trong xuất khẩu và năm nay cũng vậy. Nhưng theo ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Vasep, năm ngoái cả nước xuất khẩu tôm được 1,62 tỉ đô la Mỹ, tăng chỉ 7,7% so với năm 2007 trong khi cả ngành thủy sản tăng tới 20%.

Xét trong cả một quá trình hơn chục năm qua thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm đang có chiều hướng đi xuống khi chỉ còn chiếm tỷ trọng 36% nếu so với tỷ trọng 40% của năm 2007 và hơn 50% trong các năm trước, thời hoàng kim của con tôm sú.

Trong phân tích của mình Vasep cho rằng các thị trường xuất khẩu tôm truyền thống của Việt Nam trong năm ngoái và năm nay như Nhật, Mỹ, EU đều đang khủng hoảng tài chính nặng nề, các thị trường mới như Nga, Ukraina, Hàn Quốc thì không ổn định và sức mua tôm của thị trường thế giới giảm đồng loạt. Ngoài ra, tỷ giá đồng tiền của nước nhập khẩu so với đô la Mỹ không ổn định, thậm chí phá giá mạnh, cũng làm khó khăn cho tôm Việt Nam khi trở nên đắt đỏ hơn tôm của các đối thủ cạnh tranh.

Ông Lê Văn Quang, Phó chủ tịch Vasep và là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Minh Phú – nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam hiện nay, trong dự báo của mình đã cho rằng kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay có thể suy giảm ít nhất 30% so với năm 2008.

Chuyện ngược đời

Có lẽ cũng do suy thoái kinh tế, thu nhập của người tiêu dùng thế giới giảm mà nhu cầu tiêu thụ tôm lại thay đổi so với nhiều năm qua, lúc trước họ thường mua tôm kích cỡ (size) lớn thì nay lại mua kích cỡ nhỏ có giá rẻ.

Thế nhưng sự thay đổi trong tập quán nuôi tôm trong nông dân lại theo không kịp. Từ nhiều năm qua, ngành thủy sản và nông dân luôn hướng tới sản phẩm tôm kích cỡ lớn có giá cao, nên theo ông Quang, qua thu mua tôm của nông dân ở ĐBSCL, ông đoán có tới hơn 50% tôm của nông dân thu hoạch là tôm cỡ lớn, 16-20 con/kg. Trước sức ép phải mua tôm của nông dân, doanh nghiệp phải mua tôm cỡ lớn nhưng khách hàng thì không mua. “Hiện các nhà máy chế biến tôm đang tồn kho tôm cỡ lớn từ năm ngoái chuyển sang mà không bán được, phải chịu lãi suất ngân hàng cao lúc đó”, ông Quang cho hay.

Trong khi tôm cỡ nhỏ, giá thấp lại không đủ để bán, sản xuất bấy nhiêu khách hàng đặt mua bấy nhiêu. Những khó khăn của nền kinh tế  và của xuất khẩu tôm vào cuối năm ngoái đã khiến nhiều nông dân không thả nuôi tôm. Nhiều doanh nghiệp cung cấp tôm giống cho biết lượng tôm giống mà nông dân đặt hàng năm nay quá thấp, mà ông Quang cho là báo hiệu một mùa vụ thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng, các nhà máy phải hoạt động dưới công suất, thậm chí cầm chừng.

“Nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa gặp nhau, chúng tôi cần mua tôm cỡ nhỏ, thời gian nuôi ngắn thì nông dân lại vẫn cứ cố nuôi tôm cỡ lớn, đầu tư cao, bán không được thì kêu lên, rồi chúng tôi vẫn phải cố mua và lại cứ tồn kho tôm không bán được”, ông Quang bức xúc.

Bài toán chi phí

Ngay cả tôm thẻ chân trắng mà nông dân Việt Nam mới nuôi rộng rãi gần đây với lợi thế giá rẻ, dễ nuôi vẫn có chi phí cao hơn tôm thẻ các nước-Ảnh: Hồng Văn.

Phó chủ tịch Vasep Nguyễn Hữu Dũng thừa nhận khó khăn hiện nay của xuất khẩu tôm nói riêng và của cả ngành thủy sản nói chung, không phải chỉ đơn thuần là do thị trường thế giới, mà do chính nội tại của chuỗi quy trình sản xuất từ nông dân tới nhà máy. Hay nói khác hơn, chính là bài toán chi phí sản xuất, cụ thể là chi phí sản xuất tôm của Việt Nam hiện đang cao ngất ngưởng.

Các doanh nghiệp chế biến tôm cho biết tôm sú của Thái Lan có già thành sản xuất quy ra tiền Việt Nam chỉ có 35.000 đồng/kg thì tôm Việt Nam có giá thành tới hơn 60.000 đồng/kg do nuôi manh mún, trải qua nhiều tầng mua bán mới tới nhà máy. Ông Dũng nói vui là không ở đâu như Việt Nam, tôm từ nông dân tới nhà máy phải trải qua “ba bốn tầng đầu nậu, vựa”.

Do giá thành như vậy nên nông dân muốn nuôi tiếp thì phải bán tôm cho nhà máy hơn 76.000 đồng/kg (tính bình quân), trong khi với giá xuất khẩu hiện nay thì nhà máy chỉ có thể mua dưới 70.000 đồng/kg. Cho nên, mua theo giá của nông dân thì doanh nghiệp lỗ, còn không mua thì nông dân lỗ, lại không thả nuôi, nhà máy lại tiếp diễn cảnh thiếu nguyên liệu.

Ngay cả tôm thẻ chân trắng cũng tương tự, ở ĐBSCL nông dân bán 54.000 đồng/kg loại 100 con mỗi kg, nhưng ở Thái Lan giá tôm thẻ chỉ 44.000 đồng/kg lại được đấu giá chọn kích cỡ, vận chuyển về Việt Nam tính ra toàn bộ chỉ có 47.000 đồng/kg, vẫn rẻ hơn tôm thẻ chân trắng của Việt Nam.

Nhưng các đầu nậu và vựa thủy sản – tầng nấc trung gian giữa nông dân và nhà máy cũng không hẳn là nhân tố quan trọng nhất, khó khăn mà các nhà máy chế biến tôm đang đối mặt chính là giá thức ăn nuôi tôm.

Ông Quang cho biết giá thức ăn tôm được các nhà nhập khẩu Thái Lan chào bán cho công ty của ông (Minh Phú có nuôi tôm) chỉ có 600-700 đô la Mỹ mỗi tấn tại cảng Sài Gòn, hạch toán chi phí khi về tới kho của doanh nghiệp chỉ có 12.000 đồng/kg thức ăn tôm, trong khi giá thức ăn cho tôm trong nước hiện nay, dù đã giảm 25-30% so với cuối năm ngoái, vẫn còn tới 16.000 đồng/kg.

“Thức ăn chiếm tới 70-80% giá thành nuôi tôm mà thức ăn nhập khẩu của Thái Lan rẻ như vậy thì thức ăn cho tôm tại thị trường của họ còn rẻ hơn, nông dân họ nuôi tôm có giá thành thấp là điều dễ hiểu”, ông Quang nói.

Trước tình hình này, gần đây, các nhà máy chế biến tôm có tham gia nuôi tôm, cùng các chủ trang trại nuôi tôm đấu tranh với các nhà máy cung cấp thức ăn tôm theo kiểu: “Nếu thức ăn các anh bán quá đắt nông dân không dám thả nuôi tôm thì nhà máy chế biến chúng tôi “chết” mà các anh cũng “chết” theo, thôi thì mỗi bên chấp nhận thiệt một chút để cùng sống vượt qua khó khăn”.

Ông Trần Thiện Hải cho biết hiện tại sản phẩm tôm của Việt Nam rất khó cạnh tranh trên thị trường thế giới với các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia khi họ luôn chào giá tôm đông lạnh thấp hơn của Việt Nam 1-2 đô la Mỹ/kg.

Khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam yếu hơn các đối thủ còn ở chính sách vĩ mô khi các nước xuất khẩu thủy sản phá giá đồng nội tệ của mình so với đô la Mỹ tới 20-30% thì Việt Nam tính ra dưới 10% trong năm 2008, nên tôm Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn tôm các nước.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới