Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Con “virus trì trệ” còn đáng lo hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Con “virus trì trệ” còn đáng lo hơn

Ngọc Khanh

(TBKTSG) – Dịch bệnh Covid-19 sẽ làm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại và do đó nhu cầu tín dụng để đầu tư nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm 2019. Để vực dậy đà tăng trưởng, nới lỏng chính sách tài khóa để đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng là giải pháp khả thi, nhưng lại đang bị ngăn trở bởi con “virus trì trệ”.

Kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại

Số liệu năm 2019 cho thấy Trung Quốc hiện là quốc gia chiếm 15,7% kim ngạch xuất khẩu, 29,8% kim ngạch nhập khẩu và 32,2% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Hiện nay do ảnh hưởng của dịch cúm gây ra bởi virus corona (Covid-19) nên gần như các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bị tạm dừng, hoạt động thương mại qua các cửa khẩu đường bộ cũng bị gián đoạn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh theo chiều hướng tiêu cực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống kê mới đây đã đưa ra những đánh giá sơ bộ về những thiệt hại mà nền kinh tế của Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt trong năm 2020.

Đầu tiên là sụt giảm nghiêm trọng về lượng du khách quốc tế, đặc biệt là du khách đến từ Trung Quốc. Theo đó, khách du lịch Trung Quốc được dự báo có thể sụt giảm tới 90-100% trong tháng 2 và 3, và 30% cho cả năm 2020. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến từ các nước ngoài Trung Quốc trong tháng 2 và 3 cũng được dự báo sẽ giảm khoảng 50-60% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, mục tiêu thu hút 20,5 triệu du khách quốc tế mà ngành du lịch đặt ra cho năm 2020 gần như chắc chắn sẽ không đạt được(1). Tổng cục Du lịch ước tính số tiền thiệt hại của toàn ngành du lịch (lưu trú, ăn uống và đi lại) có thể lên tới 5,9-7,7 tỉ đô la(2).

Trong khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc được dự báo cũng sẽ sụt giảm 8-10% so với con số của năm 2019. Bên cạnh nguyên nhân đến từ việc gián đoạn lưu thông hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam, cả nội địa và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đều đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Do đó, chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp này đang bị ảnh hưởng do thiếu nguyên liệu sản xuất. Ngay cả những doanh nghiệp lớn như LG, Samsung hay Formosa cũng sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.

Bên cạnh việc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp thì hoạt động thương mại sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê thì mức hụt thu ngân sách trong năm 2020 có thể dao động trong khoảng 20.000-40.000 tỉ đồng, tương đương với mức giảm khoảng 1,3-2,6% so với dự toán ban đầu của Bộ Tài chính. Chính vì vậy mà mới đây Bộ KH&ĐT đã dự báo khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8% trong năm 2020 của Chính phủ là rất khó khả thi. Con số mà cơ quan này ước tính sẽ chỉ dao động trong khoảng 6,09% và 6,27%.

Tín dụng cũng sẽ tăng trưởng ở mức thấp

Nền kinh tế của Việt Nam vốn được xem là phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng. Chính vì vậy mà tỷ trọng tín dụng trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam luôn đứng trong tốp đầu ở cả châu Á và trên thế giới. Phân tích cơ cấu tín dụng của Việt Nam cho thấy, 79,3% nguồn vốn là dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, trong khi chỉ có 20,7% phục vụ cho nhu cầu đời sống của người dân(3). Do đó, việc các ngành kinh tế bị tác động theo chiều hướng tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu vay vốn từ các ngân hàng trong năm 2020.

Số liệu cho thấy trong năm 2019, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt mức 13,7%, thấp hơn so với mức 13,9% của năm 2018. Hiện rất khó dự báo chính xác mức tăng trưởng tín dụng của cả năm 2020 sẽ là bao nhiêu, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến tiếp theo của dịch Covid-19. Nếu dựa vào hai kịch bản mà Bộ KH&ĐT đưa ra trong năm 2020 với các mức tăng trưởng 6,09% và 6,27%, đồng thời giữ nguyên giả định về tỷ trọng tín dụng trên GDP như của năm 2019 ở mức 136%, thì mức tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ chỉ vào khoảng 10,1-11,1%. Nếu vậy thì đây là con số được xem là chỉ tương đương với mức tăng trưởng của năm 2011 khi mà Chính phủ Việt Nam triển khai tái cơ cấu nền kinh tế gắn với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Diễn biến trên thị trường liên ngân hàng hiện nay cũng cho thấy thanh khoản của toàn hệ thống đang rất dồi dào. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hút tiền khỏi nền kinh tế thông qua việc phát hành tín phiếu với kỳ hạn lên tới 91 ngày, nhưng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm mạnh xuống mức thấp. Nhiều ngân hàng cũng đã giảm sâu lãi suất huy động so với thời điểm trước Tết Âm lịch. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn sáu tháng hiện chỉ dao động quanh mức 6,8-7,3%/năm, giảm tới 0,3-0,5 điểm phần trăm so với cách đây một tháng. Kết quả này cho thấy nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế đang giảm đi đáng kể.

Cần sớm có các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ

Hiện nay một số nước đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19 đã thực hiện chính sách kích thích nhằm giúp nền kinh tế tránh được sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng.

Trung Quốc bơm ra thị trường hơn 240 tỉ đô la Mỹ thông qua hệ thống ngân hàng để tạo thanh khoản; yêu cầu các ngân hàng duy trì cho vay đối với các công ty nhỏ; khuyến khích cho vay trung và dài hạn, rút ngắn thời gian xem xét và giải ngân các khoản vay trong vòng hai ngày; giảm lãi suất vay và miễn lãi quá hạn cho các khoản vay…

Trong khi đó, ngày 4-2, Thái Lan cũng đã hạ lãi suất điều hành từ 1,25% xuống 1%, đồng thời nới lỏng các điều khoản trả nợ, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng 3 đến tháng 6.

Philippines cũng đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,75% cũng như giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) và lãi suất cho vay qua đêm đối với các tổ chức tín dụng kể từ ngày 6-2.

Singapore, Malaysia thì đang cân nhắc để đưa ra các gói kích thích kinh tế trong thời gian tới…

Tuy nhiên, các giải pháp này có lẽ chưa phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, lạm phát đang là yếu tố không thuận lợi để thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Mức lạm phát bình quân mà Bộ KH&ĐT đang dự báo nằm trong khoảng 3,96% và 4,86% cho năm 2020. Đây là mức cao hơn rất nhiều so với con số 2,79% của năm 2019. Bài học về việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2009 thông qua gói hỗ trợ lãi suất cho vay trị giá 1 tỉ đô la đã gây ra mức lạm phát lên tới gần 19% vào năm 2011 vẫn còn nóng. Do đó, sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế sẽ là giải pháp phù hợp cho Việt Nam vào thời điểm hiện nay.

Trọng tâm của chính sách tài khóa nới lỏng là đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và/hoặc các nguồn vốn được bảo lãnh bởi Chính phủ hay còn được gọi là đầu tư phát triển hay đầu tư công tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đáng buồn là tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này trong những năm gần đây chỉ đạt tỷ lệ 60-70% so với dự toán. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ quả trên nhưng quan trọng nhất chính là tâm lý sợ trách nhiệm trước mỗi kỳ đại hội Đảng đang kìm hãm khả năng giải ngân nguồn vốn này. Như vậy xem ra khả năng Việt Nam có hoàn thành được các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2020 hay không đang phụ thuộc rất nhiều vào khả năng xử lý những con virus “trì trệ” của nhiều cán bộ công chức hiện nay như lời nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ trong một cuộc họp gần đây.

(1) http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2020-01-23/viet-nam-phan-dau-don-hon-20-trieu-luot-khach-quoc-te-nam-2020-81841.aspx

(2) https://vov.vn/kinh-te/nganh-du-lich-thiet-hai-tu-59-77-ty-usd-do-dich-virus-corona-1007421.vov

(3) https://vietnamfinance.vn/du-no-tin-dung-bat-dong-san-den-thang-8-tang-gan-15-chiem-gan-15-tong-du-no-tin-dung-20180504224230327.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới