Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công bằng cho người tiêu dùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công bằng cho người tiêu dùng

(TBKTSG) – Bảy tháng đầu năm nay, giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng với tốc độ chóng mặt, có lúc lên đến 1.200 đô la Mỹ/tấn. Ở thị trường trong nước, giá thép xây dựng cũng sốt theo và nhanh chóng vượt mức 21 triệu đồng/tấn.

Giá cả thị trường thép tăng quá nhanh khiến cho nhiều nhà thầu cũng như chủ của các công trình xây dựng lao đao, còn các công ty thép thì thu lợi lớn nhờ sự biến động này. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn không thèm đưa phôi thép vào sản xuất, mà xuất ngược sang các nước khác để kiếm lời, làm cho thị trường trong nước cung không đủ cầu, dẫn đến chênh lệch giữa giá bán tại nhà máy và trên thị trường tự do có lúc lên đến 2-2,5 triệu đồng/tấn.

Nay tình hình đang diễn biến ngược lại. Chỉ trong chưa đầy hai tháng, giá phôi thép trên thị trường thế giới giảm đến 50% và thép cuộn thành phẩm trong nước cũng chỉ còn khoảng 15 triệu đồng/tấn. Đương nhiên, những công ty nhập phôi vào thời điểm giá cao sẽ bị lỗ. Nhưng kinh doanh thì phải có lúc thắng, lúc thua và lẽ ra Hiệp hội Thép Việt Nam phải hiểu điều đó để không đưa ra những phản ứng trái với quy luật thị trường tại cuộc họp của hiệp hội vào ngày 7-10-2008 vừa qua.

Tại cuộc họp này, các thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam đã thống nhất không tiếp tục hạ giá bán sản phẩm. Đồng thời, để bảo đảm cho tính khả thi của quyết định này, hiệp hội đã đề nghị Chính phủ cho tăng thuế nhập thép thành phẩm từ 8% lên 25% nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Các thành viên của Hiệp hội Thép hiện chi phối khoảng 80% năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam. Việc hiệp hội thống nhất không giảm giá bán chính là thỏa thuận nhằm hạn chế cạnh tranh, do đó vi phạm Luật Cạnh tranh và chống độc quyền. Nếu đề xuất tăng thuế nhập khẩu thép thành phẩm được Bộ Tài chính chấp thuận, thì sẽ không công bằng với người tiêu dùng.

Trong những tháng thị trường thép lên cơn sốt, Chính phủ liên tục kêu gọi ngành thép kiềm chế tăng giá để góp phần bình ổn giá cả thị trường. Các doanh nghiệp có điều kiện để làm được việc này nhờ ký được hợp đồng nhập phôi khi giá còn thấp. Nhưng nhiều công ty lại không làm vậy. Họ phản ứng lại với chủ trương kiểm soát giá của Nhà nước bằng cách hạn chế sản xuất và tái xuất phôi ra nước ngoài, làm giá thép ở trong nước tăng mạnh do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu.

Bảo vệ sản xuất trong nước là cần thiết, nhưng điều đó không có nghĩa bắt người tiêu dùng phải gánh chịu rủi ro và yếu kém thay cho nhà sản xuất. Hơn nửa đầu năm nay, nhiều công ty thép đã kiếm lời hàng trăm tỉ đồng nhờ thời cơ thị trường và người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt hại, thì nay họ có chịu lỗ một chút do rủi ro về biến động giá cả, cũng là điều công bằng.

TẤN ĐỨC   

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới