Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công bố hàng loạt mẫu sữa không đạt chuẩn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công bố hàng loạt mẫu sữa không đạt chuẩn

Thanh tra y tế kiểm tra một cơ sở sản xuất sữa trong năm 2008. Ảnh: Thu Hương

(TBKSG Online) – Theo các kết quả kiểm tra chất lượng sữa năm 2008 được Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM công bố hôm 6-2 cho thấy, hầu hết các sản phẩm sữa đều công bố sai tiêu chuẩn chất lượng mà nhà sản xuất công bố trên bao bì sản phẩm.

Theo đó từ tháng 4 đến tháng 11-2008, viện đã lấy ngẫu nhiên khoảng 100 mẫu sữa tại các cửa hàng, siêu thị, chợ trên địa bàn TPHCM để phân tích, đo lường nhằm đánh giá chất lượng thực chất của sản phẩm so với công bố trên bao bì.

Trong 100 mẫu thì có 37 mẫu sữa bột hộp thiếc nhập khẩu, 13 mẫu sữa bột hộp giấy nhập khẩu và phần còn lại là sữa sản xuất trong nước. Theo công bố của viện thì hầu hết các nhà sản xuất đều công bố chất lượng sản phẩm của mình sai với thực tế. Cụ thể là hàm lượng chất protein thực tế trong sản phẩm chênh lệch lớn so với hàm lượng mà nhà sản xuất công bố trên bao bì sản phẩm.

Một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Dutch Lady, Công ty liên doanh Campina và Công ty cổ phần Bibica (Đồng Nai) cũng ghi sai hàm lượng protein thực có trong sản phẩm so với hàm lượng công bố đến người tiêu dùng.

Ông Lê Hoàng Ninh, Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng trao nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, viện đã lấy những mẫu sữa này ngẫu nhiên trên thị trường và kết quả theo dõi hàm lượng protein hầu như sai lệch với các hàm lượng mà nhà sản xuất công bố.

“Để bảo vệ sức khỏe người dân, viện sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra chất lượng sữa trong thời gian tới. Viện sẽ báo cáo kết quả này lên Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM tiến hành thanh tra kiểm tra thêm và có hướng xử lý kịp thời,” ông Ninh nói.

Có dấu hiệu hàng giả

Trước đó, Sở Y tế TPHCM cũng đã công bố kết quả kiểm tra 15 mẫu sữa trên thị trường cho thấy 14 mẫu chưa đạt hàm lượng đạm như công bố trên bao bì.

Theo kết quả báo cáo, mẫu sữa bột Maylac của cơ sở Như Trang ở quận Tân Bình công bố hàm lượng protid trên sản phẩm là 34% (cứ 100 gam sữa có 34 gam đạm) nhưng thực tế chỉ đạt 14,97%. Sữa bột dinh dưỡng Milk Power của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Tuấn Cường Phát, quận Bình Tân, công bố đạm 10%, thực tế kiểm nghiệm chỉ ở mức 7,37%…

Ông Nguyễn Văn Châu, giám đốc Sở Y tế cho biết: nguyên liệu sản xuất sữa của các công ty trên đều được nhập từ nước ngoài, về Việt Nam chỉ pha trộn rồi cho ra thị trường. Việc công bố chất lượng một đường, thực tế sản phẩm một nẻo là hành vi gian lận trong kinh doanh.

Trong quá trình thanh tra sở đã phát hiện Công ty TNHH Hùng Lâm và Công ty TNHH Lâm Hằng (quận Bình Tân) sản xuất sữa bột dinh dưỡng nhưng không công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Các mẫu sữa nhãn hiệu Food Milk của các công ty này bao gồm: sữa bột canxi; phát triển trí não; sữa mama; tăng trưởng chiều cao; dành cho người gầy, có hàm lượng đạm từ 1,33 đến 1,62 gam/100 gam sữa thành phẩm.

Theo văn bản của Sở Y tế thì Công ty Hùng Lâm và Công ty Lâm Hằng thực chất là một chủ đầu tư và công ty Lâm Hằng chỉ là nơi giao dịch, trưng bày các sản phẩm do Công ty Hùng Lâm sản xuất. Công ty này được xem là sản xuất hàng giả do chưa công bố tiêu chuẩn sản phẩm với cơ quan chức năng và đã bị phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đề nghị thanh tra, điều tra thêm.

Công bố chậm trễ

Theo các văn bản kiểm tra chất lượng sữa cho thấy, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra chất lượng sữa từ ngày 7-8-2008 đến 28-10-2008. Mặc dù vậy, đến ngày 5-2-2009, Sở Y tế thành phố mới chính thức công bố các kết quả này.

Tương tự, Viện Vệ sinh y tế công cộng cũng hòan thành các kết quả xét nghiệm từ tháng 11-2008 nhưng đến 6-2-2009 mới công bố. Như vậy, người tiêu dùng trong thời gian qua đã không được biết các kết quả đó và vẫn không hề biết họ đang sử dụng những sản phẩm sữa không đạt chuẩn trong thời gian khá dài.

Trả lời báo chí vì sao đến nay Sở Y tế mới công bố các kết quả này, ông Châu cho rằng, trong thời điểm trên, sở đang tập trung nhân lực kiểm tra melamine trong sản phẩm sữa khi cơn bão melamine ập đến. “Melamine là chất độc và cần phải công bố kịp thời, rộng rãi trên các phương tiện thông tin,” ông nói.

“Còn đối với hàm lượng protein trong sữa, sở phải cân nhắc khi công bố, tránh tình trạng gây tâm lý hoang mang một lúc cho ngưởi tiêu dùng,” ông Châu cho biết.

Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online vì sao các kết quả xét nghiệm Viện Vệ sinh y tế công cộng đã có từ tháng 11-2008 nhưng đến 6-2-2009 mới công bố, ông Ninh nói rằng: kết quả này và một số kiểm tra về thực phẩm như trứng, rau và thị chúng tôi đã công bố trước một hội thảo khoa học hồi cuối năm ngoái.

Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 300 nhà khoa học.

THU HIỀN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới